Hồi sinh di tích Tàng Thư lâu, một "Tàng kinh các" của Việt Nam dưới Triều Nguyễn
16/03/2021 | 08:13Chiều 15/3, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ khai trương "Không gian Tàng Thư lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn".
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dưới triều vua Nguyễn (1802 -1945), Huế không chỉ là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa, khoa học của cả nước. Triều đình đã thiết lập ở đây rất nhiều thư viện và kho lưu trữ nhằm mục đích xử lý các thông tin liên quan đến việc điều hành quốc sự và lưu trữ tư liệu cho việc sử sách.
Trong số các thư viện, kho lưu trữ có Tàng Thư lâu (hay còn gọi là lầu Tàng Thơ) được vua Minh Mạng (1820 -1840) cho xây dựng vào mùa hè năm 1825 bên trong Kinh thành. Tổng thể kiến trúc Tàng Thư lâu được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Lầu được xây biệt lập trên một hòn đảo hình chữ nhật, chỉ thông với bên ngoài qua một chiếc cầu xây gạch đá ở phía Tây, đây cũng là phía gắn liền với hồ Tịnh Tâm.
Tàng Thư lâu gồm có 2 tầng xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên là nơi lưu trữ sổ sách tư liệu, có 7 gian 2 chái, trổ nhiều cửa chung quanh (7 cửa lớn và 11 cửa sổ), các gian thông thương với nhau bằng 3 lối cửa. Xung quanh xây lan can thông thoáng để không khí luôn lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới của tòa nhà có 11 gian với 18 cửa lớn. Tất cả các gian của Tàng Thư lâu để chứa các tài liệu quan trọng của Triều Nguyễn mà phần lớn đều là tài liệu giấy và mộc bản.
Theo sách "Tàng Thơ Lâu bạ tịch" (1907), tài liệu lưu trữ tại Tàng Thư lâu là các văn kiện ngoại giao quan trọng giữ Việt Nam và Pháp, giữa Việt Nam và triều trình Trung Hoa, văn kiện của Lục Bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công), các ván khắc in sách của triều đình… trong đó số lượng địa bạ rất lớn.
Trải qua thời gian và nhiều biến động lịch sử, Tàng Thư lâu đã bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Công trình cũng không còn giữ được chức năng nguyên thủy mà bị sử dụng vào các mục đích khác. Số tài liệu lưu trữ tại đây cũng bị di chuyển đi nhiều nơi, cả trong nước và thất tán ra nước ngoài.
Nhằm phục hồi lại công trình này, năm 2014, Dự án nghiên cứu, phục hồi lầu Tàng Thơ chính thức được khởi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành, quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế không chỉ có thêm một di sản độc đáo, mà điều quan trọng hơn là Cố đô Huế lại phục hưng được một "Tàng kinh các" danh tiếng, mở ra cơ hội phục hưng các di sản tư liệu vốn dĩ rất phong phú tại đây.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nỗ lực cuối cùng của đội ngũ cán bộ trung tâm không chỉ dừng lại ở việc phục dựng nguyên trạng hình ảnh Tàng Thơ lâu trong quá khứ mà hơn hết là "hồi sinh" một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò của nó như đã từng hiện diện trong lịch sử.
Hiện tại lầu Tàng Thơ lâu đang lưu trữ ba loại hình tư liệu là tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh.
Tại buổi lễ khai trương, trong không gian của Tàng Thư lâu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã giới thiệu đến người dân và du khách về một số nguồn thư tịch của triều Nguyễn./.