Đặt câu hỏi, góp ý

+ Đặt câu hỏi

Danh sách câu hỏi và câu trả lời

Độc giả: Nguyễn Lan Nhi
18/01/2022

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 18 - Luật Điện ảnh, tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để sản xuất phim và cung cấp dịch vụ sản xuất phim đều phải thực hiện theo đúng Giấy phép của Bộ VH-TT & DL. Đồng thời, tại Danh mục I kèm theo Quyết định số 3978 /QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định về Thủ tục cấp giấy phép cho tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Vậy, tôi muốn hỏi: Q1: 2 công ty vốn Việt Nam hợp tác để sản xuất phim có cần xin Giấy phép cho tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim (được quy định tại QĐ 3978/QĐ-BVHTTDL) hay không? Q2: Nếu không cần Giấy phép nêu tại Q1, Giấy phép của Bộ VHTTDL được đề cập tại Điều 18 - Luật điện ảnh cho 2 doanh nghiệp trong nước hợp tác sản xuất phim là Giấy phép gì? Xin cảm ơn

Trả lời:

Cục Điện ảnh trả lời như sau:

          Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất phim khi hợp tác sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Luật Điện ảnh 2006 quy định:

          Điều 18. Quyềnnghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất phim

2. Hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim; việc hợp tác, liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim phải thực hiện đúng nội dung giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin.

3. Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện đúng nội dung giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Trả lời câu hỏi 1: Căn cứ quy định của Luật, doanh nghiệp (công ty) không cần xin giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp hai (hoặc nhiều) doanh nghiệp có vốn từ nhà đầu tư Việt Nam hợp tác để sản xuất phim.

Trả lời câu hỏi 2: Quyết định số 3978/QĐ-BVHTTDL ngày 21/9/2021 của Bộ VHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa năm 2020 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quy định thủ tục hành chính cấp phép đối với tổ chức trong nước hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, không quy định cấp phép cho hai (hoặc nhiều) doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hợp tác sản xuất phim.

18/01/2022 08:28

Độc giả: HỒ THỊ MỸ HẠNH - 29 Bình Than
20/12/2021

Dear Ban lãnh đạo! Bản thân tôi là giám đốc của một công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tôi đã đọc qua về nghị định 94/2021/NĐ-CP và liên hệ với ngân hàng ký quỹ để yêu cầu được rút 80 phần trăm tiền ký quỹ của công ty, nhưng ngân hàng yêu cầu bên công ty phải có văn bản của cơ qua cấp giấy phép lữ hành quốc tế về việc yêu cầu rút ký quỹ, vậy tôi cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ theo form mẫu nào và có thể tìm kiếm các thông tin văn bản liên quan tại chổ nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban lãnh đạo, tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Tổng cục Du lịch có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 28 tháng 10 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành (Nghị định số 94). Theo đó, tại khoản 2 Điều 2, Nghị định số 94 thì Ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm "Thu hồi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đã cấp cho doanh nghiệp, cấp mới Giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mức ký quỹ quy định tại Điều 1 Nghị định này và hoàn trả số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Nghị định này cho doanh nghiệp kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực" và tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 94 đã nêu rõ: "Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 có thể đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức quy định tại Điều 1 Nghị định này và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi".

Vì vậy, doanh nghiệp khi có nhu cầu rút 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành thì liên hệ với Ngân hàng nhận ký quỹ để được hướng dẫn đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ và nhận lại số tiền chênh lệch so với mức ký quỹ quy định tại Nghị định số 94. Cơ quan cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành không ban hành văn bản đề nghị Ngân hàng giải tỏa ký quỹ cho doanh nghiệp trong trường hợp này.   - Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trước tác động của đại dịch COVID – 19, ngày 18/11/2021 Tổng cục Du lịch đã có Công văn số 1676/TCDL-LH gửi Sở quản lý du lịch các địa phương đề nghị các Sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn biết và thực hiện các nội dung tại Nghị định số 94; ngày 19/11/2021, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 4325/BVHTTDL-TCDL về việc triển khai Nghị định số 94/2021/NĐ-CP gửi Ngân hàng nước Việt Nam phối hợp chỉ đạo đến các Ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quán triệt triển khai Nghị định số 94/2021/NĐ-CP, trong đó đề nghị các Ngân hàng công khai hướng dẫn về giấy tờ cần thiết doanh nghiệp phải nộp cho ngân hàng để được đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mức quy định tại Điều 1 Nghị định số 94/2021/NĐ-CP; ngày 07/1/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn số 8605/NHNN-PC về việc triển khai thi hành Nghị định số 94/2021/NĐ-CP gửi các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng hợp tác xã, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc thực hiện trách nhiệm được giao tại Nghị định 94/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn số 4325/BVHTTDL-TCDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Có văn bản gửi kèm)

