Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Không gian đọc: Nơi kết nối và lan tỏa tình yêu "Sách"

15/05/2019 | 07:17

Mỗi người mỗi cuộc sống riêng bận rộn, nhưng điểm chung là tình yêu với "Sách", đã gắn kết họ lại với nhau cùng tạo nên điều tuyệt vời cho cuộc sống.


 Không gian đọc: Nơi kết nối và lan tỏa tình yêu Sách - Ảnh 1.

Qua 12 năm xây dựng và phát triển, đến nay Không gian đọc hiện còn khoảng 20 điểm trên cả nước

Hình thành và phát triển mạng lưới Không gian đọc trên nhiều tỉnh, thành phố

Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng Không gian đọc (sau đây gọi là Không gian đọc) là một ví dụ điển hình về tình yêu với "Sách" ghi dấu trong chuỗi thư viện miễn phí đặt tại nhà dân hoặc những nơi phù hợp do người dân tự quản lý, do 3 thành viên là Trần Thiện Tùng (Tùng Cường), Nguyễn Văn Quân, và Kiều Bạch Tuyết đồng sáng lập, điều hành từ ngày 25/4/2008 tại thôn An Phú, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Qua 12 năm xây dựng và phát triển, đến nay Không gian đọc hiện còn khoảng 20 điểm trên cả nước, tập trung tại: Thái Bình, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang…

Không gian đọc do Trần Thiện Tùng, Nguyễn Văn Quân, Kiều Bạch Tuyết thành lập đầu tiên có tên gọi là "Không gian đọc An Phú" được đặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Quân, chị Kiều Bạch Tuyết đều là thầy thuốc Đông y. Với cơ sở vật chất ban đầu chỉ là ngôi nhà cấp 4 lợp ngói, rộng chừng 20m2, Không gian đọc An Phú có 4 giá sách, báo, khoảng 300 đầu sách, báo, tạp chí, bàn ghế trong nhà và ngoài sân đủ cho 20 bạn đọc sử dụng/lúc. Không gian đọc An Phú là thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng miễn phí, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng chung các tài liệu được xuất bản tại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc trong việc khai thác, sử dụng vốn tài liệu thông qua hình thức đọc tại chỗ, mượn về nhà, luân chuyển tài liệu...

Đến nay do nhiều nguyên nhân, Không gian đọc An Phú tạm ngưng hoạt động, nhưng vẫn thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động đọc sách tại nhiều điểm Không gian đọc cũ và mới, như: Không gian đọc Bương Hạ, Không gian đọc Hy Vọng, Không gian đọc Niềm Tin, Không gian đọc An Dục… tại tỉnh Thái Bình; Không gian đọc Hội An tại tỉnh Quảng Nam; Không gian đọc Củ Chi tại TP Hồ Chí Minh; Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê tại tỉnh Vĩnh Long... Trong đó, có "Không gian đọc An Dục", thành lập năm 2013, tại nhà vợ chồng thầy cô giáo Vũ Ngọc Toàn, Dương Lệ Nga (giáo viên về hưu xã An Dục, Quỳnh Phụ) là một trong những Không gian đọc tiêu biểu nhất hiện nay.

Điều đặc biệt "Không gian đọc An Dục" chính là điểm trung chuyển sách báo cho Thái Bình và nhiều nơi trên cả nước – tức là sách báo do các nhà hảo tâm gửi về "Không gian đọc An Dục", sẽ được phân loại, luân chuyển sách đi các tỉnh Sơn La, Bắc Giang và nhiều điểm Không gian đọc trong tỉnh Thái Bình. Một điểm nổi bật khác của "Không gian đọc An Dục" là bạn đọc có thể mượn từ 7h sáng 9h tối các ngày trong tuần. Nếu chủ nhà vắng nhà thì thủ thư sẽ là hàng xóm. "Không gian đọc An Dục" có đội ngũ thủ thư làm đại sứ đọc sách cho các tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học và tiếp tục lan tỏa cho tới khi học sinh trưởng thành...

 Không gian đọc: Nơi kết nối và lan tỏa tình yêu Sách - Ảnh 2.

