Độc giả: Hoa Mai - Thành phố Hồ Chí Minh
20/02/2023
Xin chào Quý Bộ! Chúng tôi đang có một lô hàng mã hs 9508 ( đã qua sử dụng),thuộc phụ lục IV TT 24/2018/TT-BVHTTDL và cũng thuộc Phụ lục VI, vậy hàng của chúng tôi thực hiện theo phụ lục nào, phụ lục VI quy định hàng cấm nhập khẩu, có được hiểu là cấm nhập khẩu hàng đã qua sử dụng không? Vậy mong quý Bộ hướng dẫn tư vấn. Xin trân trọng cám ơn!
Trả lời:
Vụ Kế hoạch, Tài chính có ý kiến như sau:
Đối với mặt hàng mã HS 9508 quy định tại Thông tư số 24/2018/TTBVHTTDL ngày 23/8/2018 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, việc nhập khẩu hàng hóa thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý ngoại thương, Điều 9 Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL quy định: “Điều 9. Đồ chơi trẻ em 1. Phải đảm bảo mới 100%; chưa qua sử dụng. 2. Đảm bảo chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em theo quy định tại Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em - QCVN 3:2009/BKHCN. 3. Có nội dung, hình thức, kiểu dáng, tính năng sử dụng không có hại đến giáo dục, phát triển nhân cách, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, không vi phạm các quy định tại Điều 6 của Thông tư này. Đồ chơi trẻ em đáp ứng các điều kiện nêu trên được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Thủ tục nhập khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan.” Như vậy theo các văn bản pháp luật quy định nêu trên, hàng hóa mã HS 9508 đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam.
20/02/2023 14:35
Độc giả: Vũ Diệp Khanh
18/01/2023
Xin kính chào Quý lãnh đạo của Bộ Văn Hóa thể thao và du lịch. Tôi xin được đặt câu hỏi như sau: Yêu cầu về bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị COVID-19 (mức chi trả tối thiểu 10.000$) đối với khách quốc tế khi vào Việt Nam đã được dỡ bỏ chưa hay vẫn còn hiệu lực. Nếu đã được dỡ bỏ, thì được thông báo trong văn bản nào? Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Tổng cục Du lịch có ý kiến trả lời như sau:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 3550/BVHTTDLTCDL ngày 19/9/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm dừng yêu cầu về BHYT hoặc BHDL có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm 10.000 USD và tạm dừng Phương án số 829/PA-BVHTTDL ngày 15/3/2022.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung trên. Do đó, yêu cầu về bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị COVID-19 (mức chi trả tối thiểu 10.000$) đối với khách quốc tế khi vào Việt Nam được quy định tại Phương án số 829/PABVHTTDL ngày 15/3/2022 vẫn còn hiệu lực.
18/01/2023 16:39
Độc giả: Nguyễn Thị Nhung
12/12/2022
Xin chào Quý lãnh đạo của Bộ Văn Hóa thể thao và du lịch Công ty chúng tôi có nộp 1 hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả tại Cục bản quyền tác giả từ tháng 10/2022. Hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận. Và chúng tôi có nhận được thông tin là phía Cục bản quyền đang chưa trả được Giấy chứng nhận do chưa có người ký Giấy chứng nhận và phải đợi trên Bộ cử người xuống. Tôi muốn hỏi là thông tin này có được thông báo cho người dân bằng văn bản nào hay không. Và khi nào thì mới có hiệu lực để chúng tôi có thể nhận được Giấy chứng nhận. Vì hiện tại các thông tin chúng tôi nhận được chỉ là qua trả lời miệng , không có cơ sở để làm việc với đối tác, khách hàng và các cơ quan có liên quan. Trân trọng
Trả lời:
Cục Bản quyền tác giả đã rà soát lại hồ sơ Đăng ký quyền tác giả được nhận tại Bộ phận một cửa từ tháng 10 năm 2022 và toàn bộ hồ sơ Đăng ký quyền tác giả đã được trả kết quả tại Bộ phận một cửa của Cục Bản quyền tác giả. Trong trường hợp có thắc mắc về hồ sơ Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, bạn Nguyễn Thị Nhung vui lòng liên hệ số hotline 024.3.8234.304 của Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan - Cục Bản quyền tác giả để được trợ giúp.
12/12/2022 14:19
Độc giả: Nguyễn Thanh Xuân
08/11/2022
Xin chào ! Công ty tôi có nhập thẻ sim điện thoại (thẻ trắng chưa ghi dữ liệu) mã HS code 8523.52.00 cho các nhà mạng và được hải quan yêu cầu xin cấp phép theo thông tư 24/2018/TT-BVHTTDL do mã HS code nằm trong danh mục quản lý xin cấp phép của thông tư. Vậy xin hướng dẫn giúp tôi thủ tục và nơi xin cấp phép. Xin trân thành cảm ơn.