20/12/2021 08:53

Độc giả: Trần Thị Nhung
17/12/2021

anh/chi cho em hỏi: đơn vị em là khu di tích quốc gia, hiện đang có dự án khu nghiệp hình thành cách khu di tích khoảng 1,5km. Xin quý anh chị cho e xin thông tin, văn bản hướng dẫn xem có ảnh hưởng gì đến di tích không ạ ? e xin trân trọng cảm ơn.

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu, Cục Di sản văn hóa có ý kiến như sau:

Trả lời

- Điều 36 Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

"1. Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm đ ịnh bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều này có đề nghị thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan và những yêu cầu cụ thể về bảo vệ di tích để chủ đầu tư lựa chọn các giải pháp thích hợp bảo đảm cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích".

- Điều 15 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định:

"Thẩm quyền thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích

Khi thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt".

Vì vậy, đề nghị Bạn báo cáo cơ quan chức năng căn cứ vào các quy định nêu trên thực hiện việc khảo sát, đánh giá tác động của dự án khu công nghiệp (vị trí, quy mô, tính chất, tác động môi trường...) đến di tích, xem xét sự cần thiết lấy ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa

17/12/2021 20:26

Độc giả: Đức Thị Thực - Sơn Đồng Hoài Đức Hà Nội
17/12/2021

Kính gửi : Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Cục Di sản Tôi xin hỏi Bộ một việc như sau: Tôi là Đức Thị Thực – năm 2018 tôi thành lập CÔNG TY TNHH và tôi là giám đốc. Sau đó tôi đăng ký với Sở văn hoá thể thao Hà Nội và được cấp giấy chứng nhận hành nghề di tích: Thi công di tích, Tư vấn lập báo cáo KTKT di tích, giám sát thi công Năm 2019 - tôi được Hội đồng quản trị cử ra đứng đại diện pháp luật ( Giám đốc ) cho một công ty CỔ PHẦN . Công ty cổ phần này được thành lập từ 2010 và được Bộ Văn hoá cấp giấy chứng nhận hành nghề lĩnh vực Gíám sát di tích (hết hạn ngày 29/6/2021). Sau khi hết hạn Hội đồng quản trị công ty CỔ PHẦN đã họp và biểu quyết tiếp tục đề nghị cấp lại giấy chứng nhận hành nghề . Công ty CỔ PHẦN đã gửi hồ sơ lên sở VĂn hoá Thể Thao Hà Nội xin cấp lại giấy chứng nhận hành nghề lĩnh vực Giám sát Di tích (do hết hạn ) thì Sở Văn hoá Thể thao hà Nội trả lại hồ sơ nói là không đủ điều kiện để cấp. Lý do là tôi đứng giám đốc của 2 Công ty TNHH và CỔ PHẦN Vậy cho tôi hỏi là trường hợp công ty CỔ PHẦN do tôi được cử ra đứng đại diện có được cấp lại giấy chứng nhận hành nghề không ? Nếu không được cấp lại thì lý do gì và căn cứ vào quy định nào? Ghi chú: Công ty CỔ PHẦN và công ty TNHH đã được sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và mô hình hoạt động của 2 loại công ty là hoàn toàn khác nhau. Xin trân trọng cảm ơn ! Số điện thoại liên hệ: 0243999.6666

Trả lời:

Cục Di sản văn hóa có ý kiến như sau:

Trả lời

-  Điều 36 Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

"1. Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm đđnh bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều này có đề nghị thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan và những yêu cầu cụ thể về bảo vệ  di tích để chủ đầu tư lựa chọn các giải pháp thích hợp bảo đảm cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích".

- Điều 15 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa  đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định:

"Thẩm quyền thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích

Khi thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt".

