Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Huế sẽ xây dựng công nghiệp văn hóa hài hòa truyền thống

10/11/2021 | 08:41

Thừa Thiên Huế đang triển khai tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, được xem là nỗ lực thể hiện tinh thần xây dựng một chiến lược công nghiệp văn hóa hiện đại và hội nhập sâu sắc. Để làm rõ vấn đề này, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã có cuộc trao đổi cùng Doanh nghiệp & Hội nhập.

Huế sẽ xây dựng công nghiệp văn hóa hài hòa truyền thống - Ảnh 1.

Ông Phan Thanh Hải tại một buổi họp bàn phát huy và bảo tồn văn hóa di sản Huế.

PV: Thưa ông, Huế là thành phố di sản và gắn với truyền thống văn hóa, thậm chí ấn tượng về các giá trị truyền thống tại Huế đã đi vào tâm thức cộng đồng. Vậy đưa khái niệm công nghiệp vào văn hóa Huế, liệu có lưu ý gì về những khúc mắc, mâu thuẫn sẽ diễn ra?

Ông Phan Thanh Hải: Thừa Thiên Huế là vùng đất đã có hơn 700 năm phát triển, tiếp biến từ văn hóa bản địa Sa Huỳnh - Chămpa, qua thời kỳ Thuận Hóa, Phú Xuân đến văn hóa kinh kỳ triều Nguyễn. Địa phương hiện lưu giữ, bảo tồn 7 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, đồng thời sở hữu nhiều di sản khác; là vùng đất lễ hội, kinh đô ẩm thực, kinh đô Áo dài; là trung tâm văn hóa đặc sắc với gần 1.000 di tích…

Tuy nhiên, Huế không thể “ngủ say” với những giá trị đó mà cần bắt kịp xu thế thời đại, với tinh thần “Huế luôn luôn mới”. Những năm gần đây, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW (ngày 10/12/2019), Thừa Thiên Huế đã xác định mục tiêu bảo tồn đi liền phát triển. Cụ thể về quy hoạch, khu vực bắc sông Hương nhấn mạnh bảo tồn không gian cảnh quan văn hóa gắn với hệ thống di tích cung đình thời Nguyễn, còn bờ Nam, trọng tâm là phía Đông, Đông Nam, hướng về phía biển, hình thành các khu đô thị mới. Nhiều nhà văn hóa cũng đã sử dụng bối cảnh Huế, di sản Huế, làng nghề Huế để xây dựng các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật rất thành công.

Do đó, thực tế không chỉ chính quyền mà cả các tổ chức cá nhân ở Huế đều đang chú ý bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách hài hòa, hiệu quả, tránh mọi xung đột không đáng có. Đặc biệt, chính các giá trị di sản văn hóa truyền thống mới là nguồn tài nguyên, tiềm năng dồi dào để khai thác, phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo tôi, việc xây dựng công nghiệp văn hóa trên nền tảng di sản văn hóa Huế đồ sộ và có bề dày là sẽ hết sức thuận lợi.

PV: Đơn cử cộng đồng xưa nay đề cao các giá trị thủ công, thuần phác ở Huế, khái niệm công nghiệp văn hóa sẽ làm cách nhìn nhận đổi ngược thành theo dây chuyền đồng bộ, chất lượng bình quân. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Ông Phan Thanh Hải: Như tôi đã nói, Thừa Thiên Huế luôn xác định bảo tồn song hành cùng phát triển văn hóa. Do đó, cần nhìn nhận vấn đề công nghiệp văn hóa dưới góc độ mở, mở ở góc nhìn, đổi mới trong tư duy người quản lý và các tổ chức, cá nhân; phải tham gia hoạt động công nghiệp văn hóa để có định hướng rõ ràng trong việc cái gì là bảo tồn và bảo tồn đến đâu, phát triển và phát triển ở mức độ nào.

Ví dụ, ta thử đặt câu hỏi Áo dài Huế công nghiệp hóa được không? Hoàn toàn được. Có nhiều cách tiếp cận và giải quyết vấn đề này. Thừa Thiên Huế luôn có các chính sách, cơ chế phát huy nghề may đo áo dài truyền thống Huế để phục vụ những người có điều kiện, yêu chuộng sự cầu kỷ, tỷ mẫn, tài hoa của các nghệ nhân. Chiếc áo dài theo đó không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị văn hóa Huế.

