Khoanh vùng, bảo vệ các điểm di tích Điện Biên Phủ
01/09/2021 | 18:20Nhiều năm trở lại đây, quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ được quản lý, bảo vệ hiệu quả, từng bước phát huy giá trị vào phát triển du lịch. Để phát huy giá trị hơn nữa, rất cần xây dựng các quy hoạch tổng thể, khoanh vùng và bảo vệ nguyên vẹn các di tích này trước sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh.
Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích tỉnh, toàn bộ 45 điểm di tích thuộc quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ (Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ) đã xác định được khu vực bảo vệ I, 30/45 điểm di tích có khu vực bảo vệ II, 28/45 điểm di tích được cắm mốc trên thực địa, 23/45 điểm di tích có đầy đủ hồ sơ khoa học, 9/45 điểm di tích đã thực hiện đầu tư tôn tạo, vĩnh cửu hóa. Tuy vậy, đến thời điểm này Di tích chưa có quy hoạch tổng thể, nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc, định vị, một số điểm di tích có các hộ dân sinh sống; phần lớn môi trường cảnh quan khu di tích chưa được khôi phục. Một số di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song cũng chưa hoàn chỉnh vì vậy không thể hiện rõ nét toàn cảnh chiến trường, không thấy rõ những diễn biến các cuộc giao chiến khốc liệt.
Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: Hiện nay Ban đang tích cực tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai trình tự các bước trong việc thực hiện “Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tập trung tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi nhằm phát huy giá trị Di tích gắn với quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Đồng thời, thực hiện khoanh vùng, xác định phạm vi và cắm mốc giới khu vực bảo vệ Di tích. Đây là nhiệm vụ lớn, cần triển khai trình tự theo nhiều bước khác nhau và cần thông qua nhiều cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến bộ, ngành Trung ương. Hơn nữa, để thực hiện dự án này đòi hỏi đơn vị tư vấn phải có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm với các di tích lịch sử. Trong khi ở Điện Biên hiện nay chưa có đơn vị nào đủ điều kiện thực hiện nội dung này. Vậy nên tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ vẫn cần thời gian để hoàn thiện.
Ngoài ra, có 3 điểm thuộc Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ nằm trong Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Gồm điểm 311B nằm trong hành lang an toàn và đường tránh của người dân; điểm 105 và điểm 206 nằm hoàn toàn trong quy hoạch sân bay. Vì vậy, Ban cũng đã tiến hành đo đạc, điều chỉnh khoanh vùng và tham mưu xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lấy ý kiến của Hội Di sản và Bộ Quốc phòng. Cơ bản các đơn vị trên đều nhất trí với phương án được đề xuất: Điểm 105 và 206 giữ lại 500m2 mỗi điểm, trong đó 100m2 vùng 1 và 400m2 vùng 2; điểm 311B diện tích còn khoảng 2.000m2 sẽ được giữ lại hết để phục vụ công tác tôn tạo sau này. Như vậy, các điểm di tích sẽ vẫn được bảo vệ mà không ảnh hưởng tới quá trình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.
Trong bảo vệ di tích, cán bộ, viên chức của Ban thường xuyên vệ sinh, phát dọn, cải tạo cảnh quan, cắt tỉa cây cảnh các điểm di tích đã đưa vào khai thác. Từ đầu năm đến nay, Ban đã xử lý, chấm dứt việc kinh doanh nước giải khát của các hộ tại khu vực vỉa hè lối vào tham quan di tích Đồi D (Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ); yêu cầu các cá nhân, tổ chức dọn dẹp vệ sinh rác thải và di dời cây cảnh, vườn ươm tại khu vực di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực tế và thống nhất phương án di chuyển vị trí tập kết rác thải tại di tích đồi E… Đồng thời, tổ chức kiểm tra, xác minh, giải quyết thỏa đáng các vấn đề phát sinh liên quan đến những hộ sống quanh điểm di tích. Đối với các điểm di tích khác, Ban thường xuyên kiểm tra, tăng cường bảo vệ, không để xảy ra tình trạng xâm lấn. Qua theo dõi, không xảy ra tình trạng người dân xâm phạm các điểm di tích. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ di tích. Ban đã xây dựng các nội dung tuyên truyền, như: Thu âm phát trên loa, in ấn tờ rơi… gửi đến các phường, xã để phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu thêm về lịch sử, hiểu thêm về Luật Di sản và hiểu rằng Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là tài sản vô giá của quốc gia. Từ đó, tạo sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và của người dân sinh sống gần đó, phối hợp với Ban trong công tác bảo vệ các điểm di tích nguyên vẹn với thời gian.