Khánh Hòa: Gìn giữ văn hoá truyền thống để phát triển
04/09/2024 | 09:45Tình Khánh Hòa xác định văn hóa, con người là nền tảng, sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Nghệ nhân Cao Dy, dân tộc Raglay, năm nay 48 tuổi, có hơn 20 năm nay, biểu diễn nhạc cụ nghệ thuật truyền thống của người Raglay như đàn đá, cồng, chiêng, đàn Chapi phục vụ du khách cho biết: Anh rất vui và tự hào khi được giữ gìn di sản của cha ông, truyền dạy các bạn trẻ: "Ý nghĩa đàn đá đối với đồng bào Raglay rất linh thiêng. Thời gian sẽ trôi đi, con người sẽ thay đổi, già đi, mình mong muốn được truyền dạy, bảo tồn cho các thế hệ tiếp theo. Hiện tại, một số em đã đánh được, hòa tấu được nhiều giai điệu bài hát. Có 4 bộ, có bộ 19 thanh hòa tấu được nhiều gia điệu quốc tế, diễn sâu vào những điệu múa hoặc giai điệu khó nữa".
Tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 1,4 triệu dân nhưng có đến 36 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn tỉnh hiện có 17 di tích xếp hạng quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong thời gian qua, nhiều di tích ở tỉnh Khánh Hòa đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo phục vụ tốt cho phát triển kinh tế du lịch. Từ mồng 1 tháng 7 âm lịch vừa qua, Tháp Bà Ponagar tổ chức chương trình nghệ thuật "Linh thiêng xứ Trầm" và "Trăng soi dáng tháp" để đón khách vào ban đêm. Sắp tới tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đưa các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện đại tại Hòn Chồng vào phục vụ du khách. Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, 2 di tích Tháp Bà Ponagar và Hòn Chồng hiện có nguồn thu rất lớn, đây là nguồn kinh phí được sử dụng trùng tu, tôn tạo các di tích trong tỉnh.
"Rất đông người xem, bán vé theo mức của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã phê duyệt, mức giá 30 ngàn. Các đơn vị lữ hành, các đơn vị du lịch họ đến, họ xem, sau khi họ xem các chương trình này sẽ đặt hàng theo tour, theo đoàn. Nguồn thu đấy tự thu, tự chi. Hàng tháng diễn 2 lần. Về Tháp Bà hiện nguồn thu rất nhiều, mới 6 tháng đầu năm, đã thu được gần 60 tỷ đồng rồi, lấy kinh phí đó nộp ngân sách, phục vụ trùng tu các di tích trong toàn tỉnh"- ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết.
Tại Hội nghị văn hóa lần đầu tiên được Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức vừa diễn ra tại thành phố Nha Trang, các chuyên gia đề nghị tỉnh cần hệ thống hóa và rà soát lại tất cả các lễ hội, phân loại theo các sản phẩm du lịch hiện có, nâng cao hiệu quả bảo tồn và điều chỉnh các lễ hội cho phù hợp với văn hóa địa phương, nhu cầu của du khách.
"Đó là những con người hiền hòa, hào hiệp, giản dị, phóng khoáng, nghĩa tình, thủy chung. Chúng ta đang tìm tòi hệ giá trị của quốc gia và địa phương, tôi mạnh dạn xin nêu những giá trị của con người Khánh Hòa được đúc kết qua lịch sử cả trăm năm, hàng ngàn năm trên mảnh đất này, không chỉ phần truyền thống mà có cả phần hiện đại nữa"- ông Nguyễn Duy Bắc nói.
Sắp tới tỉnh Khánh Hòa tập trung triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Triển khai Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật, biểu diễn; quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa hiện có, quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; Đồng thời, tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề "Khánh Hòa - Khát vọng phát triển" tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, tôn vinh những giá trị văn hóa của vùng đất, con người Khánh Hòa. Các công trình như Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Trường Sa; Bảo tàng Yersin; Trung tâm thi đấu thể dục - thể thao sẽ được đầu tư xây dựng.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Tỉnh Khánh Hòa luôn coi văn hóa, con người là nền tảng, sức mạnh nội sinh, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa phát triển kinh tế, đi đối với xây dựng, phát triển văn hóa, con người vùng đất xứ Trầm- biển Yến. Tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực, chất lượng giáo dục đào tạo được tăng lên. Diện mạo nông thôn, đô thị trên địa bàn thay đổi tích cực, giảm nghèo bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của từng huyện và của tỉnh"- ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.