Khánh Hòa: Thêm nhiều di tích được tu bổ
03/06/2024 | 10:54Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã nghiệm thu, bàn giao để đưa vào sử dụng nhiều di tích sau khi hoàn thành việc tu bổ. Đây đều là những di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng nên việc tu bổ kịp thời những hạng mục công trình bị xuống cấp góp phần giữ cho di tích tiếp tục trường tồn cùng thời gian.
Hoàn thành tu bổ 6 di tích
Trong đợt bàn giao vừa qua, có 6 di tích đã hoàn thành việc thi công tu bổ công trình gồm: Đình Lập Định (thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm); đình Quang Đông (thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa); đền Hùng Vương (số 173 đường Ngô Gia Tự, phường Tân Lập, TP. Nha Trang); TP. Cam Ranh có 3 di tích, gồm trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi (Tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh), đình Trà Long (Tổ dân phố Hương Long, phường Ba Ngòi), đình Mỹ Thanh (thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông).
Đền Hùng Vương là di tích nổi tiếng ở TP. Nha Trang, nhất là vào mỗi dịp giỗ tổ hàng năm. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, di tích bị xuống cấp, hư hỏng một số hạng mục công trình ở khu vực chính điện, miếu thờ, hội trường, công trình phụ, tường rào, mái hiên, nền sân… Từ tháng 8-2023, di tích đền Hùng Vương được thi công tu bổ các hạng mục nêu trên. Sau 4 tháng, việc tu bổ đã hoàn thành và bàn giao cho ban quản lý di tích. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ các hiện vật, di vật bên trong đền. “Đền Hùng Vương được tu bổ kịp thời các hạng mục xuống cấp, hư hỏng đã khắc phục được tình trạng mục nát, ngăn không làm ảnh hưởng đến các hạng mục khác trong di tích. Từ đây, việc tổ chức các hoạt động lễ hội, cúng bái cũng được chu đáo hơn. Minh chứng là trong dịp giỗ tổ năm nay, việc đón tiếp đại biểu, nhân dân đến dâng hương tưởng nhớ Đức Quốc Tổ đã được quy củ hơn, không còn tình trạng bí bức như những năm trước”, ông Trần Quốc Trịnh - Trưởng Ban Quản lý di tích đền Hùng Vương cho biết.
3 di tích ở TP. Cam Ranh được tu bổ, phục hồi các cấu kiện, thành phần kiến trúc bị hư hỏng như: Hệ thống mái, trần nhà, tường nhà, cửa đi, cửa sổ; cải tạo, sửa chữa khu vệ sinh, nền nhà; chính điện, nhà tiền tế, mái hiên, miếu tiền hiền; phòng, chống mối mọt; sửa chữa hạ tầng kỹ thuật điện, nước... Theo ông Vũ Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Cam Ranh, các công trình này sau khi hoàn thành việc thi công tu bổ và bàn giao cho địa phương đã có ý nghĩa rất lớn đối với việc quản lý, sử dụng, phát huy giá trị của di tích. Cụ thể, việc tu bổ 2 di tích đình Trà Long và đình Mỹ Thanh đã góp phần giữ gìn kết cấu hạng mục công trình, gia tăng tuổi thọ di tích, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trong vùng, phục vụ tốt hơn cho hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh. Với di tích trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi, địa phương đang lập phương án để sử dụng, khai thác hiệu quả. Dự kiến, nơi đây sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu các hiện vật, hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, thành tựu kinh tế - xã hội của TP. Cam Ranh để người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, quảng bá hình ảnh địa phương.
Nỗ lực giữ gìn các di tích
Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 16 di tích cấp quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh và 34 di tích đã tiến hành kiểm kê (chưa xếp hạng). Các di tích sau khi được xếp hạng đều có ban quản lý, có hồ sơ di tích nhằm bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích và danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam…, ngành Văn hóa đã xây dựng các kế hoạch phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là các di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị mang tính chiến lược như: Tháp Bà Ponagar, Thành cổ Diên Khánh, di tích Am Chúa, di tích địa điểm lưu niệm Tàu C235.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, thời gian qua, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn thu công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar, nguồn thu phí tham quan để tu bổ, tôn tạo các di tích, danh thắng đã xếp hạng bị xuống cấp. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh thực hiện trích nộp 35% nguồn thu vào ngân sách tỉnh để thực hiện tu bổ di tích. TP. Nha Trang trích một phần ngân sách để hỗ trợ kịp thời các di tích bị xuống cấp. Công tác vận động kinh phí xã hội hóa để tu bổ di tích được nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên, công tác tu bổ, tôn tạo di tích vẫn còn nhiều khó khăn. Các di tích được xếp hạng phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với số lượng lớn, tuổi thọ công trình ngày càng cao, nên không tránh khỏi hiện trạng ngày một xuống cấp do thời gian, thời tiết hoặc thiên tai. Về kinh phí tu bổ di tích, ngoài TP. Nha Trang đã có kế hoạch đầu tư tu bổ cho các di tích, còn lại các địa phương khác chưa có ngân sách hỗ trợ, do đó nếu chỉ có nguồn hỗ trợ tu bổ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẽ rất khó khăn, chưa thể đáp ứng cho tất cả di tích đã xuống cấp. Một số di tích vận động được kinh phí từ nguồn xã hội hóa, nhưng do vướng mắc về trình tự thủ tục nên không tiếp nhận được nguồn tài chính thực hiện công tác tu bổ. Các di tích trong danh mục kiểm kê di tích tuy chưa được xếp hạng những vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa, mặt khác các di tích này chưa xác định các hạng mục, công trình, địa điểm là yếu tố gốc của di tích nên chưa được lập bản đồ và biên bản khoanh vùng bảo vệ, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã có kiến nghị để các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có hướng tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc.