Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc trưng bày "Khát vọng tự do"

14/05/2020 | 16:44

Hà Nội khai mạc trưng bày "Khát vọng tự do"; Tổ chức triển lãm "Ảnh tư liệu, thời sự-nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2020"; Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam được quan tâm chỉ đạo kịp thời là những thông tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Khai mạc trưng bày "Khát vọng tự do" - Ảnh 1.

Khai mạc trưng bày "Khát vọng tự do". Ảnh: Báo Tin tức

Hà Nội: Thiết thực kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) và 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), sáng 14/5, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức lễ khai mạc trưng bày "Khát vọng tự do".

Trưng bày "Khát vọng tự do" được tổ chức nhằm tôn vinh, nhắc nhở về tinh thần quả cảm của các chiến sĩ cách mạng, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào, động lực để thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống và thành quả cách mạng của cha ông trong xây dựng nước Việt Nam hòa bình và phát triển.

Trưng bày kể về hành trình vươn tới tự do của các chiến sĩ cách mạng, tù chính trị tại các nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La, Phú Quốc, Côn Đảo..., nơi thực dân, đế quốc thi hành chế độ lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí người Việt Nam yêu nước.

Với 3 phần nội dung, gồm: "Xiềng xích", "Tung cánh giữa màn đêm" và "Khúc ca hòa bình", trưng bày khắc họa rõ nét từng giai đoạn của hành trình vươn tới "Khát vọng tự do", từ khổ hạnh nơi lao tù, những kế sách vượt ngục thần kỳ đến thành tựu mà các cựu tù chính trị mang lại cho nhân dân, cho đất nước sau khi thoát khỏi lao tù.

Không gian trưng bày của nội dung "Xiềng xích" được đặc tả bằng gam màu trầm, lạnh với các hình ảnh, tư liệu đắt giá được đặt cách điệu trong hình tượng lưới mắt cáo hay những trận mưa bom, bão đạn.

Nội dung "Tung cánh giữa màn đêm" được xây dựng trên nền hình ảnh ẩn dụ những cách chim hướng về tự do, đối lập với sự kiên cố, hà khắc của ngục tù, trong khi nội dung "Khúc ca hòa bình" tạo điểm nhấn ấn tượng với những thước phim tư liệu, những bảng vàng ghi công các chiến sĩ cách mạng...

Trưng bày "Khát vọng tự do" sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2020.

Hải Dương: Chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 14/5, tại Nhà triển lãm tỉnh Hải Dương, Sở VHTTDL phối hợp Hội VHNT tỉnh tổ chức triển lãm: Ảnh tư liệu, thời sự-nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2020.

Triển lãm gồm 3 phần: Giới thiệu bộ ảnh "Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh"; Trương bày 70 tác phẩm ảnh thời sự - nghệ thuật đã được tuyển chọn từ trên 300 tác phẩm của 23 tác giả tham gia cuộc phát động sáng tác ảnh thời sự - nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2020; Trưng bày tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong tháng 4 và 5 năm 2020.

Triển lãm là một trong những hoạt động của ngành VHTTDL chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Khai mạc trưng bày "Khát vọng tự do" - Ảnh 2.

Triển lãm: Ảnh tư liệu, thời sự-nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2020.

Hà Nam: Sở VHTTDL Hà Nam vừa có Báo cáo Kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo báo cáo, trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; hoạt động tổ chức lễ hội từng bước đi vào nền nếp, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh gần như gắn liền với các hoạt động của di tích lịch sử văn hóa. Vì vậy, việc hỗ trợ đầu tư tu bổ, xây dựng một số thiết chế văn hóa và đầu tư trang thiết bị liên quan phục vụ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng thường xuyên được quan tâm. Sở VHTTDL đã tham mưu ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch về bảo tồn di sản văn hóa, quy hoạch các khu, điểm du lịch gắn với việc đầu tư tôn tạo di tích. Tích cực triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích, đặc biệt là xác định các di tích nổi trội, tiêu biểu để bảo tồn, tôn tạo phục vụ cho phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá.

Theo thống kê, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có trên 80 di tích cấp quốc gia được tu bổ bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 11 di tích được đầu tư tu bổ lớn, hoàn chỉnh (tiêu biểu như: chùa Đọi Sơn, Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hoà, chùa Quế Lâm, đền Trúc, chùa Bà Đanh...); Triển khai thực hiện 10 dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (tiêu biểu như: Hát Dậm Quyển Sơn, múa hát Lả Lê, vật võ Liễu Đôi, nghề làm trống Đọi Tam, nghề dệt lụa Nha Xá, nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, nghề mây giang đan Ngọc Động, hát giao duyên vùng ngã ba sông 7 Móng...). 

Ngoài ra, khôi phục và phát huy hiệu quả nhiều lễ hội vùng, lễ hội làng, các nghi thức tế lễ, các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca đặc trưng, các làng nghề truyền thống (tiêu biểu là Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương...). Các di sản trên đang từng bước được bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nam.


Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×