Khánh Hòa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
14/10/2020 | 13:495 năm qua, ngành Văn hóa và Thể thao (VH&TT) luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng và góp phần quảng bá, phục vụ hoạt động du lịch.
Nỗ lực bảo tồn, phát huy
Thời gian qua, Sở VH&TT đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch, dự án bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nổi bật như đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2011 - 2020); kế hoạch trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh (2014 - 2020); dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu Ngư (2016 - 2017); kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi (2015 - 2020). Công tác điền dã, kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu, tu bổ, phục hồi, bảo quản, xếp hạng di tích được quan tâm. Hiện nay, sở đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo hơn 30 di tích với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch 2017 - 2022 và đang lập dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh, đường vào Khu mộ bác sĩ A. Yersin, Bia lưu niệm sự kiện Tết Mậu Thân 1968...
Với những nỗ lực quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và tăng cường quảng bá, nhiều di sản văn hóa đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Chỉ riêng 2 di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng, 5 năm qua đã thu hút gần 15 triệu lượt khách. Số lượt khách và nguồn thu từ phí tham quan năm sau luôn cao hơn năm trước. Nguồn thu này được dùng để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích và giữ gìn giá trị di sản văn hóa...
Vì sự phát triển bền vững
Theo lãnh đạo Sở VH&TT, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội; nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về giá trị di tích cho cộng đồng sở tại để cùng có trách nhiệm bảo vệ. Đồng thời, đào tạo tại chỗ những người dân có tay nghề, hiểu biết về di tích để trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn hoặc hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm; khuyến khích cộng đồng tạo ra những sản phẩm đặc thù của địa phương để phục vụ du khách, góp phần nâng cao đời sống người dân sở tại. Ngoài ra, cần phối hợp biên tập các tài liệu thuyết minh, giới thiệu về các di tích để phục vụ hoạt động du lịch. Đây cũng là cách giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết với du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với văn hóa truyền thống của địa phương; chú trọng gắn kết lễ hội truyền thống với di tích.
Các di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển bền vững. Việc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hôm nay và chuyển giao cho thế hệ sau chính là phát triển bền vững. Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Sở VH&TT cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Trước mắt, sở tiếp tục thực hiện xếp hạng các di tích đã được kiểm kê, chú trọng lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc xác định vị trí khu vực bảo vệ I đối với căn cứ cách mạng Đồng Bò, Đồng Trăng, Hòn Hèo, Đá Bàn... Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, hoàn thành tu bổ, chống xuống cấp một số di tích theo kế hoạch đến năm 2022 và sau năm 2022; thường xuyên tu bổ, tôn tạo các di tích: Hòn Dù, Hòn Dữ, Tô Hạp; nâng cấp, đầu tư hoàn chỉnh một số di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch như: Căn cứ Đồng Bò, địa điểm lưu niệm tàu C235, Khu di tích mộ bác sĩ A.Yersin... Đặc biệt, sở sẽ triển khai dự án Đầu tư trùng tu, tôn tạo và đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh, tạo tuyến điểm du lịch mới phía tây Nha Trang.
Trên địa bàn Khánh Hòa hiện có 16 di tích cấp quốc gia, 176 di tích cấp tỉnh, 56 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.