Độc giả: Nguyễn thị Xuân bách - Trường tiểu học Tây đằng b
04/10/2022
Theo thông tư mới 02/2022/TT-BVHTTDL thì bằng của lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của cua Tôi học từ ngày 14/5/2022 đến 29/7/2022 và có ngày cấp là 11/8/2022 như thế khoá học của chúng tôi có hiệu lực không? Và có dùng được để xét nâng hạng 3 ngành thư viện về sau không ạ. Tôi đang rất băn khoăn nên rất mong có được câu trả lời. Vì trong thông tư ghi: Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện theo quy định tại Thông tư này. VÀ ngày 1/7/2022 BVHTTDL có văn bản 2347/BVHTTDL-TCCB V/c tạm dừng các khoá bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức .
Trả lời:
Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện (Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL) quy định chuyển tiếp về việc viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TTBVHTTDL.
Như vậy, chỉ những viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện (theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP) trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2022/TTBVHTTDL nêu trên.
04/10/2022 14:51
Độc giả: Nguyễn Bảo Phương - Thư viện Khoa học xã hội
30/09/2022
Tôi muốn hỏi về chế độ phụ cấp độc hại, bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức thư viện viên hạng II công tác tại Thư viện Khoa học xã hội trong trường hợp cụ thể như sau: Viên chức thuộc Phòng Công tác bạn đọc & nghiên cứu nghiệp vụ thư viện và được phân công công tác chuyên trách nghiên cứu nghiệp vụ thư viện. Viên chức làm việc trực tiếp trong kho lưu trữ và trưng bày tài liệu của thư viện, công tác nghiên cứu thường xuyên tiếp xúc với tài liệu. Trong trường hợp như trên, viên chức được hưởng mức phụ cấp nào?
Trả lời:
Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau:
Theo quy định tại Mục II Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21 tháng 02 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin, viên chức hiện đang trực tiếp làm các nghề, công việc mà có yếu tố độc hại, nguy hiểm cao hơn bình thường (kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của thư viện; tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện) chưa được tính vào hệ số lương, được phụ cấp độc hại, nguy hiểm mức 2, hệ số 0,20 so với lương tối thiểu (lương cơ sở).
30/09/2022 12:11
Độc giả: Nguyễn Lê Phương - Số 1 Liễu Giai Ba Đình Hà Nội
27/09/2022
Tôi là viên chức thư viện viên hạng II, công tác tại một thư viện chuyên ngành tại Hà Nội. Phòng làm việc của tôi là Phòng Công tác bạn đọc - Nghiên cứu nghiệp vụ thư viện. Tôi được phân công chuyên trách nghiên cứu nghiệp vụ thư viện, phòng làm việc đặt trong kho sách, công việc có tiếp xúc với sách để xử lý nội dung (giới thiệu nội dung...) và xử lý kỹ thuật (chụp ảnh, mô tả tài liệu...). Như vậy tôi có được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin không?
Trả lời:
Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau:
Theo quy định tại Mục I và Mục II Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21 tháng 02 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin (Thông tư số 26/2006/TTBVHTT), đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật, gồm: cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trong ngành văn hóa - thông tin hưởng lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, hiện đang trực tiếp làm các nghề, công việc mà có yếu tố độc hại, nguy hiểm cao hơn bình thường (kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của thư viện; tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện) chưa được tính vào hệ số lương.
Như vậy, nếu bạn đang trực tiếp làm các công việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT thì được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật.
27/09/2022 09:40
Độc giả: Vũ Công Châu - Thư viên tỉnh Lai Châu
12/09/2022
Theo mục 2, Điều 11 của Số: /2022/TT-BVHTTDL quy định 2. Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện theo quy định tại Thông tư này. Hiện nay tôi có Bằng cao đẳng ngành khác, chứng chỉ bồi dưỡng Thư viện học cơ sở do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cấp năm 2007. Hiện tôi chưa được xếp vào chức danh Thư viện viên. Nay tôi muốn được xếp vào ngạch Thư viện viên hạng IV thì có cần học thêm chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện nữa không? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau:
Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện (Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL) quy định chuyển tiếp đối với viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30/6/2022.
Để được xếp vào ngạch Thư viện viên hạng IV, bạn phải đáp ứng quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Thư viện viên hạng IV tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL. Theo đó, nếu bạn đáp ứng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 (Trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp), bạn cần phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 là có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện
12/09/2022 11:03
Độc giả: Duy Phong Lê - 446 Phạm Văn Chiêu
13/07/2022
Tôi muốn hỏi về thủ tục và cách thức đăng ký giám định cổ vật như thế nào ?