Vì vậy, đề nghị Bạn báo cáo cơ quan chức năng căn cứ vào các quy định nêu trên thực hiện việc khảo sát, đánh giá tác động của dự án khu công nghiệp (vị trí, quy mô, tính chất, tác động môi trường...) đến di tích, xem xét sự cần thiết lấy ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

17/12/2021 20:18

Độc giả: Hồ Thị Thanh Thủy - 17 Trần Hưng Đạo TPPleiku tỉnh Gia Lai
08/12/2021

Tôi xin hỏi nội dung như sau: Tại khoản 2 Điều 11 của TTLT số 10/2015 quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Diễn viên hạng IV - Mã số: V.10.04.15 là phải "Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh. Trường hợp không đào tạo qua các trường chuyên nghiệp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật do cơ quan có thẩm quyền cấp.". Hỏi hiện nay Sở VHTTDL GIa Lai đang tuyển dụng vị trí này mà chỉ có Giấy chứng nhận của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cấp, có sử dụng được trong công tác tuyển dụng ko? (thời gian tham gia tập huấn lớp biên đạo múa phong trào từ ngày 01/4 đến ngày 14/4/2019). Trân trọng.

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan có liên quan, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:

Chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật do cơ quan có thẩm quyền cấp quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh là chứng chỉ được cấp theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Hiện nay, không có quy định Giấy chứng nhận tham gia tập huấn lớp biên đạo múa phong trào của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cấp được sử dụng để thay thế Chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật do cơ quan có thẩm quyền cấp (quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BVHTTDLBNV nêu trên) trong công tác tuyển dụng.

08/12/2021 08:18

Độc giả: Phạm Văn Anh - Hà Nội
07/12/2021

Kính gửi Quý Bộ, Hiện nay doanh nghiệp của tôi đang dự định tiến hành sản xuất cả video, phim hoạt hình và có nhu cầu phổ biến những video, đoạt phim nay trên các Kênh youtube và trang web của chúng tôi và phát hành bằng hình thức bán các file video cho đơn vị khác. Theo như quy định của Luật điện ảnh thì việc phát hành và phổ biến phim cần phải xin giấy phép phát hành phim và giấy phép phổ biến phim tại Sở văn hóa thể thao và du lịch. Tuy nhiên, với các giấy phép trên chỉ áp dụng với trương hợp phổ biến tại Rạp (cố định hoặc lưu động) và phát hành bản cứng (băng, đĩa ghi hình) ... Như vậy, tôi muốn hỏi các câu hỏi như sau: 1. Đối với giấy phép sản xuất phim chúng tôi chỉ cần xin giấy phép 1 lần tại Sở Văn hóa thể thao và du dịch có đúng không? và Điều kiện để cấp giấy phép sản xuất phim là gì? 2. Đối với hoạt động phát hành và phổ biến phim trên các trang web, các kênh Youtube thì cũng tôi có phải xin giấy phép phát hành, phổ biến phim hay không? Và việc xin giấy phép Phát hành phim và giấy phép Phổ biến phim là xin 01 lần cho tất cả các phim được chúng tôi sản xuất hay xin 01 lần với mỗi phim?

Trả lời:

Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến trả lời như sau:

1. Đối với giấy phép sản xuất phim chúng tôi chỉ cần xin giấy phép 1 lần tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du dịch có đúng không? và Điều kiện để cấp giấy phép sản xuất phim là gì?

Trả lời:

- Căn cứ khoản 5 Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020 trong đó quy định "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12 và Luật số 35/2018/QH14 như sau: a) Bãi bỏ Điều 14, Điều 15 và khoản 3 Điều 30;"

- Theo mục 192 của Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020, sản xuất phim không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- Căn cứ Quyết định số 1258/QĐ-BVHTTDL ngày 08/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực điện ảnh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tục hành chính cấp trung ương mang mã số 1.003909 "Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim" đã được bãi bỏ.

Vì vậy, sản xuất phim không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không cần thực hiện xin Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước.

2. Đối với hoạt động phát hành và phổ biến phim trên các trang web, các kênh Youtube thì chúng tôi có phải xin giấy phép phát hành, phổ biến phim hay không? Và việc xin giấy phép Phát hành phim và giấy phép Phổ biến phim là xin 01 lần cho tất cả các phim được chúng tôi sản xuất hay xin 01 lần với mỗi phim?

