Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025

11/03/2025 | 08:03

Tối 10.3, tại Quảng trường 10-3, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 với chủ đề "Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới".

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 - Ảnh 1.

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025

Dự lễ khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo Ban, Bộ, ngành; bà Vanusia Nogueira, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO); các vị Đại sứ, Tổng Lãnh sự các nước, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, bà Huỳnh Thị Chiến Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Lễ hội diễn ra từ ngày 9 đến 13.3 năm 2025 với 17 hoạt động chính, là sự kiện kinh tế, văn hóa nổi bật của tỉnh.

Qua 8 lần tổ chức, lễ hội đã tạo dấu ấn sâu sắc, trở thành ngày hội tôn vinh những người làm cà phê, đồng thời quảng bá truyền thống cách mạng của Đắk Lắk đến bạn bè quốc tế.

Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc

Phát biểu tại Lễ hội, bà Vanusia Nogueira, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) bày tỏ sự ấn tượng và vinh dự khi được tham dự lễ hội tại "thủ phủ cà phê" của Việt Nam.

Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới khẳng định ICO cam kết thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cà phê toàn cầu, và đánh giá cao vai trò của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đắk Lắk từ lâu đã được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, hoàn toàn có đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành một trong những trung tâm cà phê lớn trong khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, ngành cà phê Việt Nam hiện đang hướng tới phát triển bền vững, nâng cao, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2024, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt trên 5 tỉ USD, tiếp tục khẳng định vị thế là nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil.

Trong đó, Đắk Lắk đóng góp khoảng 18% kim ngạch xuất khẩu; thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành cà phê Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: chất lượng chưa đồng đều; tỉ lệ chế biến sâu còn thấp; sản phẩm chưa đa dạng, phù hợp với thị hiếu; áp lực cạnh tranh và tiêu chuẩn thị trường ngày càng cao, điển hình là quy định Chống phá rừng của EU…

Để nâng tầm chất lượng, thương hiệu và giá trị của cà phê Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê tiếp tục phối hợp rà soát quy hoạch, xây dựng vùng trồng cà phê chất lượng cao.

Trong đó chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất chế biến; xây dựng chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, giúp ổn định giá cả và tăng thu nhập cho người trồng cà phê.

Nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt cà phê phải được hưởng lợi xứng đáng từ sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam.

Ngoài ra, cần chú trọng quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, chú trọng xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực; mở rộng kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường tiềm năng, phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ…

Tại Lễ khai mạc, ông Đỗ Văn Phới, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk" cho tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp đố là Chương trình nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đã truyền tải thông điệp "Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới" một cách đầy ấn tượng.

Lễ khai mạc khép lại bằng màn pháo hoa rực rỡ, mở đầu cho một kỳ lễ hội thành công, góp phần nâng cao vị thế của cà phê Buôn Ma Thuột và Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×