Khẳng định vị thế của một trung tâm du lịch lớn nhất miền Trung
21/03/2023 | 16:42Sự tăng trưởng nhanh về kinh tế biển và du lịch những năm qua cho thấy Khánh Hòa đang dần khẳng định vị thế của một trung tâm du lịch lớn nhất miền Trung. Năm 2023, Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 4 triệu lượt khách đến lưu trú, tham quan và nghỉ dưỡng. Tỉnh cũng đang nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia và vươn tầm thương hiệu quốc tế…
Phấn đấu hiện thực mục tiêu đón 4 triệu du khách
Nhiều đồng bào xa quê hương khi có dịp trở lại Nha Trang - Khánh Hòa không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mọi mặt về đời sống, kinh tế - văn hóa, xã hội nơi đây. Trên nhiều tuyến phố Nha Trang, khách sạn cao tầng nguy nga tráng lệ soi bóng bên bờ biển vịnh Nha Trang xinh đẹp, nước xanh trong. Nhiều điểm đảo, bến cảng, khu du lịch thu hút các nhà đầu tư lớn, với các dự án du lịch quy mô đẳng cấp quốc tế, cuốn hút du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng… Đời sống, mức thu nhập của người dân cũng theo đó được cải thiện và nâng lên.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là vùng đất có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, điều kiện thiên nhiên đa dạng, phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, Khánh Hòa có đường bờ biển rất đẹp, trải dài khoảng 385 km với nhiều vịnh lớn là Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc (mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh). Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình trong mắt du khách trong và ngoài nước. Lượng du khách đến Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng cao, đỉnh điểm năm 2019, Khánh Hòa đón tới 7,2 triệu lượt khách.
Năm 2023, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, Khánh Hòa đặt mục tiêu đón khoảng 4 triệu lượt khách lưu trú; trong đó, khách nội địa đạt 2,5 triệu lượt, khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 21.000 tỉ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu năm 2023, tỉnh triển khai nhiều chương trình, sự kiện lớn, trong đó có các hoạt động kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển Khánh Hòa; Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023; Lễ hội trình diễn ánh sáng nghệ thuật quốc tế… nhằm thu hút lượng du khách lớn, đặc biệt là khách quốc tế.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, trong những năm qua và hiện nay, Khánh Hòa rất quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tăng cường đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để ngang tầm quốc tế. Tỉnh tập trung phát huy thế mạnh du lịch biển, đảo bên cạnh các loại hình sản phẩm du lịch bổ trợ khác như du lịch vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch mạo hiểm…
Hiện nay, Khánh Hòa có hơn 1.170 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 60.000 phòng, có thể tiếp nhận 8-10 triệu lượt du khách mỗi năm. Trong số đó, tổng số cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao được công nhận là 107 cơ sở với khoảng 25.000 phòng, chiếm trên 50% tổng sốphòng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh hiện có 166 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữhành, trong đó có 34 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 132 doanh nghiệp lữhành quốc tế vàhiện đã cónhiều doanh nghiệp lữhành quốc tế hoạt động trở lại sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Sự phục hồi ấn tượng của du lịch Khánh Hòa trong năm 2022, và nhiều đoàn khách quốc tế đến địa phương đầu năm 2023, tạo đà tăng trưởng mạnh cho ngành du lịch Khánh Hòa, sớm hoàn thành mục tiêu đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch trong năm", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nói.
Phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế tầm cỡ
Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ phát triển Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Lộ trình xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước trong 5 năm tới (2020-2025) đang được triển khai mạnh mẽ ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh thông qua, tiếp đó đã có chương trình hành động cụ thể, giao trách nhiệm các ngành xây dựng triển khai kế hoạch, đề án để đạt mục tiêu.
Trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, Bộ Chính trị đánh giá, thời gian gần đây, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển trong phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội. Với hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Khánh Hòa đang trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kết quả mang lại từ dịch vụ, du lịch biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của Khánh Hòa. Sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; quy hoạch của một số bãi biển đẹp, danh lam thắng cảnh chưa thật sự phù hợp; kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu, chưa đồng bộ; chưa hình thành được một hệ thống kinh tế biển liên hoàn, hiệu quả...
Triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành chương trình hành động, trong đó xác định: Về phát triển dịch vụ, du lịch, tỉnh tập trung phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng; có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; là điểm tựa vững chắc cho sản xuất, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư mạnh để khu vực dịch vụ có khả năng tiếp cận với trình độ hiện đại, bảo đảm hội nhập quốc tế và khu vực. Cụ thể là hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; đầu tư, xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống logistics, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng và khai thác có hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cảng hàng hóa, cảng tổng hợp, cảng du lịch chuyên dụng... Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới đẳng cấp quốc tế, tỉnh chú trọng các sản phẩm du lịch có đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh và du lịch chăm sóc sức khỏe.
Thực tế cho thấy, dịch vụ, du lịch biển Nha Trang - Khánh Hòa gắn với các khu vực vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang và vịnh Vân Phong. Từ nhiều năm nay, xác định các khu vực này là vùng động lực phát triển của tỉnh, Khánh Hòa đã tập trung xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển. Đến nay, ba khu vực này đang từng bước thể hiện được vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng khu vực vịnh Vân Phong, hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đang trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với tính chất là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Nha Trang là Đô thị du lịch, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là Khu du lịch quốc gia, Trường Sa là Điểm du lịch quốc gia. Mới đây, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị cho phép tỉnh Khánh Hòa được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch biển đảo, dịch vụ vận tải biển, đô thị ven biển. Đây được coi là bước ngoặt mới trong phát triển dịch vụ, du lịch biển, đảo của Khánh Hòa…
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới đẳng cấp quốc tế, Khánh Hoà đang chú trọng các sản phẩm du lịch có đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh và du lịch chăm sóc sức khỏe. (Ông LÊ HỮU HOÀNG, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa)