Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mở tiềm năng phát triển du lịch ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc

25/05/2023 | 08:53

Để khai mở tiềm năng thế mạnh này, đưa du lịch Tam Đảo “cất cánh” vươn xa, rất cần các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở.

Tam Đảo được xác định là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều tiềm năng, thế mạnh về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để có thể trở thành điểm đến lý tưởng về nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh. Tuy nhiên, để khai mở tiềm năng thế mạnh này, đưa du lịch Tam Đảo “cất cánh” vươn xa, rất cần các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở.

Khai mở tiềm năng phát triển du lịch ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc - Ảnh 1.

Nhà thờ đá Tam Đảo hấp dẫn du khách bởi kiến trúc độc đáo và nét cổ kính rêu phong

Nhắc đến Tam Đảo chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến một thị trấn nhỏ trên núi với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, cùng với thời tiết, khí hậu trong lành, mát mẻ mang đậm nét khí hậu ôn đới châu Âu, không thua kém những điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Đà Lạt.

Thậm chí nhiều người còn cho rằng Tam Đảo có phần hơn khi vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ cổ kính vốn có, và đặc biệt, năm 2022, thị trấn Tam Đảo còn được World Travel Awards, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về du lịch vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, không chỉ có thị trấn Tam Đảo vốn đã được biết đến từ lâu và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia, với những đặc thù về địa hình, thời tiết, khí hậu, quá trình hình thành phát triển, thiên nhiên đã ưu đãi cho huyện Tam Đảo những thắng cảnh nổi tiếng hấp dẫn du khách.

Trong đó có thể kể đến như đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, Thác Bạc, núi Trường Sinh, suối Bát Nhã, suối Giải Oan…; Vườn Quốc gia Tam Đảo với hệ động, thực vật rừng phong phú, nhiều loài quý hiếm; rừng nguyên sinh với các thác nước, hang động, núi cao để du khách khám phá.

Cùng với những thắng cảnh tự nhiên là những di tích lịch sử văn hóa, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được người dân nơi đây tạo dựng và gìn giữ qua các thời kỳ phát triển của lịch sử với hàng trăm di tích thờ Thần, thờ Phật; các lễ hội truyền thống phong phú và đa dạng, phân bổ ở hầu khắp các địa phương trong huyện.

Tiêu biểu là quần thể di tích “Khu di tích danh thắng Tây Thiên” được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015 với nhiều di tích nổi tiếng như Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, Đền Chân Suối, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đại Bảo Tháp... là điểm đến du lịch tâm linh, chiêm bái, vãn cảnh lý tưởng của du khách thập phương.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đảo có hơn 120 di tích lịch sử văn hóa bao gồm đình, đền, chùa, miếu, di tích cách mạng và các công trình tôn giáo khác. Trong đó có một khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 17 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Đây là những điều kiện thuận lợi để Tam Đảo thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch, đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Có thể nói tiềm năng thu hút du khách, phát triển du lịch từ các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của huyện Tam Đảo là rất lớn, tuy nhiên, trên thực tế, việc phát huy giá trị các di tích này còn nhiều hạn chế.

Các sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện; chất lượng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách; hoạt động xúc tiến, liên doanh, liên kết, giới thiệu và thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa hiệu quả.

Mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu mang tính tự phát. Nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân về du lịch chưa đầy đủ dẫn đến kinh doanh, phục vụ chưa tốt; hạ tầng kết nối các điểm du lịch còn hạn chế.

Nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu bổ, sửa chữa như đình, đền Bồ Lý, xã Bồ Lý; đình Lưu Quang, xã Minh Quang. Nhất là Chùa Cam Lâm, xã Minh Quang bị sập từ đầu năm 2022 nhưng chưa có kinh phí để trùng tu, tôn tạo…

Trước thực trạng trên, để đưa tiềm năng trở thành hiện thực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, huyện Tam Đảo rất mong muốn tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, lập quy hoạch dự án đồng bộ và sớm triển khai thực hiện tôn tạo, tu bổ, xây dựng những di tích lịch sử văn hóa, cách mạng nhằm giữ gìn chứng tích lịch sử, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương và là điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch.

Khảo sát, triển khai thực hiện quy hoạch kết nối các điểm di tích, các hồ, đập lớn phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện và tỉnh Vĩnh Phúc. Triển khai việc cắm mốc giới Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên; Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo để thuận cho việc triển khai đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch.

Huy động các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối liên hoàn, thuận lợi giữa các điểm du lịch; nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ lưu trú; phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch mang đặc trưng của từng vùng miền.

Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ cơ sở tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm văn hóa của các xã, thị trấn, người trông coi, quản lý di tích… để lực lượng này có thể trở thành những đại sứ thúc đẩy phát triển du lịch từ cơ sở.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×