Trả lời:

 Căn cứ Điều 36 Luật Điện ảnh năm 2006: "Phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh, quy định Việc phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan".

Căn cứ khoản 3 Điều 33 Luật Điện ảnh sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009: "Quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc cơ sở chiếu phim, quy định Tổ chức chiếu phim có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc đã có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình." Vì vậy, hoạt động phổ biến phim trên các trang web, các kênh Youtube thực hiện theo Luật Điện ảnh. Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thẩm định và cấp Giấy phép phổ biến phim đối với từng bộ phim do cơ sở sản xuất/phát hành trình duyệt.

07/12/2021 10:52

Độc giả: nguyễn phúc Đức - Vũ lạc thành phố thái bình
01/12/2021

Việc các nghệ sỹ việt thường xuyên kêu gọi quyên góp tiền từ thiện mà không sao kê minh bạch cho công chúng biết liệu có vị phạm pháp luật không? Nếu họ kiên quyết không sao kê rõ ràng thì bên bộ văn hoá thể thao du lịch có biện pháp gì để xử lý.

Trả lời:

Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:

Ngày 27 tháng 10 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, văn bản này quy định cụ thể các nội dung liên quan đến câu hỏi của bạn đọc.

Thực tế hiện nay, bằng uy tín cá nhân của mình, một số nghệ sỹ người Việt Nam kêu gọi quyên góp tiền từ thiện để giúp đỡ cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Người nhận quyên góp có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, công khai, không được lợi dụng việc quyên góp để tư lợi. Người quyên góp tin tưởng vào uy tín của nghệ sỹ để quyên góp, do vậy đây là mối quan hệ dân sự giữa hai bên. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý chuyên ngành văn hóa, thực hiện theo quy định của pháp luật về văn hóa. Các trường hợp quyên góp tiền từ thiện là quan hệ dân sự, nếu vi phạm, tùy theo mức độ sẽ được xử lý theo pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan. Pháp luật về văn hóa hiện nay chưa quy định các hoạt động ngoài chuyên môn của nghệ sỹ, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính toàn diện khi điều chỉnh các hoạt động liên quan đến văn hóa nghệ thuật.

Để khuyến khích và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt trong việc nghệ sỹ tham gia hoạt động quyên góp tiền từ thiện, quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay đang hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để người tham gia hoạt động nghệ thuật cẩn trọng hơn, trách nhiệm hơn trong hoạt động của mình với xã hội.

01/12/2021 15:17

Độc giả: Trần Anh Huy - Đồng Tháp
18/06/2020

Căn cứ Kế hoạch tuyển dụng viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện, ngoài tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn phù hợp, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định thì còn có chứng chỉ bồi dưỡng Hạng chức danh nghề nghiệp (ví dụ như: chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Huấn luyện viên Hạng III, hướng dẫn viên hạng IV, kế toán viên, ...), mà chứng chỉ này hiện nay chưa được đào tạo phổ biến, đặc biệt sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Vậy cho tôi hỏi: Trong tuyển dụng viên chức có bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn Hạng chức danh nghề nghiệp hay không? Nếu không có thì có cho nợ và bổ sung sau khi trúng tuyển hay không? Tôi đang có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên viên và chứng chỉ bồi dưỡng nâng cao kiến thức huấn luyện viên thể thao (do trường Đại học TDTT TPHCM cấp) thì có được xem xét để thay thế chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Huấn luyện viên Hạng III hay không? Rất mong quý cơ quan giải đáp, hướng dẫn. Xin cám ơn quý cơ quan!

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn Trần Anh Huy, ngày 15 tháng 6 năm 2020 Tổng cục Thể dục thể thao có văn bản số 720/TCTDTT - TCCB  trả lời như sau:

1. Trong tuyển dụng viên chức, điều kiện phải có chứng chỉ bồi dưỡng hạng chức danh nghề nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với một số chức danh cụ thể, được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng. Đối với viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao, cụ thể là chức danh nghề nghiệp Huấn luyện viên (Hạng III) được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 17/10/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh viên chức ngành Thể dục thể thao, về tiêu chuẩn đào tạo, trình độ bồi dưỡng như sau: "Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chức danh huấn luyện viên (hạng III) (trừ trường hợp là cử nhân chuyên ngành huấn luyện thể thao)". Do vậy, trong tuyển dụng chức danh huấn luyện viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chức danh huấn luyện viên (Hạng III).

