Khánh Hòa: Tôn tạo phát huy giá trị di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh
22/11/2021 | 15:20Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đang lập hồ sơ Dự án tu bổ, tôn tao di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh (DA), báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa trình Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) thông qua. DA có tổng nguồn vốn đầu tư 156,5 tỷ đồng (bao gồm từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa), nhằm tôn tạo, bảo vệ các hạng mục đã và đang xuống cấp, phát huy các giá trị của di tích này.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở VHTT chủ trì lấy ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương liên quan đến DA, hoàn tất hồ sơ báo cáo UBND tỉnh. Từ trước đến nay, di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh được tỉnh Khánh Hòa thường xuyên triển khai tu bổ, tôn tạo và bảo vệ. Tuy nhiên, tải qua hàng trăm năm lịch sử, sự phong hóa của thời gian nhiều hạng mục của di tích Thành cổ Diên Khánh đã xuống cấp, có những hạng mục đã bị hư hỏng nặng và biến mất hoàn toàn.
Ông Nguyễn Thanh Hà, giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Dự án tu bổ, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh là dự án nhóm B, với nguồn kinh phí rất lớn lên tới 156,5 tỷ đồng. Thành cổ Diên Khánh là di tích được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử -văn hóa cấp Quốc gia, nên việc tôn tạo, trùng tu phải bao quát và nghiên cứu kỹ lưỡng, qua nhiều đợt khảo sát đánh giá của các nhà khoa học, thời gian kéo dài. Hồ sơ trùng tu, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh cũng liên quan đến nhiều cấp, Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương nên các thủ tục hết sức chặt chẽ.
"Hiện nay, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đã hoàn tất việc lất ý kiến góp ý của các Sở, ngành, chính quyền địa phương về DA, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua trong kỳ họp sắp tới", ông Nguyễn Thanh Hà khẳng định.
Theo kế hoạch, DA sẽ phục chế phần thành đất, xây mới một cầu vòm bắc qua hào nước ở cổng phía Bắc (cổng Hậu) và 4 tiểu công viên ở 4 góc thành cổ; xây dựng mới hệ thống thoát nước cho hào nước bao quanh thành cổ, nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào xây mới tuyến đường nhựa nằm ngoài đường ranh giới bảo vệ bên trong, bãi đậu xe, khu vực vệ sinh, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng cho toàn bộ khu vực bên trong thành cổ...
Ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Thành cổ Diên Khánh là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị bậc nhất của xứ Trầm Hương, được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử -văn hóa quốc gia từ năm 1988. Theo đó, Thành cổ Diên Khánh được xây dựng và hoàn thành vào năm 1793, trên diện tích khoảng 36.000m2 là một quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ XVII, XVIII. Thành cổ Diên Khánh có hình lục giác nhưng các cạnh không đều nhau, tường thành đắp bằng đất cao khoảng 3,5m. Bên ngoài tường thành là hào nước sâu từ 3m - 5m, rộng từ 20m - 30m, hợp cùng với những hàng tre gai trên tường thành tạo nên hàng rào phòng ngự bao quanh bảo vệ thành theo truyền thống người Việt. Khu nội thành được xây dựng giống như một kinh thành thu nhỏ với hoàng cung, cột cờ, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh và phía dưới là dinh quan Tham tri. Ngoài ra, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố...
Theo sử liệu, thuở mới xây dựng, Thành cổ Diên Khánh có 6 cửa, nhưng 2 cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp năm 1823, đến nay chỉ còn 4 cửa Đông - Tây - Tiền (phía nam) - Hậu (phía bắc). Trong khu khu vực Thành cổ Diên Khánh có một ngôi miếu. Trong "Xứ Trầm Hương" của Quách Tấn có nhắc đến truyền thuyết về ngôi miếu Ba Cô, nhưng ngày nay ngôi miếu cũng không còn tồn tại. Sau khi khảo sát, tìm hiểu, các nhà khoa học phát hiện còn một góc tường của ngôi miếu nằm ở một góc khu vực nội Thành và đã bị cây mọc bao phủ.
Để bảo vệ các hạng mục của di tích quốc gia Thành cổ Diện Khánh: Năm 2003 – 2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành trùng tu, sơn sửa bốn cổng di tích, gia cố những nơi bị nứt tường giột nước mưa và phục hồi 400m tường thành bằng đất. Năm 2004, đặt bia di tích ở cổng Đông. Năm 2010, phục hồi hơn 1.000m tường thành, làm đường bê tông ngoài hào và điện chiếu sáng. Đến nay, nhiều hạng mục của di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh tiếp tục xuống cấp.
Trao đổi với Phóng viên Văn Hóa, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng: Trải qua bao thời gian, các công trình kiến trúc cổ bên trong Thành cổ Diên Khánh tuy không còn nhưng bốn cổng thành vẫn còn sừng sững tồn tại mãi với thời gian và trở thành toà thành quân sự duy nhất của triều Nguyễn ở khu vực miền Trung còn tồn tại đến ngày nay.
Theo ông Nguyên Thanh Hà, Khánh Hòa đang phát triển mạnh về du lịch, bên cạnh các sản phẩm du lịch biển đảo, cần có thêm các loại hình du lịch khác, trong đó có các điểm, tour du lịch văn hóa. Việc thực hiện Dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh không chỉ bảo vệ di sản quý giá tại địa phương, mà còn có ý nghĩa tạo ra điểm đến lý tưởng thu hút du khách, phát triển du lịch. "Dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh sẽ rất khó khăn nhưng không phải không thực hiện được. Cái chính là sự quyết tâm và sự đồng thuận ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, các cấp lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và nhân dân trong toàn tỉnh", ông Nguyễn Thanh Hà nói.