Kết nối du lịch Gia Lai và TP.HCM
29/05/2018 | 08:51Ngày 28/5, tại TP. Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai năm 2018.
Tại Hội nghị, cũng diễn ra lễ ký kết và trao Quyết định, chủ trương đầu tư cho 10 dự án; ký kết hợp đồng tín dụng cho 6 dự án và ký 11 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Ảnh: gialai.gov.vn
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 15 năm triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay đã có 26 nhà đầu tư của TP.Hồ Chí Minh đầu tư vào tỉnh Gia Lai với 27 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 6.300 tỷ đồng trên các lĩnh vực: nông-lâm nghiệp, thủy điện, khu dân cư, thương mại… Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị của TP.Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tỉnh Gia Lai về nghiệp vụ y tế, khoa học-công nghệ, thể dục-thể thao, thương mại-du lịch, đào tạo cán bộ, xây dựng các mô hình xóa đói giảm nghèo,…
Trong khi đó, các doanh nghiệp từ Gia Lai đã đầu tư 22 dự án vào TP.Hồ Chí Minh với tổng vốn trên 29.500 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: cao ốc, văn phòng và căn hộ; hiện nay các dự án đang tiếp tục triển khai có hiệu quả.
Nhận định của giới chuyên môn khi nói về việc phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai tại Hội nghị, cho rằng, Gia Lai có rừng nguyên sinh với hệ thống động thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ. Ngoài ra, Gia Lai còn có nền văn hóa lâu đời của đồng bào vùng cao, chủ yếu đồng bào Ja Rai, Ba Na thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, lễ hội truyền thống, thông qua y phục, nhạc cụ… rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Loại hình du lịch tâm linh cũng là điểm nhấn phong phú với với tâm lý du khách. Trong khi đó, Gia Lai có thế mạnh sở hữu nhiều cồng chiêng nhất Tây Nguyên, nhiều bà con đồng bào còn lưu giữ, phát triển văn hóa cồng chiêng như là sứ mệnh văn hóa cộng đồng.
Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng cũng sẽ là loại hình du lịch khẳng định thường hiệu du lịch Gia Lai nếu có sự đầu tư chiều sâu, tập trung khai thác thế mạnh sản phẩm home-stay, đưa du khách thâm nhập vào cuộc sống đời thường của người dân địa phương.
Các đại biểu cũng cho rằng, Gia Lai cần chú trọng xây dựng thêm các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Việc hoạch định, xây dựng chiến lược thương hiệu du lịch điểm đến Gia Lai cần triển khai một cách chuyên nghiệp, đặt trong bối cảnh phát triển không chỉ của khu vực Tây Nguyên mà trên không gian phát triển tối thiểu đến năm 2030 của du lịch Việt Nam.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai năm 2018 là Hội nghị rất quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, các dự án trọng điểm, các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh Gia Lai và TP.Hồ Chí Minh đến các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp để tìm hiểu, tiếp cận tiến tới xúc tiến đầu tư.
Đây còn là dịp để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước của 2 địa phương gặp gỡ, trao đổi về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, tìm giải pháp phù hợp thu hút đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương.
Lan Anh (t/h)