Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khánh Hòa: Bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào để phát triển du lịch

19/08/2024 | 14:45

Thực hiện dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021-2025, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Sở Du lịch, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều chương trình phục dựng các nghi lễ của đồng bào các dân tộc Raglai, Ê Đê, trong đó đáng chú ý là phục dựng Lễ cúng bến nước, Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới.

Khánh Hòa: Bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Phục dựng Lễ ăn mừng đầu lúa mới truyền thống của đồng bào Raglai huyện Khánh Vĩnh

Quan tâm bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào Ê Đê tại các địa phương trong tỉnh nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, thu hút du khách được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Việc phục dựng các nghi lễ của đồng bào Raglai, Ê Đê được tiến hành từ năm 2021 đến nay, với các nội dung như: Khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin để bảo tồn lễ hội; thuê chuyên gia nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ bảo tồn lễ hội; đầu tư cơ sở vật chất, thiết kế phần mềm công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm lễ hội; mở các lớp tập huấn, truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội; tổ chức trình diễn, tái hiện lễ hội; thực hiện ghi hình, quay phim về lễ hội để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá…”.

UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa đã chủ trì việc tổ chức thực hiện phục dựng các lễ hội của đồng bào Ê Đê, Raglai ở mỗi địa phương. Cụ thể, năm 2022, thực hiện phục dựng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ bỏ mả của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn. Năm 2023, tiến hành phục dựng Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2024, phục dựng Lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn; phục dựng Lễ cưới hỏi của đồng bào T’rin ở huyện Khánh Vĩnh. Năm 2025, sẽ triển khai các hoạt động phục dựng Lễ cúng bến nước của đồng bào Ê Đê ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa.

Trong quá trình thực hiện việc phục dựng các lễ hội, Sở VHTT đã phối hợp với các địa phương để hỗ trợ về mặt chuyên môn. Sở Du lịch phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa đồng bào các dân tộc, phục vụ khách du lịch tại các địa phương nêu trên.

Độc đáo Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới

Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới là một trong những nghi lễ truyền thống độc đáo của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh, do đó được địa phương quan tâm bảo tồn, phục dựng vào các dịp lễ hội.

Để chuẩn bị cho phục dựng Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới, trước khi tổ chức nghi lễ chính thức, già làng tập hợp dân làng trong buôn để triển khai và phân công nhiệm vụ cho các đội, nhóm thực hiện công tác chuẩn bị như thanh niên trai tráng trong làng đi chặt tre, nứa, củi... để dựng cổng làng, làm bàn cúng, phát quang đường làng ngõ xóm, nơi bến nước; phụ nữ chuẩn bị các mâm lễ vật, dọn dẹp vệ sinh đường làng; đội hành lễ tập đánh những bài chiêng, điệu múa truyền thống... Tiếp đến các nghệ nhân, người dân tiến hành phục dựng nghi Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới tại nhà cộng đồng. Bên cạnh đó, sau lễ cúng, người dân cùng tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian và giao lưu văn hóa ẩm thực truyền thống.

Lễ cúng ăn mừng đầu lúa mới là phong tục tập quán và là nghi lễ quan trọng của người Ê Đê, thường diễn ra sau khi thu hoạch vụ mùa nhằm tạ ơn Thần Nước, Thần Sông, Thần Núi… đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi tươi tốt, cầu các vị thần đem lại nguồn nước sạch, mang lại sức khỏe cho người dân.

Chương trình nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, đồng thời thực hiện hiệu quả dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×