Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kết nối, quảng bá và trải nghiệm du lịch “Về miền di sản xứ Thanh”

20/06/2022 | 08:57

Trên dải đất hình chữ “S” xinh đẹp, xứ Thanh có một vị trí địa lý khá đặc biệt, góp phần tạo nên một tiểu vùng văn hóa đặc trưng, với nhiều gam màu đa dạng, đặc sắc.

Kết nối, quảng bá và trải nghiệm du lịch “Về miền di sản xứ Thanh” - Ảnh 1.

Đoàn famtrip với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch đến từ các tỉnh phía Bắc tham quan, khảo sát Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân).

Xứ Thanh có biển rộng, sông dài, có núi rừng trùng điệp, có đồng bằng trù phú, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Trong đó, nhiều địa danh như cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Lam Kinh (Thọ Xuân)... từng được xướng tên trên bảng xếp hạng cao về điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Tất cả đã tạo nên xứ Thanh - một miền di sản vô cùng phong phú và đặc sắc.

Dù xét về số lượng (khoảng 1.535 di tích, danh thắng) hay chiều sâu các giá trị lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật, Thanh Hóa đều có những cái tên nổi bật trên thang bảng xếp hạng, từ di tích cấp quốc gia, đến di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Vậy nên, “Về miền di sản xứ Thanh” sẽ là hành trình thú vị, nhất là với những ai yêu thích khám phá lịch sử và trải nghiệm văn hóa.

Tìm về miền di sản xứ Thanh, du khách nhất định không thể không ghé qua Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) và Lam Kinh (Thọ Xuân). Trong đó, Thành Nhà Hồ là một minh chứng hùng hồn cho tinh hoa trí tuệ Đại Việt cuối thế kỷ XIV, bởi thành trì này được sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ ước tính lên tới trên 25.000m3 đá và trên 100.000m3 đất. Song, điều gây ấn tượng đặc biệt lại nằm ở kỹ thuật xây dựng, với việc gắn kết các khối đá nặng hàng chục tấn. Đây là điều thu hút giới khoa học đang dày công tìm hiểu, khám phá và gây kinh ngạc cho du khách khi một lần về thăm di sản.

Nếu Thành Nhà Hồ là kinh đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự của nước ta dưới triều Hồ; thì khu Di tích lịch sử Lam Kinh là kinh đô thờ tự của vương triều Hậu Lê, là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt. Đến nay công trình đã được trùng tu, tôn tạo với dáng vóc bề thế, phục hồi và giữ nguyên các giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Trong suốt hành trình “Về miền di sản xứ Thanh”, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đã, đang giữ vị trí trung tâm trong hành trình kết nối với các di sản văn hóa khác của tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, ngoài tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ khách tham quan, quảng bá, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến kết nối du lịch giữa di tích Lam Kinh với các di tích danh thắng nổi tiếng khác trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, theo các lộ trình và tour, tuyến du lịch mới hoạch định.

Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: “Trong những năm gần đây, lượng khách đến tham quan Khu Di tích lịch sử Lam Kinh ngày càng đông. Trong đó, có rất nhiều đoàn khách nối tour Lam Kinh với các điểm đến khác như: Suối cá Cẩm Lương, Thành Nhà Hồ, Sầm Sơn, Pù Luông, Bến En... Đặc biệt, Lam Kinh cũng thu hút được một lượng lớn khách trong nước và quốc tế. Để quảng bá sâu rộng hơn nữa những giá trị đặc sắc của điểm đến, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường các hoạt động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh tham gia khảo sát, kết nối. Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, tổ chức lực lượng phục vụ tận tình, chu đáo, đảm bảo sự hài lòng của du khách khi đến thăm Lam Kinh”.

Là một trong những “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết văn hóa giữa các khu vực Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tham gia một cách tích cực vào việc kết nối, quảng bá các di sản nhằm phục vụ phát triển du lịch. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động kết nối với các địa phương có điểm đến du lịch trong hành trình “Qua miền di sản”, xúc tiến, quảng bá sâu rộng sản phẩm du lịch “Về miền di sản xứ Thanh”.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022 diễn ra vào cuối tháng 3-2022, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức “Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch - Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm”.

Thông qua hội nghị này, các địa phương cũng giới thiệu những chương trình, sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng văn hóa riêng của từng vùng, như: “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”, “Du lịch Nghệ An: Về miền Ví Giặm - Xứ Nghệ ân tình” và “Du lịch Hà Tĩnh: Về Hà Tĩnh người ơi”.

Ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết: "Thông qua các hoạt động kết nối, xúc tiến, quảng bá, hành trình du lịch “Về miền di sản xứ Thanh” ngày càng được đông đảo du khách biết đến. Đặc biệt, với các địa phương lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng ta đã có những chương trình phối hợp chặt chẽ, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa đặc trưng của ba tỉnh. Cũng thông qua đó, tour du lịch “Về miền di sản xứ Thanh” đã được kết nối nhiều hơn, vượt ra khỏi phạm vi các tour du lịch nội tỉnh và dần hình thành nên các tour, tuyến du lịch di sản văn hóa mang tính liên kết như: tour du lịch trải nghiệm các di sản văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng biển (Thành Nhà Hồ - Khu di tích Kim Liên - Khu du lịch biển Thiên Cầm...); tour du lịch về nguồn kết hợp khám phá du lịch sinh thái, cộng đồng, mạo hiểm (Pù Luông - chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng - khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông...); tour du lịch tự lái xe (caravan) theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Cũng thông qua các chương trình khảo sát do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, Công ty Lữ hành Hanoitourist - Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đã cho ra mắt chương trình du lịch bình thường mới với chủ đề: Tour du lịch an toàn “Caravan về xứ Thanh - Theo hành trình di sản” để phục vụ nhu cầu của du khách, với mức giá hấp dẫn. Được biết, thông qua các chương trình du lịch “Caravan về xứ Thanh - Theo hành trình di sản”, Hanoitourist mong muốn mang đến cho du khách một màu sắc khác của một điểm đến lâu nay được “mặc định” chỉ có sản phẩm du lịch biển.

Cùng với đơn vị lữ hành Hanoitourist, trong thời gian gần đây đã có rất nhiều đơn vị lữ hành trong cả nước xây dựng chương trình du lịch kết nối “Về miền di sản xứ Thanh”. Được biết, để đi đến việc khai thác sản phẩm du lịch đầy tiềm năng này, đại diện một số đơn vị lữ hành cho rằng, du lịch Thanh Hóa là điểm đến có hạ tầng du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng tốt, là điều kiện thuận lợi để nâng tầm những giá trị di sản văn hóa, tạo nên những sản phẩm du lịch mới, với những trải nghiệm khác biệt. Qua đó, góp phần quảng bá sâu rộng hơn nữa tiềm năng du lịch của điểm đến và hiện thực hóa các hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa Thanh Hóa với các địa phương trong cả nước.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×