Khai thác thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa ở Đà Nẵng
02/01/2024 | 14:23Trong báo cáo của Bộ VHTTDL do Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức ngày 22/12/2023, mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đà Nẵng được xác định vừa là một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm (cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) vừa là một trong các địa phương được đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo.
Phát triển các lĩnh vực giàu tiềm năng
Để triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 9585/KH-UBND ngày 24/11/2017 thực hiện Chiến lược này. Theo đó, Đà Nẵng tiếp tục quan tâm rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo các sở ngành xây dựng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai… để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Thành phố Đà Nẵng đã mở rộng trọng tâm từ du lịch và công nghệ số tới các lĩnh vực khác như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và âm nhạc. Cách tiếp cận này lấy cơ sở từ phát triển nguồn nhân lực văn hoá; nâng cao chất lượng các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích tài trợ tư nhân cho các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng (cải thiện chất lượng các cơ sở văn hóa, như nhà hát, rạp chiếu phim và các trung tâm văn hóa). Trên cơ sở cách tiếp cận đổi mới này của chính quyền thành phố, số lượng các doanh nghiệp và không gian sáng tạo đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại Đà Nẵng. Đà Nẵng đang trở thành một trung tâm thu hút nhiều nghệ sỹ tới sinh sống và làm việc.
Đà Nẵng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển các ngành văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Đây dần là một trong những lĩnh vực được xác định mũi nhọn, ưu tiên phát triển của thành phố. Một số di tích trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Vì vậy, những năm qua, ngành văn hóa đã bước đầu quan tâm định hướng phát huy di tích, đình làng, lễ hội trong hoạt động kinh tế du lịch. Thành phố đã hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, các nghề truyền thống tại các làng quê dọc tuyến sông, nhất là các tuyến sông Hàn - Khu căn cứ cách mạng K20; sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai; tuyến du lịch sông Cu Đê.
Đặc biệt, không thể không kể đến các sự kiện, lễ hội tầm cỡ khu vực và quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng. Thành phố đã tập trung phát triển và đạt những kết quả quan trọng về hoạt động lễ hội sự kiện và đã đạt danh hiệu Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á.
Có thể kể đến Lễ hội Pháo hóa quốc tế định kỳ được tổ chức các năm qua ngày càng quy mô và chất lượng đã trở nên thương hiệu độc đáo của thành phố. Liên hoan Phim châu Á-Đà Nẵng lần thứ I (DANAFF I) là khởi điểm cho một sự kiện tiếp theo của thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, ông Hà Vỹ, thời gian tới, thành phố tập trung triển khai có hiệu quả "Đề án tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hàng năm, gắn với thiết lập chuỗi sự kiện, văn hóa lễ hội về đêm của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026".
Dự kiến, năm 2024, UBND thành phố ban hành đề án "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030"; trong đó, thành phố đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa, ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng; điển hình là ngành du lịch văn hóa trong bối cảnh thành phố định hướng phát triển thành phố sự kiện, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành mũi nhọn, nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường quốc tế. Ngoài ra, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên các lĩnh vực.
Thu hút nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa và nghệ thuật
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế. Các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn chưa có quy mô lớn và chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Đầu tư ngân sách công cho các ngành công nghiệp văn hóa đã có sự gia tăng, tuy nhiên còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội và hưởng thụ của người dân. Nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng và chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Chính sách đãi ngộ đối với người làm văn hóa, nghệ thuật chưa được quan tâm có tính đột phá để có thể thu hút nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa và nghệ thuật tới hoạt động tại địa phương.
Theo đó, Đà Nẵng xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030 nhằm phát triển công nghiệp văn hóa gồm: Xây dựng và phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Đà Nẵng, đó là du lịch văn hoá, sự kiện và lễ hội, quảng cáo, thiết kế, nghệ thuật truyền thống. Đến năm 2030, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại hóa tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa quốc tế của khu vực.
Tham mưu xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên cho hoạt động văn hóa, chính sách thuế tài chính, chính sách bồi dưỡng nhân tài về văn hóa nghệ thuật, chính sách xã hội hóa lĩnh vực văn hóa tập trung vào các chính sách tài chính, đất đai… nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên các lĩnh vực đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân thành phố.
Đổi mới mạnh mẽ các hoạt động sự nghiệp các đơn vị công lập trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn thu nhập đơn vị vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường quốc tế.
Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường chuyên ngành…; xây dựng giáo trình chuẩn, đầu tư trang thiết bị giảng dạy, học tập đồng bộ ở các khâu nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế, quản lý sản xuất, phát hành, bảo quản, truyền thông… Khuyến khích và cử cán bộ có trình độ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển.
Với đồng bộ các giải pháp trên, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thể hiện được vai trò trung tâm văn hoá, phát huy được các lợi thế để cùng toàn ngành đưa công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển đồng bộ của công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đất nước./.