Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo "Thân thế và sự nghiệp nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại"

09/08/2019 | 17:08

Sáng 9/8, tại thành phố Bắc Kạn, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thân thế và sự nghiệp nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại".

Hội thảo Thân thế và sự nghiệp nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Du - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nhạc sĩ Đỗ Kim Cuông – Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Nhạc sĩ Nông Quốc Bình – Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam; Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự.

Cùng dự và đóng góp ý kiến tham luận tại hội thảo có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình văn học của Trung ương và các địa phương; lãnh đạo đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh cùng thân nhân nhà văn Nông Viết Toại.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận khẳng định nhà văn Nông Viết Toại là một trong những nhà văn đã có công đặt nền móng xây dựng nền văn học Bắc Kạn và văn học Khu Việt Bắc, đặc biệt là văn học sáng tác bằng tiếng Tày. Nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại, tên thật là Nông Đình Hân, sinh ngày 26/4/1926, tại bản Nà Cọt, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng hiếu học. Cũng như hầu hết các nhà văn dân tộc thiểu số, nhà văn Nông Viết Toại đến với con đường văn chương trước hết bằng thơ và những sáng tác bằng văn vần bằng tiếng mẹ đẻ để tuyên truyền, vận động nhân dân làm cách mạng.

Ông đã dịch một số ca khúc cách mạng ra tiếng Tày, những bài hát ấy được quần chúng nhân dân rất yêu thích. Năm 1947 ông bắt đầu làm thơ, những bài thơ như "Đi bộ đội", "Đông qua xuân tới"… được nhiều người mến mộ. Năm 1957 ông được dự một lớp bồi dưỡng về công tác văn hóa quần chúng do Vụ nghệ thuật mở, từ đó ông bắt đầu viết truyện ngắn và dần khẳng định được tên tuổi với các tác phẩm tiêu biểu như: "Đoạn đường ngoặt", "Kỵ", "Ngần Muộc", "Sạn"… và nhiều bài thơ bằng tiếng Tày như "Khau phja Việt Bắc", "Việt Bắc boong hây"… Cuối năm 1962 đến tháng 10/1963 ông được cử đi dự lớp bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá, trong thời gian này ông viết một số truyện ngắn và ký như  "Ngói Cao Thanh", " Mương Nà Pàng", " Rừng hồi xứ Lạng"…

Các sáng tác của Nhà văn Nông Viết Toại thể hiện sự đa dạng trong thể loại và phong phú trong cách thể hiện. Ông vừa viết văn xuôi, làm thơ, đặt lời cho các làn điệu dân ca, vừa sáng tác các bài tấu nói dành cho các đoàn nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ bà con. Ông vừa sáng tác bằng tiếng Việt, vừa sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Các sáng tác bằng tiếng Tày của ông được bạn đọc đánh giá cao ở sự vận dụng tinh tế và độc đáo bản sắc, tiếng nói dân tộc vào trong tác phẩm.

Ông đã để lại một "gia tài" văn chương không nhỏ, nhất là các sáng tác bằng tiếng Tày, về văn xuôi, thơ. Việc sưu tầm vốn văn hóa văn nghệ dân gian cũng được ông dành nhiều tâm huyết. Nhà văn Nông Viết Toại thuộc lớp thế hệ nhà văn đầu tiên của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam và của tỉnh Bắc Kạn. Ông có nếp sống giản dị, khiêm nhường, cả cuộc đời mình gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và có những đóng góp to lớn cho văn học, nhất là việc sáng tác bằng tiếng Tày.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Du - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, những cống hiến của nhà văn Nông Viết Toại đối với sự nghiệp cách mạng và văn học nghệ thuật là rất lớn, rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cho đến nay với nhiều lý do khác nhau, nhất là trong điều kiện còn khó khăn của tỉnh, nên đến nay chưa tổ chức được một cuộc hội thảo khoa học ngang tầm, để đánh giá đầy đủ về những cống hiến, đóng góp của nhà văn Nông Viết Toại. Do vậy, tại cuộc hội thảo hôm nay, với những học giả có trình độ, am hiểu sâu sắc về chuyên môn, các nhà thơ, nhà văn từng gắn bó với nhà văn Nông Viết Toại; đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Du mong muốn các đại biểu sẽ làm rõ và hiểu sâu sắc thêm về thân thế sự nghiệp của nhà văn Nông Viết Toại. Đồng thời, qua hội thảo cũng sẽ góp phần làm phong phú, tốt đẹp thêm truyền thống lịch sử, cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Sau hội thảo Ban Tổ chức hội thảo tổng hợp kết quả và có những đề xuất cụ thể cho tỉnh, để ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của nhà văn Nông Viết Toại.

Tại hội thảo, nhà văn Nông Viết Toại cảm ơn những đóng góp, tham luận của các đại biểu về sự nghiệp sáng tác của mình. Đồng thời khẳng định những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo sẽ giúp ông biết được những điểm mạnh, điểm yếu, để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của Đảng, của nhân dân.

Hội thảo Thân thế và sự nghiệp nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24/8/1949 - 24/8/2019); là dịp để tôn vinh những đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng, lĩnh vực văn học nghệ thuật của một trong những người con ưu tú của quê hương Bắc Kạn./.

Theo baobackan.org.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×