Khai phá tiềm năng du lịch sông nước Quảng Nam - Đà Nẵng
16/02/2024 | 08:25Trong chiều dài của lịch sử, sự gắn bó mật thiết của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng vốn được mệnh danh là “địa linh, nhân kiệt”, có những nét đặt trưng mà các địa phương trong khu vực không có được. Ngoài bờ biển chạy dài hàng trăm km từ chân đèo Hải Vân đến Núi Thành để hướng ra vùng biển khơi mênh mông, các khu rừng nguyên sinh Bà Nà - Núi Chúa, Trà My, Nông Sơn, vùng đồi trung du Tiên Phước, đồng bằng Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc trù phú, còn có các dòng sông chằng chịt liên kết với nhau.
Trong đó có dòng sông chính Thu Bồn, với diện tích lưu vực rộng 10.350km², là một trong những sông nội địa có lưu vực lớn nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An; một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng. Dòng sông Thu Bồn lại có nhiều con sông kết nối chạy ngang, dọc với nhau, kéo dài từ Tam Kỳ ra Hội An và đến cả sông Hàn, Đà Nẵng mà không phải đi vòng qua ven biển.
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Chính vì lợi thế đó mà ngày xưa khi cai trị nước ta, để khai thác nguồn tài nguyên như than, gỗ, các loại lâm sản khác, thực dân Pháp triệt để khai thác tuyến vận chuyển từ miền núi xuống đồng bằng hay ra các cửa biển sông Hàn, cửa Đại, Kỳ Hà. Đáng chú ý, để đạt hiệu quả nhanh chóng, ngoài việc khai thác tuyến vận tải từ sông Hàn đi vào Hội An hay Tam Kỳ thông qua con sông Vĩnh Điện được hình thành từ bao đời nay, Pháp đã cho mở lối khai thông tuyến sông Hàn đi Hội An qua con sông Cổ Cò - Đế Võng và đi Tam Kỳ qua con sông Trường Giang.
Tuyến vận tải này ngày xưa nhân dân ta sử dụng nó rất rộng rãi cho các con thuyền vừa và nhỏ, khi các phương tiện đường bộ, đường sắt chưa phát triển mạnh mẽ và tốn kém để buôn bán, giao lưu. Vì trên thực tế, nó có tính ưu việt rất lớn là hầu như đều đi được cả bốn mùa và đã né tránh được những cơn sóng to gió lớn của biển cả vào mùa biển động.
Còn đối với tuyến vận tải dọc theo sông Thu Bồn từ Hội An đi lên Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc hay lên Hòn Kẽm - Đá Dừng… cũng được coi trọng từ rất lâu. Câu ca dao “Mít non gởi xuống, cá chuồn ngược lên” được cho là ra đời trong bối cảnh vận chuyển hàng hóa giữa miền xuôi với miền ngược của vùng đất xứ Quảng ngày xưa trên dòng sông Thu Bồn thơ mộng là vậy đó.
Việc có được các dòng sông ngang, dọc nối với sông chính Thu Bồn đã tạo ra một sự kết nối chằng chịt giữa các địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng là một lợi thế hiếm có để cho chúng ta có thể thúc đẩy quá trình khai thác tiềm năng “du lịch sông nước”. Nhất là trong những ngày hè, ngày xuân những chiếc thuyền đưa khách du lịch ngược xuôi trên các dòng sông ngắm phong cảnh đôi bờ với ruộng lúa, nương dâu, những rặng cây xanh ngát thì thú vị biết nhường bao!
Trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ của Quảng Nam và Đà Nẵng trong những năm gần đây, về phương hướng phát triển ngành du lịch đều luôn nhấn mạnh: Từng bước hình thành các tuyến du lịch mới trên cơ sở gắn kết những điểm du lịch hiện có; đẩy mạnh phát triển du lịch sông nước và các lòng hồ thủy điện; hình thành liên kết phát triển du lịch vùng đông - tây cũng như của hai địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch… Đây là một hướng đi đúng nhằm khai thác lợi thế các dòng sông để tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách.
Cải tạo, sớm hình thành các tuyến sông du lịch
Để biến mục tiêu đó trở thành hiện thực, Quảng Nam và Đà Nẵng sớm đưa tiềm năng du lịch sông nước vào quy hoạch phát triển chung của du lịch hai địa phương. Ví dụ, tuyến du lịch trên dòng sông Thu Bồn thì không thể nào không có điểm tham quan vùng tơ lụa nổi tiếng ở Gò Nổi, đền thờ Bà chúa Thu Bồn, Thánh địa Mỹ Sơn…để du khách trở lại với một thời đầy ấn tượng của vùng đất này. Hoặc Hòn Kẽm - Đá Dừng là địa điểm mà Đặc khu ủy Quảng Đà đã từng đứng chân bám trụ để lãnh đạo phong trào chống Mỹ trong những năm chiến tranh ác liệt; hay bến Thạnh Mỹ, nơi từng là bến đỗ cho thuyền của ta đưa đón cán bộ, bộ đội, vận chuyển lương thực, vũ khí từ trên núi xuống đồng bằng, hoặc từ đồng bằng lên chiến khu…
Kinh nghiệm du lịch sông nước nhiều nước ở Nga, Pháp, Ý… họ cũng triệt để khai thác các dòng sông theo hướng đó. Ví dụ, tuyến du lịch từ Saint-Peterburg lên Mátxcơva bằng du thuyền vượt qua cả mấy trăm cây số, du thuyền đã đi các con sông Neva, Volga, lòng hồ thủy điện, kể cả gần chục đập thủy điện bậc thang, du khách tha hồ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoặc dừng lại nhiều nơi để tham quan các làng quê, làng nghề, các danh lam thắng cảnh, đền đài dọc hai bên bờ sông.
