Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre: Góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa

15/01/2018 | 10:41

Là hạt nhân nòng cốt vận động nhân dân giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa (DSVH) truyền thống, phục hồi các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một… Nhiều năm qua, Hội DSVH tỉnh Bến Tre đã có những đóng góp thiết thực trong việc gìn giữ và làm phong phú thêm cho DSVH tỉnh nhà.

Hội viên biểu diễn hát sắc bùa Phú Lễ.

Hội được thành lập vào tháng 9-2012, đến nay có 15 chi hội trực thuộc với 287 hội viên. Thành lập hội đã khó, để duy trì hoạt động tốt càng khó hơn. Điều cơ bản giúp cho hội duy trì và làm được nhiều việc có lẽ không gì khác là sự tâm huyết với DSVH của Ban Chấp hành và các hội viên, hoạt động tự nguyện “hết sức, hết mình” trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH.

Giữ gìn di sản

Đề cập về hoạt động hội, ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: “Hội DSVH tỉnh là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tự thu chi, hoạt động tự nguyện trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH. Hội đã ra đời được 5 năm và đã gặp không ít khó khăn so với các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác của tỉnh. Ban Chấp hành Tỉnh hội đã có nhiều giải pháp không chỉ đưa tổ chức hội ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng mà còn vận dụng chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bằng nhiều hình thức khác nhau. Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả hoạt động của hội thời gian qua”. Theo ông Trương Quốc Phong, một trong những hoạt động nổi bật của hội là liên kết sưu khảo, biên soạn xuất bản các ấn phẩm văn hóa như: Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian, Nguyễn Văn Trung - Cuộc đời và sự nghiệp, Nhạc lễ tỉnh Bến Tre, Diễn xướng sắc bùa Phú Lễ

Ngoài ra, phải kể đến việc hội tham gia thực hiện các bộ hồ sơ về DSVH phi vật thể quốc gia: Lễ hội Nghinh Ông (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) và hát sắc bùa Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri). Chỉ nói riêng về DSVH phi vật thể Hát sắc bùa Phú Lễ - một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, tồn tại trên 100 năm hiện đang có nguy cơ mai một cao đã được Hội DSVH ra sức phục hồi, gầy dựng phát triển lại, đóng góp tích cực cho bộ hồ sơ, tư liệu về giá trị DSVH Hát sắc bùa Phú Lễ và đã được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Đây là loại hình nghệ thuật không chỉ được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, mà các ngành, các cấp ở địa phương cũng rất quan tâm bởi tính mai một nếu không kịp thời bảo giữ, kế thừa. Hiện nay, ngoài việc hội đã tạo điều kiện cho các chi hội duy trì hoạt động giao lưu nghệ thuật đờn ca tài tử định kỳ vào đêm 30 hàng tháng, còn lồng ghép trình diễn Hát sắc bùa Phú Lễ giới thiệu đến công chúng trong và ngoài tỉnh.

Tích cực trong công tác

Ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch Hội DSVH tỉnh cho biết: “Sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy trong hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, hội và các tổ chức trực thuộc hội đã có bước chuyển mới trong hoạt động tác nghiệp lẫn công tác phát triển hội viên. Các câu lạc bộ sở thích lần lượt ra đời, nhiều chi hội chuyên sâu được thành lập và trên cơ sở xác định “mỗi cá nhân vừa là một cây di sản, vừa là chủ sở hữu của di sản”, công tác phát triển hội viên được mở rộng sang nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, sức lan tỏa của tổ chức hội ngày càng sâu rộng”.

Chi hội DSVH Bảo tàng là một trong những chi hội được Tỉnh hội đánh giá hoạt động rất tích cực trong việc góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH. Cô Phạm Thị Lan - Chủ tịch Chi hội DSVH Bảo tàng chia sẻ: Chi hội hiện có 40 hội viên. Chi hội đã phát huy thế mạnh chuyên môn nghiệp vụ của hội viên ở các lĩnh vực như: bảo tàng, kiến trúc, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp và các hiệp hội làng nghề truyền thống… nhờ đó, hoạt động của chi hội đa dạng và phong phú. Ngoài hoạt động giới thiệu trưng bày chuyên đề (như: Đảng là niềm tin tất thắng, Nét đẹp văn hóa Bến Tre…) còn có các hoạt động tuyên truyền giới thiệu DSVH trên các phương tiện báo chí, phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề; hoạt động hành trình di sản với các chuyến về nguồn… “Bên cạnh sự quan tâm của Tỉnh hội, phải nói đến sự nỗ lực của chi hội và nhất là sự hòa quyện giữa trách nhiệm và năng lực chuyên môn với hoạt động hội của các hội viên. Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chi hội Bảo tàng đạt kết quả cao” - cô Lan đúc kết.

Hay như Chi hội DSVH Khu di tích thảm sát Cầu Hòa (xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) cũng là chi hội đã và đang “ăn nên làm ra” với nhiều kết quả và sự tiến triển tốt đẹp. Ông Huỳnh Hữu Thiện - Chủ tịch Chi hội bày tỏ: Chi hội hiện có 34 hội viên, hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Đờn ca tài tử, nhạc lễ - học trò lễ, thành viên Ban khánh tiết Đình Thần, Ban phụng tự Khu di tích thảm sát Cầu Hòa, Hội Sinh vật cảnh, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức, thành viên đội hát sắc bùa… Trong đó, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử có sự tham gia của nhiều hội viên, hoạt động thường xuyên, là lực lượng nòng cốt trong các chương trình sinh hoạt định kỳ, các hoạt động giao lưu hay phục vụ lễ hội tại địa phương (bình quân có 25 cuộc/năm). Hay như đội nhạc lễ và học trò lễ là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động lễ hội cổ truyền tại địa phương; có 4 thành viên tham gia Câu lạc bộ Hát sắc bùa trực thuộc Tỉnh hội thường tập luyện và mở rộng thu hút nhiều người tham gia…

Theo báo Đồng Khởi

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×