Khảo cổ học: Đánh thức giá trị di sản Cố đô Hoa Lư
29/11/2021 | 08:56Ninh Bình là tỉnh có nhiều loại hình di sản văn hóa khảo cổ từ thời tiền sơ sử cách ngày nay hàng vạn năm cho đến giai đoạn lịch sử cách mạng, từ những di tích khảo cổ hang động cổ sinh, cổ nhân đến những di chỉ cư trú hang động, mái đá, di chỉ cư trú - mộ táng ngoài trời, kinh đô cổ với những dấu tích thành quách, cung điện cùng rất nhiều di tích đình, đền, chùa… còn đang hiện hữu.
Trong hai mùa điền dã năm 2020 và 2021 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu lịch sử văn hóa, trong đó khảo cổ học là định hướng nghiên cứu mũi nhọn, kết quả nghiên cứu đã cho thấy những tín hiệu vui trong hành trình đánh thức các giá trị di sản văn hóa cố đô, mở thêm cơ hội cho công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội ở Ninh Bình.
Bên cạnh các di tích mộ gạch có niên đại từ Thế kỷ I đến Thế kỷ III ở các xã Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Tường (huyện Nho Quan), Liên Sơn (huyện Gia Viễn), các phát hiện mới tại Khu di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư đã gợi mở hướng đi mới cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô.
Từ tháng 1-4/2021, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ học và các chuyên gia thuộc Viện Sử học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt". Đợt công tác đã thực hiện khai quật khảo cổ tổng diện tích 400m2, ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn và Di tích Cố đô Hoa Lư.
Tại hai huyện Nho Quan và Gia Viễn, trong tổng diện tích 100m2 khai quật các địa điểm mộ gạch Đền Hạ (xã Gia Lâm), Đồi Cò (xã Gia Tường) và Đồi Chùa (xã Liên Sơn) đã làm xuất lộ 5 kiến trúc mộ gạch có niên đại thế kỷ I-III sau Công nguyên.
Tại Di tích Cố đô Hoa Lư, với tổng diện tích 300m2 khai quật, đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê phân bố từ cống ngòi Chẹm vào cánh đồng Nội Trong. Hiện vật thu được chủ yếu là gạch ngói thời Đại La và gạch ngói thế kỷ X, trên nhiều viên gạch có in chữ Giang Tây Quân và Đại Việt quốc quân thành chuyên.
Kết quả nghiên cứu bước đầu ghi nhận khu vực nội đô của Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X có quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng hơn nhiều so với những hình dung của chúng ta từ trước đến nay; và trước thế kỷ X, khả năng đây chính là vị trí đặt trị sở của đất Trường Châu của nhà Đường.
Trong thời gian từ tháng 9/2021 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học mở rộng phạm vi nghiên cứu khai quật khảo cổ ở Di tích Cố đô Hoa Lư theo Quyết định số 2383/ QĐ-BVHTTDL ngày 31/8/2021 và số 2703/QĐ-BVHTTDL ngày 22/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tổng diện tích 600m2 tại vị trí cánh đồng phía Nam Đền thờ vua Lê Đại Hành. Kết quả bước đầu đã tìm thấy nền móng cung điện thời Đinh, thời Tiền Lê có quy mô to lớn như sử sách đã ghi chép. Ngoài ra còn tìm thấy một giai đoạn Đại La tại khu vực này.
Có thể nói kết quả nghiên cứu rất khả quan và sẽ được các nhà nghiên cứu công bố trong thời gian tới. Việc nghiên cứu khảo cổ học tại Ninh Bình là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện thành công Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư" được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1007/QĐ-UBND ngày 14/9/2021; hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản, làm phong phú thêm các sản phẩm văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Trong thời gian tới, trên cơ sở các kết quả khảo cổ đạt được, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước, quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư, hướng tới xây dựng Công viên di sản Khảo cổ - Lịch sử - Văn hóa tại khu vực này, đồng thời phục dựng lại kinh đô Hoa Lư xưa phục vụ yêu cầu giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu du lịch - giải trí - tham quan - học hỏi của nhân dân và du khách trong nước, quốc tế.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư, thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học tại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, làm đa dạng các không gian lịch sử, văn hóa của tỉnh, phát triển phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo cơ hội cho sự phát triển toàn diện, đồng đều về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, miền trong tỉnh.