Huế: Bảo tồn Lễ hội mừng lúa mới để phát triển du lịch
25/02/2025 | 14:17Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu tại huyện Nam Đông (nay là huyện Phú Lộc, TP Huế) được xây dựng hồ sơ để trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống có giá trị, được bảo tồn và phát huy qua nhiều hoạt động văn hóa, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Biểu diễn các điệu múa truyền thống tại Lễ hội mừng lúa mới.
Ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng VHTT huyện Phú Lộc cho biết, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, huyện đã triển khai nhiều hoạt động như quan tâm khảo sát, nghiên cứu các lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các địa phương để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
Đồng thời, ưu tiên bảo tồn các lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một và các lễ hội tiêu biểu nhằm khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 2024 phòng VHTT huyện Phú Lộc đã triển khai sưu tầm, phục dựng lại nguyên bản Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu, đồng thời có các giải pháp phát huy lễ hội này và phát triển điểm đến du lịch hấp dẫn ở vùng miền núi của huyện. Chúng tôi cũng trình hồ sơ về Lễ hội mừng lúa mới đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội mừng lúa mới được duy trì từ xưa đến nay ở các xã có đồng bào Cơ Tu sinh sống. Trải qua nhiều thời gian, cũng như ở mỗi địa phương có những điểm khác nhau nhưng cơ bản những nghi thức vẫn không thay đổi. Mở đầu của Lễ hội mừng lúa mới là cảnh các cô gái Cơ Tu đi tuốt lúa từ sớm tinh mơ.
Với bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, chịu khó, họ đã thu hoạch được những gánh lúa chín vàng đượm, phản ánh về một mùa màng bội thu của dân bản. Tại không gian ở ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng của bản làng, tất cả mội người từ già đến trẻ đều mặc trang phục truyền thống để tham gia lễ.

Các già làng bày mâm cúng.
Các già làng, người có uy tín thực hiện các nghi thức lễ cúng Giàng. Mâm cúng của mừng lúa mới đồng bào Cơ Tu chuẩn bị tươm tất, gồm có các lễ vật như lợn, gà, xôi, cơm lam nướng ống tre, cá xanh khô, cá nướng, các loại thực phẩm do người dân sản xuất, rượu cần... Đặc biệt là không thể thiếu tấm vải Zèng, sợi mã não, cườm trắng và các loại trang sức của đồng bào.
Lễ hội mừng lúa mới là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu ở huyện Phú Lộc. Thể hiện sự tôn kính đối với các thần linh đã che chở, mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Trong Lễ hội mừng lúa mới, nhiều bản sắc văn hóa tiêu biểu của đồng bào Cơ Tu được trình diễn như điệu múa tung tung da dá truyền thống, biểu diễn cồng chiêng... Thông qua lễ hội, người Cơ Tu cũng gửi gắm thông điệp cùng chung tay bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa trong cộng đồng và quảng bá nét độc đáo đến du khách.

Việc bảo tồn Lễ hội mừng lúa mới của người Cơ Tu sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Hiện nay, vùng miền núi huyện Phú Lộc đang khai thác các điểm du lịch cộng đồng gắn với khai thác, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc như: Điểm du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi (xã Thượng Lộ); du lịch sinh thái ở thác Mơ (xã Hương Phú)...
Việc bảo tồn Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao góp phần giới thiệu và thu hút du khách đến trải nghiệm. Trong đó, điểm du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi được xem là mô hình mẫu của phát triển du lịch gắn với văn hóa đồng bào Cơ Tu ở Huế.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế, năm 2024 Sở đã chủ trì triển khai các hoạt động xây dựng mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại huyện Nam Đông (nay là huyện Phú Lộc). Trong đó, tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa của người Cơ Tu, với các nội dung như: Khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin xây dựng mô hình; thuê chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia tư vấn hỗ trợ nghiên cứu xây dựng mô hình; trang bị vật tư, nguyên vật liệu, dụng cụ, tài liệu phục vụ mô hình; tổ chức tập huấn về phương pháp, kỹ năng xây dựng và nhân rộng các mô hình; tổ chức thực nghiệm các mô hình và thông tin tuyên truyền, quảng bá... qua đó các nghệ nhân, già làng, người có uy tín và đồng bào dân tộc Cơ Tu cũng như các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các thôn, bản, các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch được tiếp cận và thụ hưởng.
Hiện nay trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của TP Huế đã có 100% các thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, hơn 50% các thôn có đội (câu lạc bộ) văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên.