Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khánh Hoà: Gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam

13/03/2023 | 15:05

Ngày 11/3 tại TP Nha Trang, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa (Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa) tổ chức Lễ gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023) và 52 năm ngành Điện ảnh Khánh Hòa (1971 - 2023).

Khánh Hoà: Gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

Lễ gặp mặt

Tham dự buổi họp mặt có hơn 200 đại biểu là cán bộ, lãnh đạo ngành Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ. Tại đây, các đại biểu đã ôn lại truyền thống 70 năm hình thành và phát triển của ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và và 52 năm Điện ảnh Khánh Hòa.

Phát biểu tại Lễ gặp mặt, ông Văn Đình Ân – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa cho biết: Ngày 15/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147 thành lập Doanh nghiệp quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam.  Trong suốt chặng đường 70 năm qua, Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đã có biết bao liệt sĩ ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ, đã có bao nhiêu người đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả máu xương cho sự nghiệp cách mạng và nhiệm vụ cao cả của ngành Điện ảnh nước nhà.

Tại Khánh Hòa, tháng 10/1971, đội chiếu phim đầu tiên được Ban Tuyên huấn Khu 5 cử vào phục vụ đồng bào, chiến sĩ Khánh Hòa. Và buổi chiếu phim đầu tiên diễn ra ngày 14/10/1971, tại chiến khu Tà Gộc (huyện Khánh Vĩnh) để phục vụ cho Đại hội Đảng bộ tỉnh đánh dấu sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng ở xứ Trầm hương.

Khánh Hoà: Gặp mặt kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu cùng nhau xem lại những chặng đường của ngành Điện ảnh Khánh Hòa.

Sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, Điện ảnh Khánh Hòa đã để lại những dấu ấn quan trọng nhất định với công chúng. Tuy có những bước thăng trầm nhưng ngành Điện ảnh xứ Trầm Hương vẫn luôn nỗ lực để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, nhất là ở những vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa cũng như trong công tác dân vận, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu sát, sinh hoạt, gắn bó với quần chúng nhân dân; đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thời kỳ đầu sau khi thống nhất đất nước, Điện ảnh xứ Trầm Hương phát triển mạnh mẽ với bảy rạp chiếu phim tại thành phố Nha Trang và hàng chục rạp, đội chiếu phim lưu động được trang bị quy củ, hoạt động trên mọi địa bàn tỉnh nhà. Hàng chục vạn buổi chiếu phim được tổ chức đã phục vụ hàng chục triệu lượt người xem với hiệu quả xã hội rộng lớn từ thành thị tới các miền quê, vùng núi, hải đảo.

"Xã hội hiện đại, đủ mọi phương tiện nghe nhìn, chiếu phim lưu động (chiếu bóng) lưu động ngày càng vắng bóng khán giả. Vậy nhưng, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, dù điều kiện không còn quá khó khăn như trước nhưng sân chơi văn hóa, tinh thần còn rất hạn chế. Do đó, với họ, những buổi chiếu phim vẫn luôn được người dân chờ đợi. Đó là một động lực để những người làm nghề chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Khánh Hòa tiếp tục hành trình mang ánh sáng văn hóa đến với bà con", ông Văn Đình Ân nói.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng tổ chức hoạt động điện ảnh; Cục trưởng Cục Điện ảnh tặng Giấy khen cho 2 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích trong hoạt động điện ảnh Khánh Hòa.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×