Hưng Yên: Xây dựng nông thôn mới vững tiêu chí về văn hóa
10/05/2024 | 10:45Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), văn hóa giữ vai trò quan trọng, vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực cho sự phát triển. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng gắn xây dựng NTM với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, qua đó phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Năm 2022, xã Bình Minh (Khoái Châu) được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa. Đồng chí Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2020, xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Xã tiếp tục thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, trong đó chú trọng thực hiện tiêu chí về văn hóa. Mục tiêu hướng đến là xây dựng địa phương vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về lối sống văn hóa, tương xứng với vị thế là một trong những điểm đến văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh. Trên địa bàn xã có di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Đa Hòa gắn với lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung nên UBND xã chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội; hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao. Từ năm 2020 đến nay, xã đã huy động hơn 50 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa xã, nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa các thôn. Nhờ đó, 100% các thôn có nhà văn hóa hoạt động độc lập, được đầu tư thiết bị phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân.
Giống như Bình Minh, ở xã Dị Chế (Tiên Lữ) phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng NTM được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đồng chí Phạm Văn Phương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xây dựng NTM ở Dị Chế không đơn thuần chỉ là đầu tư cơ sở vật chất mà địa phương còn tập trung xây dựng các tiêu chí về văn hóa, xã hội. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức, phát triển rộng khắp. 100% số thôn trong xã có câu lạc bộ bóng chuyền hơi, câu lạc bộ dân vũ thu hút các hội viên, người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia sôi nổi sau mỗi ngày lao động, học tập.
Hưng Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, người dân luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái vì cộng đồng. Ngày nay, những giá trị văn hóa tốt đẹp đó càng được phát huy trong xây dựng NTM. Thực tế, không chỉ ở Bình Minh, Dị Chế mà những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' gắn với phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" được triển khai sâu rộng ở hầu khắp các xã trong tỉnh. Phong trào không chỉ dừng lại ở thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa mà còn bao trùm toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống của người dân nông thôn. Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư tích cực vận động người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hằng năm, các địa phương tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao quần chúng thu hút đông đảo Nhân dân tham gia; 100% số khu dân cư trong tỉnh đều tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ngày hội văn hóa quân dân” gắn với biểu dương, khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu đã thực sự tạo chất keo gắn kết trong cộng đồng. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cấp; mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân có những bước chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngày càng được giữ vững.
Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy sức mạnh văn hóa tinh thần của cộng đồng thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống và thực hành các phong tục, tập quán đặc sắc. Toàn tỉnh hiện có 5 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật hát trống quân ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu); Lễ hội đền Tống Trân ở xã Tống Trân (Phù Cừ); Lễ hội cầu mưa ở xã Lạc Hồng (Văn Lâm); Lễ hội đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang); Lễ hội đền An Xá ở xã An Viên (Tiên Lữ). Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các di sản văn hóa được vinh danh là tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Hưng Yên đến với du khách trong nước và quốc tế.
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 102/139 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó có 5 xã NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực văn hóa gồm: Bình Minh, Đồng Tiến, Thuần Hưng (Khoái Châu); Dị Chế (Tiên Lữ); Long Hưng (Văn Giang); có 89,7% số thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; 92,2% số gia đình văn hóa. Đồng chí Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Mục đích của chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Do vậy, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM là việc làm quan trọng cần được các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tiếp tục quan tâm thực hiện. Mỗi địa phương NTM nâng cao, kiểu mẫu phải là nơi có đời sống văn hóa phong phú, giàu bản sắc, là miền quê đáng sống. Qua đó, để văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.