Hội thảo khoa học “Bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất trong di tích Quốc gia Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa”
30/06/2023 | 14:33Ngày 29/6, tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất trong di tích Quốc gia Thái miếu nhà Hậu Lê, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa”. Hội thảo với sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được công nhận là “Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia” theo Quyết định số 2861, ngày 4-9-1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Từ khi được xếp hạng đến nay, di tích được quan tâm đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi các hạng mục công trình, quy mô kiến trúc cũng như không gian, khuôn viên đang dần được hoàn thiện. Cùng với đó, việc bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất của di tích cũng đã được nghiên cứu từ năm 2001 và có nhiều phương án đặt ra. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất trong Tiền điện, Hậu điện cũng như trong khuôn viên di tích chưa thực hiện được và đang còn nhiều vấn đề tranh luận.
Vì thế, hội thảo được tổ chức nhằm giải quyết các bất cập trong việc bố trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất và các hiện vật do Nhân dân cung tiến vào di tích Thái miếu nhà Hậu Lê; xác định vị trí thờ Phật, thờ Tam toà Thánh mẫu và Bạch Y công chúa; sắp xếp bổ sung thánh vị các vị vua, hoàng thái hậu, công thần được thờ trong Thái miếu. Đồng thời đề xuất nội dung, hình thức soạn thảo bia Hưng Công và các nội dung liên quan khác liên quan đến di tích Thái miếu nhà Hậu Lê...
Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, trong nhiều năm qua, việc sưu tầm tư liệu, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về di tích Thái miếu nhà Hậu Lê được các cơ quan quản lý và các cơ quan chuyên môn của TP Thanh Hoá và của tỉnh Thanh Hoá tiến hành triển khai khá đều đặn. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, việc bài trí thờ tự như: xếp đặt Thánh vị trên các án thờ ở Tiền điện, Hậu điện, nhà Tả vu, Hữu vu; các đối tượng được thờ (hoặc phối thờ) ở Thái miếu (theo đúng lễ nghi tế tự cổ truyền) hay các hạng mục kiến trúc khác hiện diện trong khuôn viên Thái miếu chưa phù hợp với chức năng của Thái miếu… đang còn là đề tài còn nhiều tranh luận.
Lê Thái Tổ băng hà năm Quý Sửu (1433), an táng tại Lam Sơn, đến tháng Chạp năm Giáp Dần (đầu năm 1435), vua Lê Thái Tông cho rước thần chủ Lê Thái Tổ cùng với thần chủ Quốc Thái mẫu (tức bà Phạm Thị Ngọc Trần) lên nhà Thái miếu. Như vậy, sau khi thiết lập vương triều, nhà Lê đã cho xây dựng Thái miếu ở Đông Kinh (tức Thăng Long). Tại Thái miếu, hằng năm diễn ra rất nhiều nghi lễ tế tự (ngày kỵ của các vị Hoàng đế, Hoàng hậu; các lễ tiết trong năm hoặc mỗi khi tổ chức chinh chiến hay thắng trận trở về đều có lễ kính cáo Thái miếu…).
Năm 1527, nhà Mạc thay thế nhà Lê sơ và trị vì ở Thăng Long đến năm 1592. Sau khi thu phục Thăng Long, triều đình Lê Trung Hưng cho trùng tu, tôn tạo và xây thêm một số điện thờ trong khu vực Thái miếu nhà Lê ở Thăng Long và thực hành nghi lễ tế tự hằng năm. Cuối triều Lê Trung Hưng sang triều Tây Sơn, việc tế tự ở Thái miếu nhà Lê tại Thăng Long không được ghi chép lại. Năm 1802, vương triều Nguyễn thành lập, chọn Phú Xuân là kinh đô. Nhà Nguyễn cho xây dựng Triệu miếu (thờ vọng Nguyễn Kim), Thái miếu, Thế miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn tại Huế; xây dựng Nguyên miếu (thờ Nguyễn Kim) ở Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hoá). Tháng 3 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long cho dựng miếu nhà Lê về xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, trấn Thanh Hoa. Việc thờ cúng các vua triều Lê được duy trì từ bấy đến nay, trải dài 199 năm. Thái miếu nhà Hậu Lê còn có nhiều tên gọi khác nhau như Đền thờ các vua nhà Lê (thư tịch), Bố Vệ miếu hay Đền Lê (cách gọi dân gian).
Năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được công nhận là Di tích lịch sử và nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 2861 ngày 4-9-1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).
Hội thảo đã thu hút 24 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trung ương và địa phương. Ngoài việc thống nhất bài trí các thánh vị vua và hoàng thái hậu, các vương công hiện đang đặt tại nhà Tiền điện, Hậu điện, hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề cần giải quyết tại các hạng mục gồm: nhà Hộ Quốc, nhà Hậu điện, nhà Tiền điện, nhà Tả vu và hiện vật đá ngoài sân.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, hội thảo đã mang đến một cái nhìn khá toàn diện về sự thay đổi trong bài trí, sắp xếp thờ tự cũng như sự xuất - nhập của đồ thờ tự từ năm 1995 (thời điểm xếp hạng di tích) đến nay. Đồng thời là cơ sở để việc bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất và thờ tự trong di tích quốc gia Thái miếu Nhà Hậu Lê đảm bảo khoa học, tôn nghiêm, linh thiêng và đúng điển lễ thờ phụng, phù hợp với truyền thống.
Bế mạc hội nghị, đồng chí Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cảm ơn những ý kiến thảo luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và đại biểu tham dự hội thảo. Sau hội nghị, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ giao cho Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hoá tiếp thu các ý kiến đề xuất và tổng hợp báo cáo cụ thể, nhằm phát huy hiệu quả giá trị di tích Quốc gia Thái miếu nhà Hậu Lê.
Trước khi diễn ra hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đại biểu tham dự hội thảo đã đến dâng hương tại Thái miếu Nhà Hậu Lê.