Khảo sát thực địa Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông
18/07/2018 | 22:26Trong thời gian 5 ngày từ 16-20/7, Đoàn khảo sát thực địa của UNESCO có chuyến đi khảo sát các điểm di sản, điểm dừng chân tại các huyện, thị xã trong khuôn viên Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Hang C3 - một trong những hang đẹp có thể khai thác du lịch địa chất. Ảnh: Daknong.gov.vn
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có buổi làm việc với Đoàn khảo sát thực địa của UNESCO do Tiến sĩ Guy Martini- Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới CVĐC toàn cầu dẫn đầu để trao đổi bước đầu về quá trình xây dựng CVĐC núi lửa Krông Nô.
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Nông đã thông báo về quá trình xây dựng CVĐC núi lửa Krông Nô, các điểm di sản nổi bật của CVĐC như: Những kết quả làm được của CVĐC núi lửa Krông Nô - Đắk Nông; các tuyến du lịch CVĐC đã hình thành và đang hoàn thiện; các điểm di sản và các điểm đến nổi bật; đội ngũ làm việc của Ban quản lý CVĐC và sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền; sự tham gia của cộng đồng trong chiến lược phát triển chung của CVĐC; sự tham gia của hệ thống đối tác, dịch vụ, du lịch và sản phẩm địa phương…
Sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập và kiện toàn Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô và triển khai các đề tài khoa học nhằm nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tiềm năng, hiện trạng và thế mạnh của CVĐC. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai các quy hoạch, đề án, dự án trên các lĩnh vực phục vụ cho việc xây dựng phát triển CVĐC và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản địa chất và CVĐC…
Được biết, theo lộ trình, sau khi lập hồ sơ khoa học và triển khai các mô hình xây dựng CVĐC đã hoạt động trong vòng một năm, các tỉnh có CVĐC sẽ gửi thư bày tỏ nguyện vọng gia nhập Mạng lưới CVĐC toàn cầu đối với Ủy ban UNESCO Việt Nam và Ủy ban này có nhiệm vụ gửi trình lên mạng lưới, xem xét phê duyệt.
Theo đó, khoảng tháng 4 hàng năm (trước khi nộp hồ sơ xét duyệt), các chuyên gia UNESCO sẽ tổ chức một đợt khảo sát sơ bộ trước khi trình hồ sơ. Ngoài mục đích khảo sát tiềm năng, tiềm lực trên tất cả mọi lĩnh vực của tỉnh về di sản địa chất, địa mạo, sự đa dạng sinh học, kết cấu hạ tầng cùng các yếu tố cần và đủ của một CVĐC, cuộc khảo sát cũng nhằm nắm bắt ý chí của tỉnh Đắk Nông có quyết tâm xây dựng CVĐC hay không. Nếu xét thấy tỉnh Đắk Nông hội đủ các tiêu chí của một CVĐC, tổ chức UNESCO sẽ chấp nhận cho tỉnh nộp hồ sơ, còn nếu không sẽ bị loại bỏ.
Lan Phạm (t/h)