Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội diễn Sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2020

07/07/2020 | 10:10

Hội diễn Sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2020; Các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41- CT/TW của Ban Bí thư; Phát hành cuốn sách “Những trận đánh điển hình của quân và dân Hưng Yên trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954) là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

 Hội diễn Sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn: vtv)

Hải Dương: Hội diễn Sân khấu không chuyên tỉnh Hải Dương năm 2020 sẽ được tổ chức trong 02 ngày dự kiến 25 và 26/8/2020, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương (số 8 đường Hồng Quang, thành phố Hải Dương).

Hội diễn được tổ chức nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, lịch sử của đất nước và của tỉnh như: Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2020); chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Từng bước củng cố và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, động viên nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Hội diễn với các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Việt Nam; ca ngợi những thành tựu kinh tế, xã hội trong 5 năm qua (2016-2020) của tỉnh Hải Dương.

Phản ánh cuộc sống lao động của các tầng lớp nhân dân trong việc phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản ánh phong trào" Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhà văn hóa thôn, KDC và các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Tích cực đấu tranh, phê phán những biểu hiện tham nhũng và các tệ nạn xã hội; các hủ tục lạc hậu; phòng chống bạo lực gia đình; củng cố và giữ vững an ninh quốc phòng, an toàn giao thông; bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa quốc gia và địa phương, những vấn đề, sự kiện có tính thời sự nóng bỏng của đất nước và của tỉnh; tạo không khí thi đua sôi nổi, từng bước nâng cao chất lượng của hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

Hội diễn thu hút các diễn viên không chuyên đang sinh hoạt tại các CLB, Đội văn nghệ quần chúng ở các xã, phường, thị trấn đại diện cho 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tham gia, với những tác phẩm sân khấu: kịch nói, chèo, tuồng, cải lương và kịch hát dân ca các miền.

Bắc Ninh: Trong 5 năm qua, các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41- CT/TW của Ban Bí thư, Nghị định số 110/2018/NĐ - CP ngày 29/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội” và của tỉnh về quản lý và tổ chức lễ hội, quản lý di tích, di vật, cổ vật , bảo vật Quốc gia.

Tại các lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, thể hiện lòng thành kính và giáo dục nhân dân nhớ về cội nguồn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, phù hợp với quy định quản lý lễ hội, quy định của nhà nước.

Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian phong phú, độc đáo, đa dạng dưới nhiều hình thức diễn xướng như: hát Ca trù, hát Chèo, hát Trống quân, diễn Tuồng, các trò chơi múa Rối nước, đánh đu, kéo co,... tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân và du khách tham quan lễ hội. Đặc sắc nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với các hình thức sinh hoạt quan họ như hát tại các cửa đình, cửa đền, trong các Nhà chứa Quan họ với nghi thức trang trọng vừa cổ xưa, độc đáo, vừa phong phú, thể hiện phong cách và tài năng ca hát của các nghệ nhân, liền anh, liền chị quan họ. Qua đó, góp phần thiết thực vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung.

Ngoài ra, các cấp, các ngành luôn quan tâm, chỉ đạo đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường ở các lễ hội, đồng thời, có các giải pháp cụ thể đối với từng lễ hội lớn, thu hút đông người và khắc phục những hạn chế, tồn tại về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội như: đổi tiền lẻ, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định; việc khấn thuê, chèo kéo khách. Ban Tổ chức các lễ hội lập các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh kịp thời của nhân dân và du khách; khuyến khích lắp camera trong khu vực di tích nhằm giám sát tốt hơn các hoạt động diễn ra tại di tích, lễ hội ...

Năm 2020, Tỉnh Bắc Ninh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về dừng tổ chức lễ hội trong thời điểm phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid - 19) gây ra. Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội ở các địa phương được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng định hướng của Trung ương, của tỉnh, phù hợp với các quy định của nhà nước. Sự vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo cho công tác tổ chức lễ hội luôn được triển khai trang trọng, tiết kiệm, văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường diễn ra ở một số lễ hội, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo lớn cơ bản được khắc phục.

Hưng Yên: Ngày 6/7, Bộ CHQS tỉnh phát hành cuốn sách “Những trận đánh điển hình của quân và dân Hưng Yên trong thời kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954)”.

Cuốn sách được in trên khổ giấy 14,5X20,5cm gồm 340 trang in chữ và 17 trang sơ đồ. Cuốn sách viết theo loại hình chiến lệ quân sự có 22 chương, trong đó giới thiệu 19 trận đánh và 3 cách đánh tiêu biểu của quân và dân Hưng Yên trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Trong mỗi trận đánh được giới thiệu từ đặc điểm tình hình đến chủ trương và tổ chức của ta; diễn biến, kết quả, ý nghĩa trận đánh, rút ra những ưu điểm, khuyết điểm và kinh nghiệm thực tiễn; phần cuối mỗi trận đánh giới thiệu sơ đồ các trận đánh.

Cuốn sách đã phản ánh chân thực, khách quan, sinh động về những trận đánh điển hình của quân và dân Hưng Yên, khẳng định sự thông minh, tài trí, sáng tạo mang phong cách và bản sắc riêng của Hưng Yên, góp phần xoay chuyển tình thế chiến lược và đóng góp lớn vào kho tàng nghệ thuật quân sự của cả nước. Đây là nguồn tư liệu chính thống góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của các thế hệ quân và dân Hưng Yên hôm nay và mai sau.


Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×