Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Tây Nguyên

14/09/2023 | 14:40

Mặc dù có tiềm năng, nhưng theo các chuyên gia, hoạt động kinh doanh du lịch ở Tây Nguyên vẫn theo kiểu manh mún, tự phát; các tỉnh trong khu vực chưa thật sự làm tốt khâu liên kết; các sản phẩm du lịch không được làm mới… khiến du lịch Tây Nguyên không thể phát triển. Vấn đề đặt ra là Tây Nguyên cần xác định đâu là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của toàn vùng.

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch Tây Nguyên - Ảnh 1.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên.

 Giàu có về tiềm năng…

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; nằm ở khu vực ngã ba Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngoài vị trí chiến lược quan trọng, Tây Nguyên còn có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Nhiều tuyến du lịch lớn được hình thành, như: "Con đường di sản miền trung", "Con đường xanh Tây Nguyên", tuyến du lịch xuyên Á nối Việt Nam với các nước Đông Dương...

Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch như cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai; có hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng (Lâm Đồng), Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), các hồ thủy điện như Yaly, Đại Ninh, Tà Đùng...; có nhiều thác nước tự nhiên đẹp, trải dài trên địa bàn các tỉnh. Tây Nguyên là nơi cư trú của 49 dân tộc anh em, nên rất đa dạng về bản sắc văn hóa. Đây cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, truyền thống đấu tranh giữ nước anh hùng.

Nói đến Tây Nguyên là nói đến một kho tàng văn hóa, với hệ thống di sản đặc sắc như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại; là các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như nhà rông, nhà dài, nhà mồ...; là các lễ hội truyền thống độc đáo như lễ hội đua voi, đua thuyền độc mộc, cồng chiêng, mừng lúa mới, bỏ mả...; văn hóa sử thi, âm nhạc dân gian…

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, đã mở ra cơ hội giúp cho Tây Nguyên phát huy những tiềm năng vốn có, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang triển khai các giải pháp nhằm đưa du lịch Tây Nguyên từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng; góp phần đẩy mạnh việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội... Các tỉnh đã có các chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch để nhanh chóng phục hồi ngành “công nghiệp không khói” sau đại dịch; đồng thời xem phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết trong những năm tới...

Liên kết để phát triển

Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên tổ chức các hội nghị liên kết vùng với nhiều địa phương trong cả nước; với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các doanh nghiệp du lịch cùng nhau bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch. Mới đây, ngày 24/8, tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông), Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây nguyên đã tổ chức hội nghị thảo luận, thống nhất kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên năm 2023, giai đoạn 2024-2025, trong đó có hợp tác phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười khẳng định, đây là sự kiện lớn. Theo ông Mười, Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng đang có rất nhiều tiềm năng bị “ngủ quên”. Điển hình nhất là khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, diện tích rừng chiếm phần lớn trên cả nước. Trên địa bàn tỉnh có Công viên địa chất toàn cầu, hồ Tà Đùng được ví như Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên, có hệ thống thác nước kỳ vĩ…Tỉnh hiện có 10 dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có bốn dự án đã đưa vào khai thác.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ luôn đồng hành cùng các tỉnh Tây Nguyên, nhằm đánh thức các tiềm năng hiện có. Theo ông Hoan, mỗi năm, các tỉnh cần tổ chức một lễ hội văn hóa đặc sắc tại địa phương. Lâm Đồng tổ chức Festival hoa Đà Lạt, thì sắp tới Kon Tum sẽ tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh. Ở Đắk Lắk có lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột, sắp tới Gia Lai sẽ tổ chức lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên và Đắk Nông cũng tính toán tổ chức một lễ hội về văn hóa điểm nhấn của địa phương. “Tiềm năng đang chờ đánh thức, các tỉnh Tây Nguyên phải mạnh dạn thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ hỗ trợ, dẫn dắt, không để các địa phương đơn thương độc mã. Các lễ hội văn hóa phải "đẳng cấp" hơn nữa; ngoài việc phục vụ cho người dân địa phương, các lễ hội phải được nâng cao uy tín và mức độ nổi tiếng", đồng chí Hoan nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc làm du lịch theo kiểu manh mún, tự phát, các tỉnh trong khu vực chưa thật sự làm tốt khâu liên kết; các sản phẩm du lịch không được làm mới… khiến du lịch Tây Nguyên không thể phát triển.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, vùng Tây Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng, tuy nhiên, các loại hình du lịch hiện chưa phát triển tương xứng. Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đang cố gắng xây dựng sản phẩm du lịch có tính liên kết, với sự tham gia của người dân Tây Nguyên, như là nhân vật chính của câu chuyện và cũng là người kể chuyện.

Do vậy, người dân phải tham gia phát triển du lịch, tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng đang tham gia du lịch và cộng đồng chưa tham gia du lịch. Cũng theo ông Quỳnh, để phát triển du lịch Tây Nguyên bền vững cần có sự nghiên cứu cụ thể về văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt cư dân địa phương, nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng người dân Tây Nguyên, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy..,

Theo Nhandan

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×