Khánh Hòa sẽ xây dựng công viên và Bảo tàng Trường Sa
11/08/2022 | 15:00Tỉnh Khánh Hòa sẽ đầu tư xây dựng công viên và bảo tàng Trường Sa để khớp nối với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thành khu công viên văn hóa, tâm linh trên bán đảo Cam Ranh.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi trao đổi với báo chí về xây dựng công viên Trường Sa và Bảo tàng Trường Sa trong thời gian tới. Theo đó, dự án xây dựng công viên Trường Sa và Bảo tàng Trường Sa có diện tích hơn 2,53 ha do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư và sẽ xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Các công trình trên thuộc giai đoạn 2 của dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm.
Để hiện thực hóa việc xây dựng công viên và bảo tàng Trường Sa, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất sẽ thu hồi phần diện tích 2,53 ha sát mặt biển do Công ty cổ phần Đầu tư Du Lịch Biển Nam Hùng quản lý. Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc xây dựng công viên và Bảo tàng Trường Sa đang ở giai đoạn thống nhất theo chủ trương. Vừa qua, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đã thống nhất việc xây dựng Bảo tàng Trường Sa, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Bảo tàng này là một phần của dự án Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma rộng gần 5 ha.
Trong đó, giai đoạn 1, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trên khuôn viên 2,5 ha và đã đi vào hoạt động. Bao gồm nhiều hạng mục, trung tâm của khu tưởng niệm là cụm tượng đài mang biểu tượng "Vòng tròn bất tử" được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại Gạc Ma trước sự xâm chiếm của Trung Quốc ngày 14.3.1988. Cụm tượng đài này cao hơn 15m, ngang 12m, có bán kính 7m với chín nhân vật tượng trưng cho các chiến sĩ hải quân.
Ngoài ra, khu tưởng niệm còn các hạng mục khác như bảo tàng ngầm lịch sử Gạc Ma là nơi trưng bày các hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma; khu mộ gió với họ tên, quê quán của 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma; quảng trường Hòa Bình hướng về Biển Đông, ba đường lên cụm tượng đài dành cho người đi bộ, người khuyết tật, xe điện; hệ thống cây xanh, ánh sáng…
Giai đoạn 1, dự án Khu tưởng niệm Gạc Ma đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư, xây dựng với kinh phí khoảng 150 tỉ đồng, khánh thành vào tháng 7.2017. Toàn bộ kinh phí nói trên được nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức lao động trên cả nước ủng hộ thông qua Chương trình nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa. "Hiện nay, Sở VHTT cũng như Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đang chờ văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh giao xây dựng đề án giai đoạn 2, và lên kế hoạch lập danh sách hiện vật trưng bày cụ thể. Về cơ bản chủ trương đã thống nhất, còn triển khai xây dựng và thực hiện đề án thì phải chờ. Sau khi xây dựng đề án và thực hiện xây dựng xong giai đoạn 2, Bảo tàng Trường Sa sẽ kết nối với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tạo thành công viên văn hóa tâm linh hoàn chỉnh, phục vụ người dân và du khách.
Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Xuân Anh (73 tuổi, huyện Cam Lâm) không cầm được nước mắt khi xem những kỷ vật, di ảnh của 64 chiến sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Là cô gái giao liên thời kháng chiến chống Mỹ khi mới 13 tuổi, bà Anh ý thức rõ sự tàn khốc của chiến tranh. Bà Anh nói trong nghẹn ngào: "Cuộc chiến nào cũng mất mát, đau thương, nhưng trận chiến Gạc Ma năm 1988 thực sự rất đau thương và uất hờn". Bà Anh thổ lộ: Dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn thường xuyên đọc sách, báo viết về sự kiện Gạc Ma. Lần này bà "bắt" con gái phải đưa mình đến khu tưởng niệm để tận mắt chứng kiến "ngôi nhà chung" của các anh khang trang, sạch đẹp, ấm áp... thế nào. Bà Anh mong muốn Bảo tàng Trường Sa sẽ sớm được thực hiện, trở thành nơi lưu giữ những kỷ vật đẹp của các chiến sĩ đã hy sinh.
Còn cựu binh Gạc Ma Lê Văn Thoa (Bình Định) đã đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma rất nhiều lần. Lần nào cũng thế, anh không kìm được cảm xúc, ký ức và nỗi nhớ về đồng đội cứ hiện về. Nhìn lại các kỷ vật, di ảnh của đồng đội, mắt anh lại rưng rưng, nghẹn ngào, quặn thắt. Cựu binh Lê Văn Thoa cho biết: "Các chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh, nhưng các anh đã hóa thân thành tượng đài bất tử". Nhiều năm nay, Khu tưởng niệm Gạc Ma trở thành "địa chỉ đỏ", biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương.