Khoảng lặng trong hoạt động mỹ thuật
14/12/2021 | 17:26Những năm qua, các họa sĩ, nhà điêu khắc trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm mỹ thuật chất lượng, đạt giải thưởng cấp khu vực, quốc gia. Tuy nhiên, nhìn vào thực chất, mỹ thuật Bình Ðịnh có những khoảng lặng phía sau…
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội VHNT Bình Định), cho biết: Mặc dù lực lượng sáng tác của Chi hội Mỹ thuật so với các tỉnh trong khu vực chưa phải là đông, số lượng tác phẩm tham gia triển lãm thường niên không nhiều, song nhiều năm qua, chúng tôi vẫn đạt được khá nhiều thành tích cao. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, năm nào Chi hội Mỹ thuật cũng có ít nhất 1 hội viên được giải thưởng khu vực; đặc biệt vào năm 2017 và năm 2020, hội viên Chi hội đạt được thành tích cao trong khu vực và quốc gia.
Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, các họa sĩ, nhà điêu khắc đã đạt 3 giải thưởng quốc gia. Trong đó, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa đạt 2 giải - giải nhì giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải ba tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2020, với tác phẩm "Chuỗi mộng" (chất liệu gỗ - sắt). Họa sĩ Lê Duy Khanh đạt giải B tại cuộc thi vẽ tranh cổ động nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Bộ VHTTDL tổ chức vào tháng 7/2017. Bên cạnh đó, các họa sĩ, nhà điêu khắc tỉnh nhà cũng đạt 6 giải thưởng cấp khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, có hơn 60 tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong tỉnh được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn tham gia các đợt Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên.
Ngoài hoạt động sáng tác, triển lãm khu vực thường niên, không ít họa sĩ, nhà điêu khắc của tỉnh vinh dự được mời tham gia các trại sáng tác triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, trại sáng tác, triển lãm quốc tế, như: Trần Tuấn, Lê Duy Khanh, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Cần, Nguyễn Thế Trường, Lê Duy Hồng, Nguyễn Đình Lữ, Nguyễn Xuân Quang, Lê Thị Tuấn, Trần Đình Tấn… Các hoạt động này cho thấy uy tín, sự kết nối, lan tỏa sáng tạo nghề nghiệp của các họa sĩ Bình Định ra ngoài tỉnh, ngoài khu vực.
Tuy nhiên, nhìn vào thực chất, hoạt động mỹ thuật có những khoảng lặng so với 9 tỉnh, thành trong khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên nói chung và mỹ thuật Việt Nam nói riêng. Đơn cử như các vấn đề: Phong trào triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân để tạo ra những không gian thưởng lãm cho công chúng hâm mộ mỹ thuật còn rất khiêm tốn; tác giả trẻ thể hiện có phong cách, cá tính mỹ thuật riêng còn ít. Đặc biệt, mỹ thuật tỉnh nhà mới dừng lại ở tính xây dựng phong trào, chưa phát triển lên chuyên nghiệp, một biểu hiện dễ thấy là các nghệ sĩ chưa bán được nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt là tranh.
Họa sĩ Lê Duy Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Bình Định, cho rằng: Về phía cá nhân người nghệ sĩ sáng tạo, khách quan mà nói tính "dấn thân" của một số bạn trẻ chưa cao, nội lực trong sáng tạo còn thấp, chính vì thế ngay thẳng mà nói - tác phẩm đẹp có giá trị nghệ thuật cao không nhiều. Ngoài ra cũng nên nhắc tới điều này, các bạn trẻ có năng khiếu mỹ thuật nói chung, về hội họa nói riêng bây giờ phần lớn đều lựa chọn lĩnh vực kiến trúc hoặc mỹ thuật ứng dụng để định hướng tương lai. Mỹ thuật sáng tạo gần như không còn thu hút được họ. Và một điểm không kém quan trọng là nhiều năm qua dù có nhiều chủ trương, chương trình được ban hành nhưng thực tế tỉnh ta chưa bố trí không gian riêng dành cho triển lãm, trưng bày mỹ thuật. Đây là những nguyên nhân chính khiến mỹ thuật Bình Định chưa thể "cất cánh".
Để hoạt động mỹ thuật tỉnh nhà phát triển, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa chia sẻ, thời gian đến, Chi hội Mỹ thuật, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với Hội VHNT tỉnh và các đơn vị liên quan lên kế hoạch tạo điều kiện để các họa sĩ Bình Định giao lưu thực tế sáng tác, tham gia triển lãm với các họa sĩ giỏi trong khu vực để nâng cao năng lực sáng tạo. Đồng thời, sẽ mời một số họa sĩ uy tín giỏi nghề về Bình Định đi thực tế sáng tác cùng hội viên trong các chi hội. Chi hội cũng sẽ khuyến khích những cá nhân xây dựng những triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân; khuyến khích hoạt động giao lưu sáng tác mở rộng ngoài tỉnh. Ngoài ra, Chi hội còn phối hợp với lãnh đạo Hội VHNT tỉnh tổ chức Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam hằng năm, nhằm duy trì tình cảm, cảm hứng sáng tạo và tăng cường đoàn kết phát triển chi hội vững mạnh.
"Sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ nhưng quan trọng nhất chính bản thân người nghệ sĩ phải nỗ lực tìm tòi sáng tạo để khẳng định mình và góp phần tạo nên một phong trào mỹ thuật lớn mạnh. Cùng với đó, các bạn cũng nên tích cực tham gia sáng tác, triển lãm, mở rộng giao lưu kết nối để học tập chia sẻ kinh nghiệm sáng tác với các họa sĩ, nhà điêu khắc giỏi ở mọi nơi… Có như vậy, bản thân họa sĩ mới phát triển bền vững được nghề mỹ thuật", nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa góp ý.