Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết quả ghi nhận sau 9 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại Nam Định

20/09/2019 | 10:45

Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí là tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (về các danh hiệu văn hóa).

Kết quả ghi nhận sau 9 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại Nam Định - Ảnh 1.

Người cao tuổi luyện tập dưỡng sinh tại nhà văn hoá xã Nam Hùng (Nam Trực).

Sau 9 năm thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh là nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để hoàn thiện tiêu chí số 6. Cụ thể, đối với xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) phải có 100% thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá, khu thể thao đạt tiêu chuẩn theo quy định mẫu của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hoá, khu thể thao. Trong đó, diện tích nhà văn hoá thôn, xóm phải đạt từ 300m2 trở lên (quy mô hội trường từ 100 chỗ ngồi trở lên); diện tích khu thể thao từ 500m2 trở lên (chưa kể sân bóng đá đơn giản). Để đầu tư xây dựng nhà văn hoá, khu thể thao đạt chuẩn, các địa phương cần nguồn kinh phí từ 300-500 triệu đồng/nhà văn hoá. 

Trên thực tế, việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hoá trong thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế do ngân sách địa phương hạn hẹp, khả năng huy động sức dân có hạn, nhất là những nơi người dân đã đóng góp khá nhiều vào việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học... Thực tế, tại các huyện như: Mỹ Lộc, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, hầu hết diện tích nhà văn hóa, sân thể thao của các thôn, xóm, tổ dân phố xây dựng trước đó chưa đạt theo tiêu chí nông thôn mới. Nguyên nhân do không có quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; mặt khác mức sống của người dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gặp khó khăn…

Để thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn. Trong đó tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt phương châm "Người nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới", đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cộng đồng, nhất là đối với 96 xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015). UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 9-11-2011 về việc phê duyệt Đề án "Phát triển văn hoá nông thôn của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020";  Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá", "Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá", "Cơ quan (đơn vị), doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá", "Xã (thị trấn) đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới" và quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương đã xây dựng cơ sở vật chất văn hoá tương đối quy mô từ nguồn kinh phí xã hội hóa, chất lượng các phong trào ngày càng được nâng lên, diện mạo văn hoá ở các địa phương trong tỉnh đã thay đổi theo hướng tích cực; đặc biệt, phong trào xây dựng "Văn hoá nông thôn mới" đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhân dân, phát triển mạnh ở các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh… Các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tập trung quy hoạch diện tích đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và các địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực xã hội hóa đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.

Bằng những kinh nghiệm thực tiễn trong giai đoạn I, bước vào giai đoạn II (2016-2020), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 9-6-2016 về "Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh"; Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" của tỉnh ban hành Kế hoạch 15/KH-BCĐ ngày 25-4-2017 triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" (giai đoạn 2017-2020)… 

Theo tinh thần các văn bản chỉ đạo, phong trào thi đua xây dựng "Văn hóa nông thôn mới" đã tạo được sự đồng thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân. Người dân với vai trò là chủ thể đã xác định được quyền lợi, trách nhiệm của mình, tích cực, chủ động tham gia thực hiện; từ việc họp bàn thảo luận, đóng góp ý kiến về quy hoạch xây dựng đến việc trực tiếp theo dõi, quản lý giám sát đầu tư xây dựng công trình văn hoá trên địa bàn; chủ động chỉnh trang nhà cửa, sân vườn; cứng hóa, bê tông hoá giao thông nông thôn; khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

Phong trào xây dựng "Văn hóa nông thôn mới" có sức lan tỏa sâu rộng, tác động tích cực, sâu sắc và toàn diện đối với đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của các địa phương. Cụ thể, với phương châm "Lấy thôn, xóm làm địa bàn, gia đình là hạt nhân", phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa nông thôn mới" được nhân dân các địa phương trong tỉnh đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện tốt các tiêu chí, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Phong trào xây dựng "Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá nông thôn mới" được gắn với nhiệm vụ: Xây dựng cộng đồng dân cư có đời sống kinh tế phát triển; đời sống văn hoá tinh thần phong phú; củng cố mối quan hệ giữa con người với gia đình, gia đình với xã hội; thi đua sáng tạo trong lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng. Đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau làm giàu chính đáng. Công tác giảm nghèo, trợ giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội quan tâm.

Theo số liệu của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh có 501.349/604.637 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa nông thôn mới", đạt 82,9% (tăng 21,6% so với năm 2010); 3.369/3.634 làng, thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu "Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa nông thôn mới", đạt 92,7% (tăng 52,6% so với năm 2010); 144/209 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới. Trong 9 năm xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã huy động được 190 tỷ 517 triệu đồng từ nguồn xã hội hoá đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 158 trung tâm văn hoá, thể thao xã, thị trấn; 3.050/3.634 thôn, xóm, tổ dân phố xây dựng được nhà văn hoá.

Với việc hoàn thiện các tiêu chí về văn hoá, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 900 đội, câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ quần chúng và gần 1.500 đội, câu lạc bộ thể dục, thể thao từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã và các thôn, xóm, tổ dân phố. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động (1-5); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), nhiều hội diễn, hội thi văn nghệ, thể thao quần chúng ở các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi nổi ở các địa phương, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Kinh nghiệm rút ra qua 9 năm thực hiện các tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định đó là: Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ". Trong đó chú trọng động viên khích lệ, tạo phong trào thi đua giữa các hộ, các thôn, xóm, các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể. Thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung nâng cao chất lượng gia đình văn hoá nông thôn mới với các tiêu chí cụ thể: Xây dựng con người có trách nhiệm với cộng đồng, có tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, ứng xử văn hoá; đoàn kết gắn bó với cộng đồng; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá; tập trung nâng cao tính tự quản, ý thức cộng đồng trong giữ vững các danh hiệu văn hoá, phát huy vai trò chủ thể, khả năng sáng tạo của người dân đối với các thiết chế văn hoá cơ sở; tuyên dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng đời sống văn hoá nói riêng, xây dựng nông thôn mới nói chung. Tăng cường công tác tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá trong xây dựng nông thôn mới; gắn phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", nếp sống văn minh với các phong trào xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững và ngày càng phát triển./.

Theo baonamdinh.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×