Trả lời:
Cục Di sản văn hóa xin trả lời như sau:
Thủ tục yêu cầu giám định cổ vật được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 22/2011/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật, cụ thể:
"1. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ yêu cầu giám định cổ vật đến cơ sở giám định cổ vật. Hồ sơ yêu cầu giám định gồm có:
a) Văn bản yêu cầu giám định cổ vật (theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Ảnh hiện vật: 01 ảnh tổng thể và 01 ảnh đặc tả chi tiết (ảnh màu, từ cỡ 9cm x 12cm trở lên), có chú thích đầy đủ;
c) Tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hiện vật và các tài liệu liên quan đến hiện vật (nếu có)".
2. Cơ sở giám định cổ vật tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giám định, tiến hành dự toán chi phí giám định, thỏa thuận và thực hiện ký kết Hợp đồng giám định cổ vật với tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định, trừ trường hợp từ chối thực hiện việc giám định quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Cơ sở giám định cổ vật từ chối thực hiện giám định cổ vật trong các trường hợp sau:
a) Không đáp ứng yêu cầu thực hiện việc giám định;
b) Hiện vật giám định có nguồn gốc không hợp pháp;
c) Các tài liệu liên quan đến hiện vật giám định do tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định. Việc từ chối thực hiện giám định phải được thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định biết.
4. Việc giao, nhận hiện vật trước khi giám định và sau khi giám định phải được lập thành biên bản (theo Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
13/07/2022 11:14
Độc giả: Nguyễn phước Lợi - 283 Nguyển Nhữ Lãm P Phú thọ Hòa Q Tân phú TP HCM
28/04/2022
Kính gởi: Bộ văn hóa thể thao và Du Lịch. Công ty Cồ Phần khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc. Địa chỉ: Khu Du lịch Sinh thái Biển Bãi Bắc - Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà - Đà Nẵng. Chúng tôi có nhâp khẩu lô hàng tranh ảnh về để trưng bày trong resort. Hàng cập Sân Bay Tân Sơn Nhất - Và chúng tôi sẽ làm thủ tục Hải Quan tại Chi Cục HQ Sân Bay TSN - TP.HCM. Vậy chúng tôi phải xin giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh tại Sở Văn hóa thề thao TP. HCM hay Sở Văn hóa thề thao TP Đà Nẵng. P/S: Chúng tôi đả xin tại Sở VHTT TPHCM nhưng TP HCM trả lời là xin ở TP Đà Nẵng, và cũng đã xin ở Sở VHTT TP Đà Nẵng thì được trả lời là xin ở TP.HCM Trân trọng
Trả lời:
Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm có ý kiến trả lời như sau:
Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 22/2018/TTBVHTTDL ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2012/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh.
Theo thông tin do bạn đọc cung cấp thì Công ty Cổ phần Khu Du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (địa chỉ: Khu Du lịch sinh thái biển Bãi Bắc, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh đến cơ quan nhà nước theo thẩm quyền: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng.
Đề nghị Công ty Cổ phần Khu Du lịch sinh thái biển Bãi Bắc thực hiện đúng các quy định về nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh và các quy định khác có liên quan.
28/04/2022 08:40
Độc giả: Đinh Ánh Tuyết - Bảo tàng Nghệ An Khối 3 phường Cửa Nam TP Vinh Nghệ An
14/04/2022
Kính gửi : Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Tôi xin hỏi : Theo Quy định mới của Thông tư số 16/2021/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên nghành Di sản văn hóa có hiệu lục từ ngày 5/2/2022. Anh chị cho hỏi muốn nâng ngạch lương từ Di sản viên hạng II lên hạng II ( đã đủ các tiêu chí quy định) thì phải thi hay được xét nâng hạng? Năm nay 2022 Bộ có tổ chức thi hay xét nâng hạng đối với Di sản viên hạng III lên hạng II không ạ?.
Trả lời:
Vụ Tổ chức cán bộ có ý kiến như sau:
1. Theo quy định mới của Thông tư số 16/2021/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa (có hiệu lực từ ngày 05/02/2022), muốn nâng ngạch lương từ Di sản viên hạng III lên hạng II (đã đủ các tiêu chí quy định) thì phải thi hay được xét nâng hạng?
Trả lời: Tại Thông tư 10/2019/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và mỹ thuật, Điều 4 quy định xác định các trường hợp áp dụng hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa, theo đó "Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III (mã số V.10.05.17) được đăng ký dự thi thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II ((mã số V.10.05.16).
2. Trong năm 2022, Bộ có tổ chức thi hay xét nâng hạng đối với Di sản viên hạng III lên hạng II không?
Trả lời: Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, tại khoản 2, Điều 33 quy định phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực sự nghiệp: "2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II, sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung đề án và chỉ tiêu thăng hạng".
