Hội nghị - Tập huấn triển khai Nghị định 166 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
19/04/2019 | 14:04Sáng 19/4, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị - Tập huấn trực tuyến triển khai thực hiện các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại 3 điểm cầu Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Hội nghị - Tập huấn tại điểm cầu Hà Nội
Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, đại diện các Ban quản lý di tích, danh thắng, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành phố.
Giới thiệu về Nghị định 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi tắt là Nghị định 166), Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, Nghị định này là Nghị định thay thế cho Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ với một số điều, khoản có sự đổi mới, bổ sung, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động tu bổ di tích.
Có thể kể đến như, việc lập quy hoạch di tích được quy định rõ ràng: Quy hoạch di tích được lập cho một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh tạo thành một quần thể phân bố trong cùng một khu vực địa lý, có mối quan hệ mật thiết về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
Đáng chú ý, trường hợp di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt đồng thời có khu vực bảo vệ là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 01 quy hoạch di tích, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích với bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về lâm nghiệp, thủy sản và quy định pháp luật khác có liên quan.
Liên quan đến việc lập quy hoạch di tích, Nghị định 166 cũng đưa ra quy định mới, theo đó, trường hợp di tích thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, căn cứ vào việc phân bố điểm di tích có giá trị quan trọng, tiêu biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc chọn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì chịu trách nhiệm lập nhiệm vụ lập quy hoạch và quy hoạch di tích đó.
Một nội dung được bổ sung mới trong Nghị định 166 là Khoản 6, Điều 20 về Công bố dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đã được phê duyệt tại di tích trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật được phê duyệt, với các nội dung: Thuyết minh nội dung cơ bản của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật và tổng dự toán kinh phí thực hiện, trừ nội dung có liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật nhà nước; Bản vẽ tổng mặt bằng tu bổ và bản vẽ công trình được tu bổ; Thời gian thực hiện dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích; Tên chủ đầu tư, tên tổ chức lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.
Hội nghị cũng đã được lắng nghe ý kiến thảo luận của đại diện Sở VHTT thành phố Hà Nội, Sở VHTT thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế… về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 166 cũng như góp ý nội dung dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ VHTTDL Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.