2. Căn cứ Kế hoạch tuyển dụng viên chức của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức sẽ cho phép thí sinh tham gia thi tuyển có được quyền nợ chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không và thí sinh sẽ phải cam kết hoàn thiện chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn Hạng chức danh nghề nghiệp trong thời gian tập sự nếu trúng tuyển.

3. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV về tiêu chuẩn đào tạo, trình độ bồi dưỡng đã nêu ở trên, chứng chỉ bồi dưỡng chuyên viên và chứng chỉ bồi dưỡng nâng cao kiến thức huấn luyện viên thể thao (do trường Đại học TDTT TPHCM cấp) không được xem xét để thay thế chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Huấn luyện viên (HạngIII).

Ngày 23/11/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4062/QĐ-BVHTTDL về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, theo đó hiện nay có 03 đơn vị là: Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng và Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ tổ chức giảng dạy và cấp chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Thể dục thể thao (gồm Huấn luyện viên Hạng I, II, III và Hướng dẫn viên Hạng IV) theo nội dung chương trình bồi dưỡng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Trân trọng./.

18/06/2020 10:50

Độc giả: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận - 86 Trần Hưng Đạo Tp Phan Thiết Tỉnh Bình Thuận
10/02/2020

Về việc có ý kiến về thời gian giải quyết TTHC theo Quyết định số 991/QĐ-BVHTTDL ngày 19/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thể dục, thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Trả lời:

Trả lời phản ánh, kiến nghị của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, Tổng cục Thể dục, Thể thao có văn bản số 596/TCTDTT-VP trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 38 Luật Thể dục, thể thao (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao), "Giải thi đấu, trận thi đấu do liên đoàn thể thao quốc gia hoặc liên đoàn thể thao quốc tế tổ chức hoặc đăng cai tổ chức" thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện trình tự, thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao được quy định tại Điều 40 Luật Thể dục, thể thao (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao).

Tại Quyết định số 991/QĐ-BVHTTDL ngày 19/3/2019 về việc công bố thủ tục hành chính mới được ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thể dục, thể thao thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được xây dựng trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, theo đó tại Phần II mục B thủ tục hành chính cấp tỉnh đã quy định: "Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định tổ chức giải thể thao; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do".

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Một cửa (bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính), ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính thống nhất thực hiện tại địa phương.

Trân trọng./.

10/02/2020 15:29

Độc giả: Phạm Văn Hiệp - Tổ 15 Hòa Quý Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng Phường Hoà Quý Quận Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng
16/01/2020

Về giấy tờ mà hướng dẫn viên phải mang theo khi hành nghề hướng dẫn viên du lịch?

Trả lời:

Trả lời phản ánh, kiến nghị của Ông Phạm Văn Hiệp về giấy tờ mà hướng dẫn viên phải mang theo khi hành nghề hướng dẫn, Tổng cục Du lịch có văn bản số 1747/TCDL-LH trả lời như sau:

1. Về các loại giấy tờ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo khi hành nghề hướng dẫn du lịch

Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch bao gồm:

- Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;

- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa;

- Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch, hướng dẫn viên du lịch có nghĩa vụ sau: "Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài".

Như vậy, khi hành nghề hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa (không phân biệt hướng dẫn viên có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hay với doanh nghiệp dung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch) phải mang theo: (1) Giấy tờ phân công nhiệm vụ; (2) Chương trình du lịch.

2. Về hình thức các loại văn bản, giấy tờ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo khi hành nghề hướng dẫn du lịch

Theo quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại: "Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật";

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Thương mại: "Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu giữ bằng phương tiện điện tử";

Theo quy định tại Điều 12 Luật Giao dịch điện tử: "Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết".

Như vậy, giấy tờ hướng dẫn viên phải mang theo có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức như bản viết, bản in, điện báo telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Luật Du lịch không quy định văn bản, giấy tờ mang theo phải đóng dấu đỏ. Tuy nhiên, hướng dẫn viên phải chứng minh giấy tờ mang theo là của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch.

Trân trọng./.

16/01/2020 09:26