Nhưng, cũng phải hướng đến tạo dựng những sản phẩm công nghiệp phục vụ khách hàng đơn giản hơn nhưng lại chiếm số đông, có yêu cầu khác về tỷ lệ, hàm lượng thủ công và công nghiệp ở từng khâu sản xuất và từng sản phẩm. Là một trung tâm du lịch lớn của đất nước với hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, Huế không thể không công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du khách. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn mở ra nhiều khía cạnh khác như sản phẩm lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật…

Các giá trị văn hóa Huế khác như ẩm thực, cũng tương tự như vậy, cần nghiên cứu, đề xuất hướng đi cụ thể để khai thác đúng giá trị văn hóa tiêu biểu riêng có và là thế mạnh của Huế. 

Huế sẽ xây dựng công nghiệp văn hóa hài hòa truyền thống - Ảnh 2.

Huế đang xây dựng chương trình phát triển áo ngũ thân theo hướng công nghiệp văn hóa.

PV: Văn hóa nghe nhìn của Huế lâu nay cũng đề cao yếu tố nghệ nhân, nghệ sĩ có đặc điểm chính xác. Người Huế từng lên án những bộ phim về Huế, nhưng diễn viên giọng Bắc, phụ nữ chít khăn mỏ quạ mặc váy đụp. Theo ông, cần kiên định những gì để triển khai đúng hướng, đúng cách công nghiệp văn hóa Huế với công chúng Huế và quan tâm Huế?

Ông Phan Thanh Hải: Huế từng là thủ phủ Đàng Trong, kinh đô của hai triều đại, Tây Sơn và triều Nguyễn, hội tụ nhiều giá trị tinh hoa văn hóa đất nước nên đã hình thành lối sống, nếp nghĩ, cách đi đứng, giao tiếp… khá đặc biệt. Một số người Huế đến nay vẫn bảo thủ, đôi lúc cực đoan với những giá trị xưa cũ đó. Nhưng vẫn có nhiều người Huế ngày nay cạnh việc gìn giữ nếp cũ rất sẵn sàng tâm lý đổi mới, tiếp thu, hình thành những giá trị văn hóa mới. Công nghiệp văn hóa Huế sẽ dựa trên tinh thần đổi mới này để triển khai.

Thực tế lâu nay, ngành văn hóa Huế đã luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho các nhà làm phim, các đạo diễn khai thác tốt các chất liệu tôn vinh giá trị văn hóa Huế. Cạnh tinh thần cởi mở, thông thoáng, chúng tôi chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa nguyên gốc, không chấp nhận xu hướng thị trường hóa rẻ rúng, thiếu nhân văn, kém nghệ thuật, làm sai lệch yếu tố lịch sử, méo mó, biến dạng văn hóa, hình ảnh, lối sống người Huế. Xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa Huế, là tiêu chí, là mục tiêu xuyên suốt của chúng tôi.

PV: Vậy từ Liên hoan phim sắp diễn ra, ngành văn hóa Huế nên chuẩn bị gì để mở ra cách liên tưởng, hướng đầu tư mới cho công nghiệp văn hóa nghe nhìn tại Huế?

Ông Phan Thanh Hải: Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 là sự kiện quốc gia và có tầm quốc tế, nên sau hơn 20 năm, Huế đón lại hoạt động này như cơ hội mới, nhấn mạnh quảng bá hơn nữa hình ảnh, vẻ đẹp quê hương và con người Thừa Thiên Huế. Đây là dịp để địa phương đề cập mạnh hơn về hình ảnh vùng đất, con người xứ Huế, kết nối các nhà làm phim đến khám phá, tìm ý tưởng sản xuất phim về vùng đất này.

Việc triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Huế từ Liên hoan phim này thật ra đã khởi động lâu rồi, qua các lĩnh vực áo dài và ẩm thực, việc xây dựng danh hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”; “thành phố sáng tạo”... Huế tự tin sẽ xây dựng thành công nền công nghiệp văn hóa, trên nền tảng khai thác hữu hiệu các giá trị di sản văn hóa quốc gia và thế giới mà địa phương hiện hữu.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×