"Không gian đọc An Dục"

Ngoài ra, không thể không kể đến Không gian đọc Hy Vọng (TP Thái Bình) do người khuyết tật quản lý, lập năm 2015, hiện có 600 thẻ bạn đọc thường xuyên, có gần 4000 đầu sách, có 7000 lượt bạn đọc/năm. Bên cạnh đó, còn có các Không gian đọc hoạt động hiệu quả khác: Không gian đọc Niềm Tin (huyện Đông Hưng), Không gian đọc Tâm Hoa (huyện Đông Hưng), Không gian đọc thôn Nội (huyện Vũ Thư), Không gian đọc Ước Mơ (huyện Hưng Hà) – đây đều là các Không gian đọc do người khuyết tật quản lý nhưng hoạt động rất hiệu quả, có từ 1000 – 2000 đầu sách, với số lượt bạn đọc ước tính hàng tháng là hàng trăm lượt...

Tạo sự gắn kết và lan tỏa tình yêu "Sách"

Để nâng cao nghiệp vụ thư viện, các thành viên trong Không gian đọc đã tích cực tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ thư viện do Thư viện tỉnh Thái Bình, Thư viện huyện Quỳnh Phụ tổ chức. Tổ chức thực hiện các hình thức tuyên tuyền giới thiệu vốn tài liệu, giới thiệu sách mới: một số cuộc thi viết, giới thiệu sách trong bạn đọc; xây dựng, hình thành đội ngũ tình nguyện viên theo các cấp học (tiểu học, THCS, THPT, sinh viên…) theo mô hình tự quản (nhiều khi chủ nhà có việc bận thì các tình nguyện viên tới quản lý Không gian đọc, phục vụ bạn đọc)…

Bên cạnh đó, hỗ trợ các mô hình thư viện miễn phí khác tại địa phương, như: Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Thư viện danh nhân, Thư viện thôn… để đưa Quỳnh Phụ trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng tủ sách, thư viện (có thời điểm lên tới hàng trăm tủ sách, thư viện). Tổ chức các chương trình khuyến đọc, tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử quê hương: tìm hiểu nghệ thuật chèo truyền thống, tham gia thành lập CLB thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ, hỗ trợ nhóm từ thiện Kết nối trái tim, hoạt động bán sách gây quỹ từ thiện ở lễ hội để người dân có cơ hội được mua sách hay, giá phù hợp.

Đối với hoạt động khuyến đọc, cộng đồng - Đây là hoạt động rất tích cực của những người điều hành Không gian đọc cũng như nhóm đối tác là Kết nối trái tim bằng việc: Tổ chức cho các thành viên trong nhóm tham quan di tích lịch sử, thư viện hoạt động tốt trong tỉnh; Tặng sách báo, đĩa cho một số tủ sách dòng họ, tủ sách thôn làng, tủ sách phụ huynh; Tặng sách cho các cá nhân, trường học có đóng góp tích cực trong việc xây dựng thư viện tủ sách, phong trào đọc; Vận động những người tâm huyết với việc đọc mở tủ sách tại gia đình phục vụ cộng đồng; Tổ chức chương trình Bán sách gây quỹ từ thiện ở lễ hội lớn tại địa phương; Phối hợp tổ chức chương trình giao lưu Văn hóa đọc ở nông thôn, định kỳ hàng năm chào mừng ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4, ngày Sách Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho phong trào xây dựng Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp học tại địa phương...

 Không gian đọc: Nơi kết nối và lan tỏa tình yêu Sách - Ảnh 3.

Cô giáo Dương Lệ Nga (Không gian đọc An Dục) truyền cảm hứng đọc sách tới nhiều nơi.

Từ chương trình Văn hóa đọc huyện Quỳnh Phụ lần đầu tiên năm 2010 thành công, đã lan tỏa ra nhiều huyện trong tỉnh Thái Bình và tỉnh bạn, như: Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên… Thông qua Câu lạc bộ hỗ trợ tri thức cộng đồng Quỳnh Phụ, nhóm thiện nguyện Kết nối trái tim phối hợp phong trào xây dựng Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh được đông đảo người dân đón nhận, tích cực đóng góp công sức, kinh phí, cùng các nhà tài trợ thực hiện chương trình "Sách hóa nông thôn"...

Kết quả trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình hiện có 25 tủ sách dòng họ, hàng nghìn tủ sách phụ huynh được xây dựng, góp phần thiết thực nâng cao dân trí cho người dân nông thôn, thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác thư viện Nhà nước đề ra. Với những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, các thành viên của Không gian đọc đã nhiều lần được các cấp, chính quyền địa phương và Trung ương khen thưởng và biểu dương.

Lan Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×