Không chấp thuận tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm
01/02/2019 | 08:52Không chấp thuận tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam - Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương qua cuộc trao đổi với phóng viên
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
PV. Có thể khẳng định công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước, Cục trưởng có thể cho biết, Cục đã có những chỉ đạo gì?
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Ngay từ đầu mùa lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 623/KH-BVHTTDL ngày 12/02/2018 phân công nhiệm vụ về công tác quản lý hoạt động lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018, trong đó có nội dung: chỉ đạo, phân công các đồng chí Thứ trưởng phụ trách, theo dõi, chỉ đạo và chịu trách nhiệm đối với các địa phương trọng điểm, tổ chức các lễ hội lớn; giao cho 01 đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo trực tiếp công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018, chịu trách nhiệm phát ngôn và trả lời các cơ quan thông tấn báo chí về quản lý hoạt động lễ hội. Đồng thời phân công các Cục, Vụ liên quan các nhiệm vụ cụ thể để mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 được diễn ra an toàn, thiết thực, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị di sản văn hóa của nhân dân.
Tiếp đó, Cục Văn hóa cơ sở đã tham mưu các văn bản chỉ đạo, đồng thời tổ chức các đoàn công tác tới các "điểm nóng" để làm việc, đối thoại với Ban tổ chức lễ hội và người dân như: Đền Sóc (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), lễ hội Đúc Bụt và lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Hội chọi trâu Phù Ninh và cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ) và đề nghị các địa phương, Ban tổ chức các lễ hội phải cam kết thực hiện các giải pháp đối với các hiện tượng phản cảm, hạn chế đã diễn ra ở từng lễ hội năm 2017.
Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Thanh tra Bộ cũng như thanh tra các địa phương, tăng cường công tác phối hợp liên ngành để thanh, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội. Năm nay, công tác thanh tra, giám sát sẽ được tiến hành đột xuất, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời với những vấn đề nổi cộm.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa
PV. Lại một mùa lễ hội nữa đang đến gần, Cục đã có những kế hoạch gì trong công tác quản lý lễ hội 2019?
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Nhằm tổ chức và quản lý tốt các hoạt động lễ hội năm 2019, Cục Văn hóa cơ sở đã ban hành Kế hoạch số 804/KH-VHCS ngày 15/11/2018 về việc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 tại các địa phương trong toàn quốc.
Đối với một số địa phương còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội tổ chức năm 2018 như: Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An), Lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)... phải xây dựng phương án chuyển đổi hình thức tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Đối với Hội chọi trâu xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ; Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị địa phương phải xây dựng Đề án tổ chức, đăng ký hoặc thông báo trước khi tổ chức lễ hội theo quy định của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.
Cục Văn hóa cơ sở tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 vào ngày 17/01/2019, đồng thời yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành: Phổ biến, quán triệt nội dung Nghị đinh số 110/2018/NĐ-CP; Hướng dẫn về trình tự đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định tại Nghị đinh số 110/2018/NĐ-CP; Việc thẩm định nội dung tổ chức lễ hội phải đảm bảo đúng quy định về tổ chức lễ hội; không chấp thuận tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong việc quản lý và tổ chức lễ hội. Bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội.
Chọi trâu Phù Ninh - Phú Thọ năm 2018. Ảnh: Báo Dân Trí
PV. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội sẽ có những tác động như thế nào trong mùa lễ hội năm 2019?
Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, Cục Văn hóa cơ sở đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định kèm theo Quyết định số 3881/QĐ-BVHTTDL ngày 16//10/2018; đồng thời, Cục Văn hóa cơ sở cũng đã ban hành văn bản số 808/VHCS-NSVH ngày 15/11/2018 gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành hướng dẫn triển khai Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, sẽ kiên quyết không để tồn tại việc lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đảm bảo đúng mục tiêu của lễ hội là giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tính nhân văn cho người dân nhằm bảo tồn phát huy được những nét đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội./.
Xin chân thành cảm ơn Cục trưởng!