Khai mạc trưng bày chuyên đề "Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt"
25/04/2019 | 16:11Sáng 25/4, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trưng bày chuyên đề "Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt". Triển lãm là một hoạt động nhằm chào mừng Festival nghề truyền thống 2019.
Quan xưởng là đơn vị sản xuất thủ công của nhà nước thời quân chủ, cung cấp vật dụng sinh hoạt cho hoàng gia, phục vụ hoạt động kinh tế, quốc phòng của triều đình. Thời Nguyễn, thông qua các hình thức: tuyển chọn, tuyển mộ và thuê mướn, thợ thủ công dân gian giỏi được trưng tập về Kinh đô và phiên chế thành các tổ chức thợ cùng nghề gọi là tượng cục - đơn vị nhỏ nhất của quan xưởng. Bên cạnh đó, các hộ nghề thủ công dân gian ở địa phương cũng được huy động sản xuất sản phẩm tại chỗ theo nhu cầu của triều đình.
Triển lãm "Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt" thu hút người dân và du khách.
Quan xưởng là đơn vị sản xuất thủ công của nhà nước thời quân chủ, cung cấp vật dụng sinh hoạt cho hoàng gia, phục vụ hoạt động kinh tế, quốc phòng của triều đình. Thời Nguyễn, thông qua các hình thức: tuyển chọn, tuyển mộ và thuê mướn, thợ thủ công dân gian giỏi được trưng tập về Kinh đô và phiên chế thành các tổ chức thợ cùng nghề gọi là tượng cục - đơn vị nhỏ nhất của quan xưởng. Bên cạnh đó, các hộ nghề thủ công dân gian ở địa phương cũng được huy động sản xuất sản phẩm tại chỗ theo nhu cầu của triều đình.
Kế thừa kinh nghiệm từ các thời Chúa Nguyễn, hoàng đế Gia Long đã cho xây dựng hệ thống quan xưởng đa dạng và phong phú hơn. Sang đến triều hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, hoạt động quan xưởng ngày càng phát triển và mở rộng.
Từ sau năm 1985, do sự tác động về mặt chính trị - xã hội, số lượng quan xưởng thu hẹp dần. chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của triều đình trong một số lĩnh vực và quy mô hạn chế. Nhưng những kỹ năng và bí quyết truyền nghề tiếp tục được những người lính thợ chuyển giao cho các thợ học việc trong dân gian. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp cho nghề thủ công truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển, góp phần làm đa dạng ngành nghề, sản phẩm trong các làng nghề dân gian ở Huế và các địa phương khác trong cả nước.
Hệ thống tổ chức và quản lý quan xưởng dưới triều vua Minh Mạng (1820 -1841).
Đến với không gian trưng bày chuyên đề "Quan xưởng triều Nguyễn với tinh hoa nghề Việt", bên cạnh chiêm ngưỡng các cổ vật cung đình - đa dạng về loại hình, độc đáo về kiểu dáng và tinh xảo về hoa văn trang trí được tạo ra từ bàn tay khéo léo và tư duy thẩm mỹ tinh tế của những người thợ thủ công, người dân và du khách còn có cơ hội tìm hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, phương thức điều hành và hoạt động của hệ thống quan xưởng triều Nguyễn.
Theo đơn vị tổ chức, triển lãm lần này sẽ kéo dài từ 25/4 - 25/8/2019.
Cùng ngắm những sản phẩm độc đáo được trưng bày tại triển lãm:
Thẻ bài của quan chức làm việc ở quan xưởng có khắc chức danh, nơi làm việc của quan chức trong các cơ quan triều đình. Tùy vào địa vị, cấp bậc của người sử dụng, thẻ bài được làm từ chất liệu khác nhau.
Tấu bài (thẻ Lục đầu) là hình thức báo cáo của các Bộ, Nha, Tự ghi nội dung công việc ngắn gọn trên tấm thẻ bằng gỗ dể trình lên nhà vua, thường do các viên thư lại viết tấu, riêng việc quan trọng do viên quan đứng đầu tự tay viết tấu.
Xâu tiền bằng đồng thời Nguyễn.
Thời nhà Nguyễn, việc đúc tiền được quan xưởng đúc tiền đảm nhận. Việc đúc tiền của triều đình do nhà vua trực tiếp chỉ đạo.
Tráp Ngự thư, trên nắp tráp có khắc bài thơ của hoàng đế Tự Đức nhan đề "Tĩnh dạ độc thư kỳ nhị" và dòng chữ "Tự Đức tứ niên cung tuyên".
Mũ phốc tròn của quan Chánh Nhất phẩm Văn ban thời Nguyễn (1802 - 1945).
Đãy đựng trầu của hoàng đế triều Nguyễn.
Sản phẩm của Kim Ngân Tượng Cục (cục thợ làm vàng, bạc) là cơ quan chế tạo các vật dụng bằng vàng, bạc, thược Ty Chế tạo, do Nha Vũ khố quản lý. Sản phẩm cửa Kim Ngân Tượng Cục chủ yếu cung cấp cho hoạt động nghi lễ của triều đình và vật dụng sinh hoạt của hoàng gia.
Ngoài trưng bày các sản phẩm quan xưởng, triển lãm cũng giới thiệu đến mọi người về Nghệ nhân Nguyễn Văn Khả là "Đệ nhất xảo thủ" dưới triều hoàng đế Khải Định. Ông là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của mỹ thuật, kiến trúc cung đình Huế đầu thế kỷ XX.
Ngự tiền Văn phòng ban thưởng Ngân Tiền hạng Hai theo lệnh của hoàng đế Bảo Đại cho Biên Tu Hàn Lâm Viện Nguyễn Khả năm 1933.