Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch Ninh Bình

12/05/2022 | 16:04

Ngày 12/5, tại Khách sạn Legend, Sở Du lịch tổ chức Hội thảo xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Ninh Bình 2022 với chủ đề "Đổi mới, sáng tạo và bứt phá".

Hội thảo xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch Ninh Bình - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam; đại diện Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Thanh Hóa; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch.

Về phía đại biểu lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố của tỉnh; đại diện một số cơ sở kinh doanh du lịch tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị Xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Ninh Bình 2022 là một trong những sự kiện của tỉnh Ninh Bình chào mừng 200 năm danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình. Đây là dịp để ngành du lịch tỉnh nhà đánh giá lại thực trạng và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu về các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

Hội thảo xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch Ninh Bình - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại Hội thảo.

Giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và kết quả phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ngành du lịch đã có bước chuyển mình mạnh mẽ kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, mở ra cơ hội lớn, đưa du lịch Ninh Bình phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Năm 2019, Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 3.670 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất.

Từ năm 2020 đến nay, tuy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, song tỉnh Ninh Bình tiếp tục được khách du lịch đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Với sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn cùng việc tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi, tỉnh Ninh Bình đã sớm ban hành Kế hoạch 180/KH-UBND ngày 29/10/2021 về phục hồi và phát triển ngành du lịch trở lại, với các lộ trình đón khách đảm bảo an toàn, linh hoạt thích ứng với đại dịch COVID-19.

Theo đó, du lịch Ninh Bình đã tạo ra luồng gió mới, tia sáng tích cực. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022 đã đón trên 210.000 lượt khách, tăng 220% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 8.370 khách quốc tế, lượng khách đạt top 5 của cả nước. Đây là động lực lớn để Ninh Bình quyết tâm phục hồi, phát triển ngành du lịch trở lại.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua sự tăng trưởng du lịch chủ yếu về lượng, phần lớn là khách thăm quan trong ngày, khách đi lễ. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, còn thiếu các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc sắc mang dấu ấn văn hóa đậm nét của địa phương.

Lực lượng lao động du lịch phần đông còn thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống doanh nghiệp du lịch được hình thành và mở rộng nhưng quy mô còn nhỏ. Công tác xúc tiến quảng bá, thông tin du lịch đã có nhiều cố gắng nhưng còn thụ động, chưa nhắm đúng thị trường mục tiêu và chưa có chiến lược thu hút rõ nét.

Nhìn nhận rõ những cơ hội và thách thức, cũng như những khó khăn, hạn chế, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch, chương trình hành động và các giải pháp quan trọng để phát triển du lịch thời gian tới.

Tại hội thảo hôm nay, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh rất mong các đại biểu góp ý chân tình, cởi mở, thẳng thắn, khách quan... về những gì còn yếu kém, hạn chế để du lịch tỉnh Ninh Bình thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là đưa ra những giải pháp để xây dựng những sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao, mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế; các giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp bộ, ngành, sự hợp tác, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, học giả, cộng với niềm tin và quyết tâm chính trị cao nhất của chính quyền và nhân dân, đồng chí tin rằng Ninh Bình sẽ nắm bắt được cơ hội để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành "Điểm đến hấp dẫn với du khách bốn phương".

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch Ninh Bình bền vững trong thời gian tới. Trong đó trọng tâm là nhóm giải pháp về: Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch Việt Nam giai đoạn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch trong tình hình mới; phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của thị trường; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch...

Hội thảo xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch Ninh Bình - Ảnh 3.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch Ninh Bình bền vững trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình cảm ơn các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý sâu sắc để giúp Ninh Bình xác định chiến lược phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình mới trong thời gian tới.

Ninh Bình sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, trong đó tập trung vào công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng hỗ trợ phát triển du lịch; nâng cấp và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, có chất lượng cao, mang hàm lượng văn hóa; đổi mới phương pháp xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương hiệu; tổ chức cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện bồi dưỡng nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển…

Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong xây dựng điểm đến. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và tiếp tục phát triển…

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×