Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang: Phát du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

17/10/2018 | 14:30

Kiên Hải là một huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, có 23 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong khu vực biển Tây Nam. Đơn vị hành chính gồm có 04 xã, diện tích tự nhiên 24,598 km2, dân số 20.550 người. Trung tâm Hành chính huyện đặt trên địa bàn xã Hòn Tre cách trung tâm Thành Phố Rạch Giá về hướng Đông khoảng 30 km đường biển, đảo xa nhất cách trung tâm Thành phố Rạch Giá là 90 km (Quần đảo Nam Du), giao thông chính là đường thủy, dân cư sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch.

Quần đảo Nam Du

Huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch. Quần đảo Nam Du với nhiều đảo và bãi biển đẹp như: Hòn Mấu, Hòn Dầu, Bãi Cây Mến, Đài Rađa. Đảo Lại Sơn có đỉnh Ma Thiên Lãnh, đỉnh Ông Rồng, đỉnh Yên Ngựa, Bãi Bàng, Bãi Bấc. Đảo Hòn Tre có Đỉnh Đá Đài, Bãi Chén… Ngoài ra huyện còn có các di tích văn hóa như: Lăng Ông Nam Hải, Đình Thần Nguyễn Trung Trực, Miếu Bà Cố chủ, Đài Tưởng niệm Liệt sĩ... Đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn đồi, thể thao, du lịch tâm linh...

Hiện nay, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư như: Đường quanh đảo, ngang đảo, bến cập tàu, điện lưới quốc gia, hồ chứa nước ngọt, tàu cao tốc…; Quần đảo Nam Du và đảo Lại Sơn được công nhận là Khu Du lịch địa phương; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên; các dịch vụ du lịch được nhân dân mạnh dạn đầu tư, hệ thống cơ sở lưu trú phát triển nhanh, năm 2015 toàn huyện chỉ có 31 cơ sở đến năm 2017 đã phát triển lên 111 cơ sở, tăng 258%. Số lượt khách du lịch bình quân giai đoạn 2015 – 2017 là 114.000 lượt khách/năm, tăng bình quân 136%/năm. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban quản lý các khu du lịch của huyện, xã. Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các hoạt động về du lịch được quan tâm. Công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác được triển khai thực hiện đồng bộ ở các xã… Qua đó, cho thấy khả năng phát triển du lịch của Kiên Hải trong những năm tới là rất lớn, đây là điều kiện quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện.

Bãi Bàng xã đảo Lại Sơn

Huyện phấn đấu đến năm 2030, du lịch Kiên Hải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản đồng bộ; hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng, có chất lượng và sức cạnh tranh mạnh; thân thiện với môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn trật tự xã hội. Phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, giữ gìn truyền thống văn hóa và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, đưa Kiên Hải trở thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với các hoạt động dịch vụ phong phú, đa dạng và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong bốn vùng du lịch trọng điểm của Tỉnh.

Theo đó, đến năm 2020, thu hút khoảng 365.000 lượt khách/năm, tăng bình quân giai đoạn 2018 - 2020 là 12%/năm. Khách quốc tế ước chiếm khoảng 1% tổng lượng khách. Thời gian lưu trú bình quân: Đối với khách quốc tế là 2,3 ngày/khách, khách nội địa là 2,1 ngày/khách. Doanh thu du lịch đạt khoảng 470 tỷ. Dự báo mức chi tiêu trung bình cho khách du lịch quốc tế là 60 USD/ngày, khách du lịch nội địa là 600.000 đồng/ngày.

Năm 2025, thu hút khoảng 600.000 lượt khách/năm, tăng bình quân giai đoạn 2020- 2025 là 10%/năm; khách quốc tế ước chiếm khoảng 2% tổng lượng khách. Thời gian lưu trú bình quân: Đối với khách quốc tế là 2,4 ngày/khách, khách nội địa là 2,2 ngày/khách. Doanh thu đạt khoảng 950 tỷ. Dự báo mức chi tiêu trung bình cho khách du lịch quốc tế là 70 USD/ngày, khách du lịch nội địa là 700.000 đồng/ngày.

Năm 2030, thu hút khoảng 900.000 lượt du khách, tăng bình quân giai đoạn 2025-2030 là 8%/năm; khách quốc tế ước chiếm khoảng 3% tổng lượng khách. Thời gian lưu trú bình quân: Đối với khách quốc tế là 2,5 ngày/khách, khách nội địa là 2,3 ngày/khách. Doanh thu đạt khoảng 1.700 tỷ. Dự báo mức chi tiêu trung bình cho khách du lịch quốc tế là 80 USD/ngày, khách du lịch nội địa là 800.000 đồng/ngày.

Đường quanh xã đảo Nam Du

Đến năm 2020 cần có 1.000 phòng và năm 2030 cần có 1.300 phòng. Đồng thời, vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Giải quyết việc làm cho khoảng 45.00 lao động trực tiếp và 7.800 lao động gián tiếp.

Cùng với đó, huyện vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch. Tăng cường chức năng tư vấn đầu tư du lịch để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện quy trình, hồ sơ, thủ tục đầu tư. Lập thành danh mục đầu tư trọng tâm, trọng điểm để kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của huyện. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù biển đảo. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.

Du khách đến tham quan suối thác tại xã đảo Lại Sơn

Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như: Đường quanh đảo, bến cập tàu, điện lưới quốc gia, hồ chứa nước ngọt, cải tạo đường đến các điểm du lịch... Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư phát triển các dự án của Tỉnh trên địa bàn huyện có liên quan đến phát triển du lịch; dành ngân sách hợp lý của huyện để đầu tư cho phát triển du lịch.

Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển du lịch và hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch. Thu hút, kêu gọi các các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng có chất lượng; nâng dần tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; nâng cấp, mở rộng, phát triển các cơ sở du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú, các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dịch vụ du lịch,  sản phẩm du lịch đặc thù của huyện./.

Quốc Tuấn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×