Tiếp đó, cần chọn khu trung tâm để phát triển du lịch sông nước. Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể của vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng, Hội An vốn là một thương cảng sầm uất có từ cách đây mấy trăm năm. Khi trở thành di sản thế giới, Hội An đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan rất lớn. Hình ảnh một Hội An cổ kính, an lành, thân thiện với môi trường, cởi mở, dung dị… đã và đang để lại nhiều ấn tượng đẹp trong du khách trong và ngoài nước.
Việc chọn Hội An làm điểm trung tâm cho “du lịch sông nước” của Quảng Nam và Đà Nẵng là hoàn phù hợp, dễ thu hút du khách. Mặt khác, từ Hội An, các du thuyền có thể đưa khách đi đến các điểm du lịch theo các dòng sông đến các địa điểm như: sông Hàn Đà Nẵng, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ đều được cả. Đó là chưa kể, bến du thuyền sông Hàn Đà Nẵng sẽ được hình thành điểm đầu cho tuyến du lịch sông nước của cả vùng đất Quảng Nam và Đà Nẵng. Đây được xem là một lợi thế hiếm có mà chúng ta tính toán kỹ để khai thác triệt để du lịch sông nước cả trước mắt và lâu dài.
Cùng với dòng sông chính Thu Bồn và nhiều con sông chạy ngang dọc đã tạo cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng có những sắc màu riêng biệt, phong cảnh đa dạng là một lợi thế hiếm có để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng cho tiềm năng du lịch sông nước. |
Một vấn đề quan trọng nữa, là cải tạo, hình thành các tuyến đường sông hoàn chỉnh. Quảng Nam và Đà Nẵng đã lên kế hoạch để khơi thông sông Cổ Cò - Đế Võng và sông Trường Giang từ mấy năm nay. Với việc sớm đưa dòng sông Cổ Cò - Đế Võng đi Hội An vào lưu thông sẽ tạo ra những điểm nhấn cả về du lịch lẫn sự phát triển cơ sở hạ tầng ở hai bên bờ sông kéo dài trên 30km.
Vì hiện nay, vùng đất hướng biển từ Hải Vân vào Hội An cũng đã dành hết phần lớn cho phát triển các hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bãi tắm thì một khi dòng sông này chạy dọc theo vùng ven biển đi vào hoạt động sẽ tạo ra các khu đô thị sinh thái, các khu du lịch, các làng quê kiểu mẫu cho dân cư sinh sống là rất hợp lý. Nó sẽ hình thành nên cảnh quan sông nước miền quê thơ mộng, êm đềm và đầy hấp dẫn. Đây là điều mà Quảng Nam và Đà Nẵng nên đặc biệt quan tâm thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ sớm biến thành hiện thực trong những năm đến.
Cũng trên nền tảng đó, chúng ta cần có kế hoạch sớm để mở lại tuyến vận tải Hội An đi Tam Kỳ qua sông Trường Giang, cũng như từ Hội An đi các địa phương khác trên dòng sông Thu Bồn. Ví dụ, tuyến du lịch đưa du khách lên ngắm Hòn Kẽm-Đá Dừng và thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây thì hấp dẫn biết bao! Một khi các tuyến vận tải, du lịch sông nước này hình thành thì nó sẽ là tác nhân để khuyến khích các địa phương này phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống…Đó cũng chính là cơ hội lớn cho người dân ở các miền quê ven sông đó phát triển, tăng thu nhập.
Có thể nói, cùng với dòng sông chính Thu Bồn và nhiều con sông chạy ngang dọc đã tạo cho vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng có những sắc màu riêng biệt, phong cảnh đa dạng là một lợi thế hiếm có để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng cho tiềm năng du lịch sông nước. Nhưng để biến tiềm năng và lợi thế đó thành sản phẩm du lịch hiệu quả là cả một quá trình, từ mục tiêu, quy hoạch, chính sách, phương thức triển khai thực hiện giữa cơ quan quản lý, công tác điều hành và sự tham gia của cả cộng đồng dân cư.
Những bài học quý giá mà ngành công nghiệp không khói của Quảng Nam và Đà Nẵng đã đạt được trong những năm qua là nhân tố quan trọng để cho chúng ta tin tưởng rằng du lịch sông nước sẽ từng bước đi vào cuộc sống và chiếm vị trí xứng đáng trong các hoạt động du lịch của hai địa phương trong giai đoạn mới./.