Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khánh Hòa: Quan tâm tu bổ, quảng bá di tích gắn với phát triển du lịch

22/11/2023 | 11:00

Nhằm phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, trong năm 2023, ngành Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, các địa phương tiếp tục thực hiện những hoạt động cụ thể để giữ gìn, tôn tạo.

Nhiều di tích được trùng tu

Đầu tháng 8, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức nghiệm thu Dự án Tu bổ di tích Phủ đường Ninh Hòa. Đây là công trình được xây dựng vào năm 1820, dưới thời nhà Nguyễn, có lối kiến trúc cổ của người Việt. Di tích Phủ đường Ninh Hòa gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình trạng xuống cấp của Phủ đường Ninh Hòa, tháng 10/2022, việc tu bổ di tích đã được thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng. Các hạng mục được trùng tu gồm: Phục hồi, thay thế các chân trụ, kèo đòn tay bị mối xâm hại; điều chỉnh từ nền xi măng bằng gạch Bát Tràng; kê đá chân tảng vào các cột đảm bảo phòng, chống mối mọt, tính thẩm mỹ. Theo đánh giá nghiệm thu, công trình đã đáp ứng về mặt chất lượng xây dựng, thẩm mỹ kiến trúc, đảm bảo tính kế thừa và phát huy giá trị lịch sử, đảm bảo đi vào sử dụng.

Khánh Hòa: Quan tâm tu bổ, quảng bá di tích gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Di tích cấp quốc gia Phủ đường Ninh Hòa sau khi được tu bổ và đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Di tích cấp quốc gia Phủ đường Ninh Hòa là 1 trong số 12 di tích được Sở Văn hóa và Thể thao triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tu bổ trong giai đoạn 2020 - 2023, đã được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết đầu tư. Riêng trong năm 2023, ngoài Phủ đường Ninh Hòa đã được hoàn thành, còn có 5 dự án tu bổ di tích đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý I/2024, gồm: Đền Hùng Vương (TP. Nha Trang); đình Lập Định (huyện Cam Lâm); trụ sở UBND cách mạng Ba Ngòi, đình Trà Long (TP. Cam Ranh); đình Quang Đông (thị xã Ninh Hòa). Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao đang tiếp tục hoàn thành việc lập, trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật các dự án tu bổ di tích: Đình Tân Mỹ (huyện Vạn Ninh); đình Phong Thạnh, miếu Hội Đồng, đình Thanh Châu (thị xã Ninh Hòa); đình Thanh Minh (huyện Diên Khánh). Những di tích này dự kiến xây dựng, hoàn thành bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Ngoài ra, Dự án Đầu tư tu bổ di tích cấp quốc gia Thành cổ Diên Khánh, với tổng mức đầu tư 166 tỷ đồng đang được khởi động. Một số địa phương như TP. Nha Trang đã chủ động thực hiện việc tu bổ, sửa chữa 21 di tích trên địa bàn quản lý với kinh phí 23,8 tỷ đồng. Năm 2023, có 10 di tích được tu bổ bằng nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, gồm các đình: Thuận Lợi, Hậu Phước, Phước Đa, Điềm Tịnh, Xuân Hòa, Tiên Du và chùa Kim Long (thị xã Ninh Hòa); đình Phú Cấp, đình Nghiệp Thành, đình Hội Phước (huyện Diên Khánh), với tổng kinh phí thực hiện 1,2 tỷ đồng. Qua kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế các di tích trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất UBND tỉnh xem xét thực hiện đầu tư 15 di tích cấp tỉnh, với tổng vốn dự kiến 61,8 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Nỗ lực giới thiệu, quảng bá di tích

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, để góp phần giới thiệu, quảng bá di tích trên địa bàn tỉnh đến đông đảo người dân, du khách, nhất là giới trẻ, trong năm, đơn vị đã tổ chức hội thi tìm hiểu di sản văn hóa cấp huyện tại 8 địa phương và hội thi cấp tỉnh; phối hợp với một số trường học tổ chức cho học sinh tìm hiểu di sản văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông mới về địa phương; tổ chức tham quan, tìm hiểu di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng cho 3.900 học sinh đến từ 22 trường học trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giới thiệu di tích, trung tâm đã gắn mã QR-Guiding tại 13/16 di tích quốc gia; gắn mã QR-Guide thuyết minh tự động đọc giới thiệu các di tích quốc gia bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh trên Trang thông tin điện tử ditichkhanhhoa.org.vn. Ngành Văn hóa tỉnh cũng phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các lễ hội như: Tháp Bà Ponagar; lễ dâng hương tưởng niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; Am Chúa…

Khánh Hòa: Quan tâm tu bổ, quảng bá di tích gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Di tích cấp quốc gia Thành cổ Diên Khánh đang được khởi động việc đầu tư tu bổ.

Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn tỉnh hiện có 130 di tích, trong đó có 16 di tích quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh và 34 di tích trong danh mục kiểm kê chưa được xếp hạng. Năm 2023, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều di tích thường xuyên được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn đầu tư Nhà nước và xã hội hóa của nhân dân. Đối với các di tích lịch sử cách mạng, hầu hết đều đã có bia ghi tóm tắt về nội dung có liên quan đến sự kiện. Một số di tích được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa, giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Khánh Hòa. Tuy nhiên, do hệ thống các di tích được xếp hạng phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với số lượng lớn và tuổi đời công trình cao nên ngày càng xuống cấp. Đa số các địa phương trong tỉnh chưa có ngân sách hỗ trợ tu bổ di tích nên khó có thể đáp ứng việc sửa chữa tất cả di tích đã xuống cấp. Những di tích lịch sử cách mạng thường ở xa khu dân cư, nằm sâu trong rừng núi, đường đi lại khó khăn nên chưa được đầu tư nhiều, vì thế khó có thể phát huy giá trị di tích vào giáo dục truyền thống, thu hút khách du lịch…

Theo Báo Khánh Hòa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×