Khách tăng cao, doanh thu du lịch Thanh Hóa đạt hơn 2,4 nghìn tỉ đồng trong quý I/2024
08/04/2024 | 15:20Theo báo cáo của Sở VHTTDL Thanh Hóa, quý I năm 2024, tổng lượt khách đến Thanh Hóa ước đạt trên 2,5 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 33,7 nghìn lượt, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.
.
Là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa đang lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, với 1.535 di tích và danh thắng. Bên cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn... Với hệ thống giao thông đồng bộ; cùng với tiềm năng có cả ba vùng sinh thái là vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển, cùng với đó là cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư bài bản và chất lượng. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.
Các điểm đến được đông đảo khách quốc tế lựa chọn khi đến Thanh Hóa, như: Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn); Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại thị xã Nghi Sơn;... Trong đó, chủ yếu là khách đến từ các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh,...
Tín hiệu tích cực từ thị trường khách quốc tế cho thấy hiệu quả từ việc thực hiện chính sách thị thực và triển khai đồng bộ chương trình quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch nhằm thu hút khách quốc tế đến Thanh Hóa trong thời gian qua. Với 33,7 nghìn lượt khách, tổng thu từ khách quốc tế ước đạt gần 14,8 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, góp phần nâng tổng thu du lịch của toàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm đạt hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 32.387 tỷ đồng trong năm 2024. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi du lịch trong nước sẽ vẫn đối mặt những thách thức trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, ngành du lịch Thanh Hóa hoàn toàn có thể kỳ vọng bởi nỗ lực của từng địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là sự xuất hiện của nhà đầu tư mới, tầm cỡ tại Thanh Hóa với những dự án cao cấp sẽ được đi vào hoạt động năm 2024, tạo đà cho tỉnh bứt phá mạnh mẽ.
Theo ông Hồng, việc triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng và khai thác đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước luôn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa quan tâm chú trọng. Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi tiếp tục tổ chức các sự kiện kích cầu tại các thị trường du lịch trọng điểm. Qua đó, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh; đồng thời liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch để đưa khách du lịch từ các thị trường trên về Thanh Hóa.
Đồng thời, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa, điểm đến an toàn, hấp dẫn” trên các kênh truyền hình Trung ương, địa phương, trên website, nền tảng số và tại các cảng hàng không trọng điểm trên cả nước.
Tăng cường liên kết với các địa phương trong công tác thương hiệu - quảng bá tiếp thị, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin giữa Thanh Hóa với các địa phương trên cả nước về các chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của các địa phương để cùng tham gia, quảng bá du lịch. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thực hiện các sự kiện xúc tiến, ngoại giao du lịch trong nước và quốc tế. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh xây dựng các gói kích cầu du lịch hấp dẫn với phương châm “tăng tối đa chất lượng, giảm tối đa giá thành”.
Năm 2024, các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đăng ký tổ chức 145 hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu, trong đó có 85 sự kiện văn hóa, 30 sự kiện thể thao và 30 sự kiện du lịch. Trong đó, mùa xuân gắn với các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Cửa Đạt, Lễ hội Am Tiên, Lễ hội Dâng trâu tế trời, Lễ hội Mường Xia, Lễ hội Chí Linh Sơn, Lễ hội Phủ Trịnh, Lễ hội đền Phố Cát, Lễ hội cầu phúc đền Độc Cước, Lễ tế Nghinh Xuân, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Mường Ca Da, Lễ hội Đình Thi, Lễ hội Mai An Tiêm, Lễ hội Quang Trung... Mùa hè nổi bật với các sự kiện tại các khu, điểm du lịch biển: Liên hoan đặc sản xứ Thanh; lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương; Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái; Lễ hội đường phố - Carnival du lịch biển Sầm Sơn; các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế; chuỗi sự kiện Flamingo Ibiza Beach Fest... Mùa thu - đông sẽ diễn ra các giải thể thao quốc gia và quốc tế; công bố các tour du lịch mạo hiểm (trekking tour); các lễ hội truyền thống gắn với du lịch sinh thái - cộng đồng như: Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội Mường Đeng...