Kết quả khai quật tàu cổ đắm vùng biển Dung Quất
05/08/2019 | 10:39Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Ngãi vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về kết quả phối hợp khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn).
Theo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở này cùng các cơ quan đơn vị liên quan phối hợp tiến hành nghiên cứu, khai quật, trục vớt hiện vật và xác tàu cổ Dung Quất.
Đoàn khai quật đã tiến hành khảo sát, khai quật trong phạm vi cho phép, kết quả như sau: Về dấu tích tàu cổ: Tại vị trí sát mép cầu cảng, quá trình khai quật đã trục vớt được những di vật của xác tàu như: thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ tàu, đầu dòng dọc kéo neo, những chiếc đinh sắt đóng tàu, khóa đồng, đai thùng hàng cùng nhiều mảnh vỡ của các loại chum, chĩnh có kích thước lớn được dùng để chứa nước ngọt cho thủy thủ trên tàu.
Những di vật này là minh chứng rõ nét cho sự tồn tại của con tàu cổ ở khu vực này. Tuy nhiên, từ những dấu tích gỗ thân tàu và di vật xuất lộ, cho thấy xác tàu đã bị vùi lấp trong gầm cầu cảng, rất khó nghiên cứu và trục vớt.
Báo cáo kết quả phối hợp khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất.
Về hàng hóa trên tàu cổ: Hàng hóa là đồ gốm sứ có nguồn gốc Trung Quốc. Số lượng thu được khoảng gần 10.000 tiêu bản, hiện vật còn nguyên ít, đa phần trong tình trạng vỡ mảnh. Có một số tiêu bản tìm được nhiều mảnh vỡ, có thể gắn chắp, phục dựng nguyên dáng. Có một số tiêu bản tìm được nhiều mảnh vỡ, có thể gắn chắp, phục dựng nguyên dáng. Dòng men chủ yếu là đồ sứ hoa lam, một số khác là sứ men trắng và số ít là đồ sứ men trắng vẽ nhiều màu trên men và đồ gốm phủ men nâu, xương dày.
Loại hình tập trung vào đồ gia dụng như bát, đĩa, bình, lọ…với nhiều kích thước và hoa văn trang trí khách nhau, trong đó có nhiều loại hình thuộc dạng đồ sứ bình dân, rất phổ biến, bên cạnh cũng có nhiều hiện vật là đồ sứ cao cấp, được vẽ trang trí tinh xảo, có giá trị nghệ thuật đỉnh cao của nghề sản xuất gốm sứ.
Đề tài thể hiện sự phong phú và đa dạng, gồm hình người, linh thú (rồng, kỳ lân, long mã, rùa, phượng), động vật (ngựa, hươu, cừu, thỏ, chim, vịt, hạc, cò, cá) và hoa lá (tùng, cúc, sen, mai, phù dung và hoa lá khác) với rất nhiều bố cục khác nhau. Đồ sứ ở đây đa số đều có các mác hiệu, trong đó chiếm số ít là hình vẽ con thỏ, còn phần nhiều là mác hiệu chữ Hán, viết bằng men lam. Có loại mác hiệu chỉ tên lò sản xuất hoặc là các mỹ tự, có loại mác hiệu chỉ niên đại sản xuất.
Đoàn khai quật đã tiến hành khảo sát, khai quật trong phạm vi cho phép.
Về nguồn gốc, niên đại của hàng hóa trên tàu: Nghiên cứu các mác hiệu chỉ niên đại trong sưu tập đồ sứ thu được, ta thấy có 6 niên hiệu thời Minh (Trung Quốc), gồm Tuyên Đức (1426-1435); Thành Hóa (1465-1487); Chính Đức (1506-1521); Gia Tĩnh (1522-1566); Long Khánh (1567-1572) và Vạn Lịch (1573-1620).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu và đối sánh tư liệu, có thể xác nhận những sản phẩm hàng hóa gốm sứ trên tàu cổ Dung Quất đều được sản xuất trong giai đoạn Vạn Lịch thời Minh (1573-1620), có nguồn gốc sản xuất từ các lò Cảnh Đức Trấn tỉnh Giang Tây, lò Đúc Hóa tỉnh Phúc Kiến (đối với đồ sứ cao cấp) và các lò gốm ở tỉnh Quảng Đông (đối với đồ sứ bình dân).
Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kết quả khai quật có ý nghĩa và giá trị khoa học cao, góp phần bổ sung tư liệu và nhận thức mới về lịch sử gốm sư và lịch sử giao thương trên vùng biển Việt nam. Sưu tập hiện vật tìm thấy ở đây, sau khi xử lý bảo quản, gắn chắp, phục dựng và giám định sẽ rất có giá trị trong công tác nghiên cứu và phát huy trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam.
"Tuy nhiên, do mặt bằng di tích thay đổi bởi việc xây dựng cầu cảng, diện tích khai quật thu hẹp, nên việc trục vớt xác tàu và hiện vật không đạt được kết quả như mục tiêu đề ra", Sở VHTTDL Quảng Ngãi cho hay.
Nhiều hiện vật không còn nguyên vẹn.
Quá trình thực hiện nghiên cứu, khảo sát, khai quật đã cung cấp tư liệu, kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho đội ngũ cán bộ, nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam mà trước đây chưa có điều kiện, cơ hội cọ xát.
Từ kết quả trên, Sở VHTTDL Quảng Ngãi kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ VHTTDL cho kết thúc công trường khai quật tàu cổ Dung Quất để triển khai công tác xử lý bảo quản, chỉnh lý, phân loại và giám định hiện vật đã trục vớt phục vụ trưng bày, phát huy giá trị hiện vật; giao mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi để Công ty tiếp tục thi công nạo vét mặt bến đưa vào khai thác.
Có ý kiến với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở VHTTDL chuyển hiện vật khai quật từ tàu đắm (hiện Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đang tạm giữ tại công trường khai quật) về Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi để lưu giữ, kịp thời xử lý bảo quản, tránh hủy hoại hiện vật; tiến hành chỉnh lý, phân loại, giám định niên đại và lập hồ sơ khoa học theo đúng Luật Di sản văn hóa và Phương án được duyệt.
Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi trong quá trình thi công, nạo vét, thông luồng lạch nếu có phát hiện di tích, di vật của con tàu cần thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng trong tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.