Huế tập trung xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn
07/10/2019 | 15:40Trong những năm gần đây, cùng với du lịch cả nước, du lịch Huế vẫn giữ được tốc độ phát triển. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong vùng như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Huế không phát triển nóng, nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng bền vững, ổn định.
Cố đô Huế được khẳng định là một trong những trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đồng thời là địa phương có nhiều lợi thế, để phát triển ngành du lịch. Vậy nhưng trong một thời gian dài, ngành công nghiệp không khói này của Huế vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng tiềm năng và chưa hấp dẫn khách du lịch.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế - Ảnh Vi Phong
PV: Ông có thể chia sẻ về bức tranh của ngành du lịch Huế hiện nay?
Ông Lê Hữu Minh: Trong những năm gần đây, cùng với du lịch cả nước, du lịch Huế vẫn giữ được tốc độ phát triển. Tuy nhiên, so với các tỉnh trong vùng như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Huế không phát triển nóng, nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng bền vững, ổn định. Khách bình quân tăng trưởng khoảng 10 – 12%, trên một nửa số này là khách quốc tế (trên 50%, PV). Thị phần khách chủ yếu của Huế không phải là những thị trường tăng nóng như Trung Quốc và các nước khu vực xung quanh. Khách của Huế chủ yếu là các thị trường truyền thống (Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản) đây là những thị trường bền vững, khách có khả năng chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài. Đây cũng là mục tiêu thị phần khách mà du lịch Huế hướng tới.
Trong cơ cấu kinh tế của Huế hiện nay đầu tiên phải nói đến dịch vụ du lịch, sau đó là nông nghiệp và công nghiệp. Hiện nay, dịch vụ du lịch đã chiếm đến 58% GDP của tỉnh.
Những năm gần đây, để thúc đẩy du lịch Huế phát triển, địa phương đã tăng cường việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh. Do kinh phí hạn hẹp nên những năm trước đây việc xúc tiến quảng bá hình ảnh còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, vì thể hình ảnh của Huế ra với bạn bè quốc tế trong chừng mực nào đó bị sụt giảm.
3 năm trở lại đây, Huế đã tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tích cực tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước, nhất là với các thị trường truyền thống, Anh, Đức..
Bên cạnh việc tăng cường tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, Huế cũng tăng cường việc đón các đoàn Famtrip đến tìm hiểu, khảo sát và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (4.0) trong phát triển du lịch. Huế đã hợp tác với các hãng truyền thông lớn, các trang mạng lớn, iViVu, Youtube, CNN, để đẩy mạnh hình ảnh của Huế lên với thế giới.
Cùng với đó, Huế cũng tập trung đẩy mạnh thêm việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Theo đó, bên cạnh sản phẩm văn hóa di sản, vốn là nền tảng trong phát triển du lịch Huế, thì Huế cũng đã chủ động triển khai, xây dựng các sản phẩm mới và được các địa phương tích cực tham gia. Vì vậy, hiện nay đến với Huế du khách sẽ có nhiều lựa chọn sản phẩm du lịch như văn hóa, di sản, du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, biển, nông nghiệp, gắn với sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc...
Về điểm đến, Huế tập trung xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Khi du khách đến với Huế thật sự yên tâm với các phong trào xanh, sạch, sáng. Huế có thể là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng triển khai công nghệ thông tin vào trong hoạt động thực tế của du lịch. Rất nhiều hình thức, như có những app (ứng dụng) để khi đến Huế, khách du lịch có thể tìm hiểu và nắm bắt chung những thông tin cơ bản. Huế hiện đang có hệ thống quản lý thông minh về du lịch, hầu hết các điểm di tích đều có camera, điều này giúp cho du khách phản ánh nhanh, kịp thời khi gặp phải các sự cố.
TP Huế - Ảnh Lê Chung
PV: Du lịch Huế vẫn được xem là điểm dừng chân tạm thời với giá cả dịch vụ tương đối thấp. Vậy, theo ông Huế cần phải làm gì để thay đổi điều này, làm sao để tăng chi tiêu của khách du lịch?
Ông Lê Hữu Minh: Để tăng mức chi tiêu của du khách thì trước hết cần phải xác định xem sẽ có những nguồn thu nào từ du khách. Cụ thể các nguồn thu từ du khách đến từ hoạt động lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí...
Hiện nay, tại Huế, giá phòng đang thấp hơn so với khu vực (miền Trung - PV). Để cải thiện vấn đề này, Huế đã và đang phối hợp với các hiệp hội du lịch chủ trì để cùng với các doanh nghiệp làm sao ổn định giá và có mức giá phù hợp với thị trường. Đồng thời tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ để nếu có tăng giá thì chất lượng cũng phải tương xứng.
Nguồn thu lớn nữa của du khách khi đến với Huế là ẩm thực. Về vấn đề này, hiện Huế đang triển khai dự án trung tâm ẩm thực để thu hút khách du lịch. Theo đó ngoài những món ăn thông thường thì cần có những món ăn cung đình, độc đáo, thông qua đó thu hút khách trải nghiệm, thưởng thức. Đồng thời Huế cũng đang tăng cường thêm các nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu mua sắm của du khách như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng của địa phương... Tất cả đều được chọn lựa kỹ càng để đảm bảo về chất lượng của sản phẩm.
Để tăng cường khả năng chi tiêu của khách du lịch, thì cần phải có sản phẩm du lịch mới, nhiều trải nghiệm mới để tăng thời gian lưu trú của khác. Như đã nói ở trên, hiện nay, đến Huế, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch đầm biển, du lịch khám phá (núi, văn hóa tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc), du lịch hội nghị, nghỉ dưỡng. Bên cạnh việc giữ gìn phát huy du lịch di sản, văn hóa (nền tảng) thì Huế sẽ phát triển thêm các loại hình du lịch bổ trợ để đáp ứng nhu cầu của du khách.
PV: So với các tỉnh trong khu vực, có vẻ việc thu hút đầu tư về du lịch của Huế khá trầm. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này? Đặc biệt là Huế có đưa ra tiêu chí hay điều kiện gì đối với các nhà đầu tư hay không?
Ông Lê Hữu Minh: Hiện nay ở Huế, công tác kêu gọi đầu tư, có vẻ trong chừng mực nào đó chậm thu hút hơn so với các địa phương khác. Nhưng chậm đôi khi cũng có cái hay. Bởi chính sự chậm hiện nay của Huế mà chúng tôi có điều kiện quan sát, học tập kinh nghiệm của các địa phương đi trước. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ các địa phương khác (sự bùng nổ thu hút đầu tư nhưng không có quy hoạch bài bản), chúng tôi phải tính toán, cân nhắc xem quy hoạch thế nào để không phá vỡ cảnh quan không gian. Quy hoạch làm sao để phải có không gian văn hóa, giải trí không chỉ phục vụ cho du khách mà còn cả cộng đồng dân cư. Trên cơ sở những bài học của các địa phương, Huế sẽ phải làm chắc tay hơn việc này./.
PV: Cảm ơn ông!
9 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 21 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 22.200 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ thu hút thêm 7 - 10 dự án, trong đó có những dự án về du lịch của các tập đoàn lớn.