Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc chương trình biểu diễn của 11 đoàn nghệ thuật Trung ương tại TP.HCM: Sự kiện văn hóa khẳng định ý nghĩa chiến thắng 30/4

06/04/2015 | 16:57

Tối ngày 5/4, tại TP.HCM đã diễn ra khai mạc chương trình biểu diễn nghệ thuật của 11 đoàn nghệ thuật của Trung ương tại TP.HCM nhân dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Háo hức, phấn khởi là tâm trạng chung của văn nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật Trung ương khi tham gia vào đợt biểu diễn đầy ý nghĩa này.

Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc là đơn vị mở màn cho chuỗi chương trình của các đoàn nghệ thuật (từ 5 đến 9/4). Việt Bắc là nơi hội tụ nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc anh em đã tạo nên màu sắc riêng, làm phong phú thêm những sắc màu rực rỡ nghệ thuật chung của cả nước.

Đến với TP.HCM lần này, đoàn đã chọn chủ đề Việt Bắc hòa chung khúc khải hoàn gồm những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Bắc, ca ngợi quê hương đất nước, Bác Hồ kính yêu như: Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó; Lời ca dâng Bác; Hát xòe cùng em; Mùa xuân trên bản Mông; Tình khúc giao duyên; Hoa sen Tháp Mười; Đất nước trọn niềm vui... Nhiều khán giả thích thú khám phá những nét đẹp văn hóa của những dân tộc anh em vùng Tây Bắc qua những điệu múa, câu hát đặc sắc với tiếng khèn, đàn tính... qua các tiết mục biểu diễn.


 
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên khẳng định: Đợt biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật TƯ phục vụ nhân dân TP.HCM từ tháng 4 đến tháng 9/2015 là một trong những sự kiện nghệ thuật quan trọng mở đầu cho các hoạt động chào mừng kỉ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện văn hóa nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của chiến thắng 30/4.

Thông qua các chương trình nghệ thuật nhằm tôn vinh tinh thần yêu nước và ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, khát vọng hòa bình của dân tộc ta, tuyên truyền, định hướng thẩm mỹ tiếp nối truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do và thống nhất đất nước. Đợt biểu diễn quy tụ 600 diễn viên với 53 chương trình do 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc Bộ VHTTDL phối hợp với các đơn vị TP.HCM thực hiện.

Các tiết mục tham gia phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại, đa sắc màu, kết hợp hài hòa phong phú các đề tài, đa dạng thể loại ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước đổi mới, chào mừng TP.HCM anh hùng, năng động và phát triển. Đây cũng là dịp để các văn nghệ sĩ tên tuổi trong nước được thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình đối với đất nước và đồng bào miền Nam. Đồng thời là cơ hội hiếm hoi để công chúng khán giả TP.HCM và du khách tận hưởng giá trị nghệ thuật độc đáo của 11 đơn vị nghệ thuật Trung ương”.

11 đoàn nghệ thuật sẽ luân phiên đến biểu diễn tại TP.HCM từ tháng 4 đến tháng 9/2015 với nhiều tiết mục, chương trình phong phú đặc sắc nhất. Trong đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam (từ 24 đến 28/4); Nhà hát Nhạc vũ kịch (từ 25 đến 29/4) ; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (13 đến 17/5); Nhà hát Múa rối (12 đến 16/6) với chủ đề chính “Quê hương” được dàn dựng dựa trên một số làn điệu dân ca truyền thống, gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam.


 
Chất liệu hoàn toàn từ mây tre đan làm điểm nhấn trọng tâm, con rối được làm từ những vật dụng quen thuộc trong đời sống thường ngày như thúng, mủng, rổ, rá, dần, sàng... Mỗi trò diễn sẽ là một bức tranh đa sắc, phong phú với Ngày mùa, Chăn trâu, Vợ chồng thuyền chài, Múa hoa sen, Hát xẩm... Dàn nhạc giao hưởng (từ 14 đến 16/7) với khúc mở màn chào mừng, Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc, Bài ca chim ưng...; Nhà hát Tuồng Việt Nam (21 đến 25/7) giới thiệu những tiết mục đặc sắc Ông già cõng vợ đi xem hội, Hồ nguyệt cô hóa cáo, Ngũ biến, Phương thuốc thần kỳ; Nhà hát Kịch Việt Nam (14 đến 18/8) với các vở diễn Bệnh sĩ; Lâu đài cát; Dư chấn; Nhà hát Tuổi trẻ (21 đến 25/8) vở diễn Nhà có ba chị em; Nhà hát Chèo Việt Nam (10 đến 14/9) sẽ mang đến những trích đoạn chèo, dân ca tiêu biểu Thị Màu lên chùa, Màu - Nô- Phú Ông, Đôi lứa xứng đôi, Các giá Chầu văn...; Nhà hát Cải lương Việt Nam (26 đến 30/9) với vở Hà Nội gió mùa...

Ông Võ Trọng Nam, Phó GĐ Sở VHTT cho biết: “Chúng tôi mong muốn đợt biểu diễn nghệ thuật này sẽ đến được đông đảo khán giả, nhất là ở vùng ngoại thành. Cố gắng làm sao đưa các chương trình chất lượng nghệ thuật cao của 11 đoàn nghệ thuật đến được với quần chúng nhân dân một cách hiệu quả nhất”.

Sở đã khảo sát nhiều địa điểm phù hợp như Sân khấu Sen Hồng; Nhà hát Quân đội, Nhà hát Phương Nam; Rạp Hưng Đạo; Công Nhân; Nhạc viện, Nhà hát TP.HCM; TTVH Củ Chi; Bình Chánh; Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp; Khu chế xuất Linh Trung 1, 2; TTVH Cần Giờ; ĐH Mở, ĐH Văn Hóa; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn... nhằm phục vụ tốt nhất đến nhiều đối tượng khán giả thành phố.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×