Năm 2022, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch không có kế hoạch tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
14/04/2022 08:28
Độc giả: võ Xuân Hòa - CT15 Giang Biên Long Biên Hà Nội
29/03/2022
Dự thảo luật điện ảnh quy định như thế nào để hạn chế việc lạm dụng các hình ảnh sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, rượu bia trong các phim. Trong báo cáo đánh giá tác động của Luật đã đánh giá nhưng tác động của Luật điện ảnh mới đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em chưa? Cảm ơn
Trả lời:
Cục Điện ảnh có ý kiến như sau:
- Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định tại Điều 26. Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim như sau: Việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim được thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Các nội dung liên quan đến sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, rượu bia trong phim hiện đang được điều chỉnh tại Luật Quảng cáo; Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Điều 4 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Thông tư số 25/2018/TT-BVHTTDL ngày 30/8/2018 quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Trong nội dung của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều quy định thể hiện sự quan tâm và điều chỉnh đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em như:
+ Nhà nước có chính sách Sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam và có chính sách Phát hành, phổ biến phim, cung cấp kinh phí tổ chức, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chiếu phim phục vụ vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; phục vụ trẻ em, lực lượng vũ trang và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại, giáo dục khác.
+ Tại Điều 9 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định: Nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên.
+ Các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim và trên hệ thống truyền hình phải bảo đảm thời lượng và giờ chiếu phim cho trẻ em theo quy định của Chính phủ.
+ Quy định về phân loại phim theo độ tuổi với các mức: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ và Phim không được phép phổ biến.
Các quy định này của dự thảo Luật đều hướng tới sự phát triển lành mạnh của trẻ em khi hưởng thụ và tham gia các hoạt động điện ảnh.
29/03/2022 10:17
Độc giả: Nguyễn Linh Chi
28/03/2022
Kính gửi Bộ, Như thông tin được đăng tải, sau ngày 15.03, khách quốc tế khi nhập cảnh Việt Nam chỉ cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định về y tế, đặc biệt đề xuất của Bộ VHTT&DL là khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Vậy mong Bộ có thể giải đáp giúp tôi là Bảo hiểm này có thể mua được tại đâu, và nếu người nước ngoài đã mua sẵn bảo hiểm quốc tế có khoản mục chi trả cho điều trị COVID thì có cần mua thêm bảo hiểm nêu trên không? Chân thành cảm ơn
Trả lời:
Tổng cục Du lịch xin trả lời như sau: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Phương án "Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới" số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022. Trong đó, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000 USD. Loại hình bảo hiểm này khách du lịch có thể tự mua tại các công ty bảo hiểm quốc tế hoặc thông qua các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có dịch vụ cung cấp bảo hiểm trên theo quy định. Nếu người nước ngoài đã mua sẵn bảo hiểm quốc tế có khoản mục chi trả cho điều trị COVID-19 thì không cần mua thêm bảo hiểm nêu trên
28/03/2022 13:14
Độc giả: A Quy Giàng - Xuân Đỉnh Bắc Từ Liêm Hà Nội
28/02/2022
-Chúng tôi là một số Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng, Thương mại, Tư vấn đầu tư nguồn vốn Trong và ngoài nước ; Các Doanh nghiệp chúng tôi đang có kế hoạch trích một phần Quỹ vốn hiện có của Doanh nghiệp để góp phần tài trợ tu bổ nâng cấp một số công trình văn hóa Tâm linh, Khu di tích lịch sử tại Hà nội và một số địa phương Phía Bắc; Xin hỏi thủ tục hành chính và quy trình xin được Tài trợ vốn cho các địa phương như thế nào ? Trình tự và cách làm cụ thể như thế nào để không bị vi phạm các quy định của Nhà nước ? Tài trợ cho một số Trường dạy nghề của Ngành văn hóa, Thể thao Du lịch thì phải làm các văn bản gì ? gặp cơ quan nào tại các Bộ ngành TW và chính quyền địa phương ?
Trả lời:
Cục Di sản văn hóa, xin được trả lời như sau:
- Về tài trợ tu bổ, tôn tạo di tích: Việc các Doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích là việc làm cần thiết, có ý nghĩa và được Nhà nước khuyến khích theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Đề nghị Doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với các địa phương có di tích để được hướng dẫn về tiếp nhận các nguồn tài trợ theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành để đảm bảo việc tài trợ đúng mục tiêu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
- Việc tu bổ, tôn tạo di tích phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan về đầu tư công và xây dựng. Quy trình các bước thực hiện quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích được triển khai theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
28/02/2022 08:03