Hướng dẫn thực hiện Chương trình sản xuất và cung cấp ấn phẩm văn hoá thông tin cho các xã đặc biệt khó khăn
08/06/2012 | 00:23(VP) - Bộ VHTTDL vừa có Văn bản số 1675/BVHTTDL-VHDT hướng dẫn Sở VHTTDL các tỉnh, thành thực hiện chương trình sản xuất và cấp ấn phẩm văn hóa - thông tin cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và vùng dân tộc trọng điểm, xã thuộc 62 huyện nghèo năm 2012.
Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và vùng dân tộc trọng điểm, xã thuộc 62 huyện nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với những nội dung kiến thức về chính trị, pháp luật, văn hoá, xã hội, khoa học-kỹ thuật phù hợp, thiết thực để nâng cao nhận thức, hiểu biết, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm từng bước giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình; đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở thôn, bản; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống.
Thông qua đó, cán bộ, đảng viên và chính quyền cơ sở có điều kiện cập nhật những thông tin thiết thực, phục vụ cho việc tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn vùng sâu vùng xa; đồng thời có những chuyển biến về mặt nhận thức, trách nhiệm trong việc xoá bỏ điểm trắng về văn hoá đọc, tạo điều kiện cho người dân có thói quen đọc sách, đưa hoạt động đọc sách, báo trở thành nề nếp sinh hoạt văn hoá của đồng bào tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, để đảm bảo đúng mục tiêu của Chương trình, tăng cường nội dung tuyên truyền phục vụ hoạt động cho các thiết chế văn hoá tại cơ sở, Bộ VHTTDL yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt một số yêu cầu, định hướng triển khai Chương trình năm 2012 như:
Về cơ cấu và chủ đề nội dung ấn phẩm năm 2012:
Chủ đề Chính trị, pháp luật: Chiếm 25% số loại ấn phẩm cung cấp, nội dung tuyên truyền về chính sách tôn giáo, dân tộc; công tác xây dựng Đảng ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; pháp luật về: bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; di sản văn hoá ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động cán bộ, đồng bào học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.
Chủ đề Văn hoá-xã hội: Chiếm 40% số loại ấn phẩm cung cấp, nội dung tuyên truyền xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn; hướng dẫn nghiệp vụ quản lý văn hoá-xã hội cho cán bộ cấp xã; tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong cưới xin, tang lễ, lễ hội; giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức cho thanh thiếu niên; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, việc làm cụ thể để giúp đồng bào xoá đói giảm nghèo; phát triển kinh tế; chăm sóc giáo dục con em; gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống; xây dựng phong trào văn hoá, thể thao quần chúng tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên…; giới thiệu địa danh, di tích lịch sử - cách mạng vùng dân tộc thiểu số và miền núi; nêu gương người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở thôn, bản, xây dựng nông thôn mới.
Chủ đề nông nghiệp, khoa học và đời sống: Chiếm 35% số loại ấn phẩm cung cấp, nội dung phổ biến kỹ thuật canh tác, chăn nuôi giống cây trồng, vật nuôi mới… phù hợp với vùng miền, phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh dịch cho vật nuôi, cây trồng; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ tài nguyên môi trường.
Về hình thức thể hiện: Ngắn gọn, trực quan dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào.
Về đối tượng hưởng lợi: Gồm các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đã hoàn thành cơ bản mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thuộc Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135 Giai đoạn I, II) và các xã thuộc vùng dân tộc trọng điểm ở Tây Nguyên, các xã thuộc 62 huyện nghèo, các phòng văn hóa - thông tin huyện, các trường Phổ thông dân tộc Nội trú.
Ấn phẩm cung cấp là các loại sách, tranh, ảnh, tờ gấp, đĩa tiếng, đĩa hình in tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số có nội dung và hình thức phù hợp với trình độ nhận thức, tập quán tâm ý của đồng bào, phù hợp vùng, miền dân tộc; có tính thời sự, đề cập những vấn đề thiết thực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo kế hoạch, chương trình sản xuất và cấp các ấn phẩm này được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 5 đến tháng 6/2012); giai đoạn 2 (trong tháng 7/2012); giai đoạn 3 (từ tháng 8 đến tháng 12/2012) và giai đoạn 4 (từ tháng 1 đến tháng 2/2013).
Để chương trình đạt mục tiêu đã trình Chính phủ phê duyệt, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh cần bám sát định hướng về cơ cấu, chủ đề nội dung, hình thức ấn phẩm để lựa chọn đơn vị đặt hàng sản xuất, cung cấp ấn phẩm cho phù hợp; lựa chọn đơn vị có chức năng, chuyên môn về sản xuất, am hiểu thực tế vùng dân tộc thiểu số; có kinh nghiệm trong việc sản xuất và cung cấp ấn phẩm phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; có năng lực sản xuất, năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu đặt hàng.
Đồng thời, để nắm bắt thuận lợi, khó khăn, những yêu cầu phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện chương trình cho các năm tiếp theo, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức kiểm tra để đánh giá tình hình thực hiện Chương trình năm 2011 ở một số địa phương vào thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2012.
HCTC