Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khởi công khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối năm 2020

14/05/2020 | 13:15

Khởi công khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối năm 2020; Thẩm định, duyệt chương trình hát văn và hát chèo; Ra mắt Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật là những thông tin văn hóa tại các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam.

Khởi công khai quật di chỉ khảo cổ Vườn Chuối năm 2020 - Ảnh 1.

Hố khai quật tại cụm di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Hà Nội mới

Hà Nội: Ngày 13/5, Viện Khảo cổ đã chính thức khởi công đợt khai quật mới tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). 

Dự án khai quật khảo cổ các gò Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng đã dược thực hiện một lần trong năm 2019 với diện tích khoảng 200m2, thu được nhiều kết quả rất tốt để phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, phục vụ phát triển kinh tế của Hà Nội. Đợt khai quật tiếp theo trong năm 2020 có diện tích nhỏ hơn, bao gồm 150m2, trong đó có 50m2 là hố khai quật, còn lại là các hố thăm dò. Đợt khai quật lần này tập trung vào phía đông của Vườn Chuối, không động đến dự án đường vành đai 3.5. 

Mục tiêu của đợt khai quật này theo chủ trương của thành phố là tìm ra được giá trị của khu vực phía đông di chỉ Vườn Chuối, để có những bước tiếp theo nhằm bảo tồn phía đông.

Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, là một trong những địa chỉ khảo cổ độc đáo của thành phố Hà Nội. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rất nhiều hiện vật, tư liệu cung cấp thông tin về cuộc sống của con người cổ đại cách đây khoảng 3.000 năm, với các lớp văn hóa chồng lên nhau gồm Đông Sơn, Đồng Đậu và Gò Mun.

Hiện nay, dự án đường vành đai 3.5 đang chạy qua khu di chỉ này, có nguy cơ xóa sổ di chỉ Vườn Chuối. Nhiều nhà khoa học cũng như báo chí truyền thông đã lên tiếng kêu cứu cho Vườn Chuối.

Hải Phòng: Tại Nhà hát thành phố, Hội đồng nghệ thuật thành phố vừa tổ chức thẩm định, duyệt chương trình hát văn và hát chèo. Đây là một trong những hoạt động văn hóa chào mừng 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955 – 13/5/2020.

Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố chỉ đạo nội dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai làm đạo diễn.

Chương trình gồm 3 tiết mục, gồm: Tiết mục hát văn "Hải Phòng hôm nay", "Cát Bà xanh", "Dấu ấn Mạc Triều" của tác giả Vũ Huy Thành-Trưởng đoàn; hát chèo "Đảo xa nhớ Bác"-cố tác giả Trần Quỳnh. Đây đều là những tiết mục đặc sắc, ngợi ca Bác Hồ và thể hiện tình yêu thành phố, quê hương, đất nước do các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn chèo biểu diễn.

Kết thúc chương trình là tiết mục diễn xướng chầu văn "Thánh Chân công chúa"-tác giả Vũ huy Thành đã tạo ra điểm nhấn của chương trình khi khắc họa hình ảnh đẹp đẽ của nữ tướng Lê Chân-người có công khai khẩn đất hoang, lập nên trấn Hải Tần phòng thủ, tiền thân của Hải Phòng hôm nay.

Được biết chương trình sẽ được ghi hình và phát sóng trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vào tối 18/5.

Hà Nam: Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh vừa tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật (VHNT) trực thuộc hội với nhiệm vụ thúc đẩy phong trào sáng tác VHNT địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Câu lạc bộ gồm 35 thành viên là những người tham gia hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở các bộ môn văn xuôi, thơ, nghiên cứu sưu tầm, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu và âm nhạc trong nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư đóng trên địa bàn tỉnh với tính chất bán chuyên nghiệp.

Với niềm đam mê nghệ thuật, các thành viên CLB trong thời gian dài có những đóng góp tích cực đối với phong trào phát triển VHNT Hà Nam. Nhiều tác giả có tác phẩm tham gia triển lãm, các cuộc thi đoạt giải…

Việc thành lập Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật có ý nghĩa thúc đẩy phong trào sáng tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị; phát hiện và bồi dưỡng tài năng, tạo nguồn cho Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam phát triển tổ chức trong tương lai.

Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×