Trả lời:
Vụ Kế hoạch, Tài chính có ý kiến như sau:
1. Theo quy định của pháp luật chuyên ngành về nguyên tắc giải quyết thủ tục nhập khẩu hàng hóa văn hóa, cơ quan văn hóa có thẩm quyền xem xét trả lời việc nhập khẩu hàng hóa căn cứ trên hồ sơ nhập khẩu hàng hóa cùng với kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu do tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
2. Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL ngày 11/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2014/TTBVHTTDL, Thông tư số 24/2018/TT-BVHTTDL ngày 23/8/2018 ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và các văn bản quản lý chuyên ngành có liên quan, về nguyên tắc quản lý chuyên ngành, trường hợp nếu Công ty và cơ quan hải quan giải quyết thủ tục nhập khẩu hàng hóa đối chiếu với hồ sơ và thực tế hàng hóa nhập khẩu của Công ty xác định hàng hóa nhập khẩu không chứa, ghi dữ liệu, nội dung, hình ảnh, âm thanh vui chơi giải trí, các loại hình trò chơi điện tử, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, ca múa nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh và các nội dung văn hóa khác quy định tại các văn bản pháp luật trên thì mặt hàng đó không thuộc phạm vi quản lý hàng hóa chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Đề nghị Công ty làm việc với cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền liên quan (nếu có), xác định loại hình mặt hàng Công ty nhập khẩu để thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
08/11/2022 08:27
Độc giả: Lý Hoàng Long - 21 ngõ 27 Đại Cồ Việt
02/11/2022
Thưa Quý cơ quan! Hiện tại tôi đang dự đỉnh mở một cuộc biểu diễn trên nền tảng số và bán vé cuộc biểu diễn trực tiếp của mình để công chúng có thể truy cập xem tôi biểu diễn. Nhưng hiện tại tôi có một thắc mắc rằng việc tôi bán vé như vậy có cần phải xin cấp phép không, nếu cần thì tôi sẽ phải tiến hành những thủ tục với cơ quan nào. Trân trọng cảm ơn
Trả lời:
Cục Nghệ thuật biểu diễn trả lời như sau:
Căn cứ Điều 8 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (sau đây gọi là Nghị định số 144/2020/NĐ-CP), hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật được thực hiện theo quy định sau:
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; biểu diễn nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật khác không thuộc hình thức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, thực hiện quy định tại Điều 10 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.
- Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.
Như vậy, bạn Lý Hoàng Long thực hiện trình tự, thủ tục tùy thuộc vào từng trường hợp, hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật theo quy định của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP và thủ tục hành chính (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động trên môi trường mạng.
Trong mọi trường hợp, hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật của bạn tuyệt đối không vi phạm quy định cấm và phải tuân thủ nghiêm các quy định tại Điều 3, 4 và 5 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP. Hành vi biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật vi phạm quy định cấm và các quy định về trách nhiệm của người tổ chức biểu diễn, người biểu diễn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, trường hợp hành vi cấu thành dấu hiệu tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
02/11/2022 13:58
Độc giả: Hoàng Quân
01/11/2022
Dạ cho tôi xin hỏi: Tôi đã đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà hàng, kinh doanh dịch vụ ăn uống... nhưng trong mỗi phòng ăn đã trang bị cố định dàn âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (gọi là hoạt động karaoke) phục vụ cho khách hàng hát karaoke trong phòng ăn nhưng không thu tiền dịch vụ karaoke, chỉ thu tiền ăn uống. Vậy có cần phải xin Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định không? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau:
- Khoản 1 Điều 2, Nghị định số 54/2019/NĐ - CP ngày19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường quy định: "Dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định" của Nghị định này.
- Điều 4, Nghị định số 54/2019/NĐ - CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke:
+ Cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát;
+ Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;
+ Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ - CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;
+ Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ;
+ Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
01/11/2022 09:51
Độc giả: Huyền
20/10/2022
Theo quy định của Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành: - Khoản 3 Điều 32 Luật di sản văn hóa: "Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" - Điều 34: "1. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: b) Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;" Vậy cho tôi hỏi: 1. Dự án xây dựng tại vùng đệm của di sản thế giới, khu vực khoanh vùng bảo vệ 2 di tích quốc gia đặc biệt có phải đều là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch? 2. Trong trường hợp dự án phải xin ý kiến và có đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH TT&DL thì phải tham gia ý kiến từ giai đoạn nào trong dự án? Tôi xin chân thành cảm ơn và mong được giải đáp.
Trả lời:
Cục Di sản văn hóa trả lời như sau:
1. Dự án xây dựng tại vùng đệm của di sản thế giới, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt có phải đều là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh: "2. Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là tập hợp đề xuất biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các yếu tố khác có liên quan nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích (sau đây gọi là dự án tu bổ di tích)". Như vậy, chỉ những dự án có nội dung bảo quản, tu bổ, phục hồi yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các yếu tố khác có liên quan nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích mới là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Các dự án không phải là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích như dự án xây dựng khu du lịch, dịch vụ… phục vụ việc phát huy giá trị di tích, nếu xây dựng tại vùng đệm của di sản thế giới, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.
Đối với các dự án xây dựng trong vùng đệm của Di sản Thế giới, khu vực bảo vệ II di tích quốc gia đặc biệt, khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: "Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích".
2. Trong trường hợp dự án phải xin ý kiến và có đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tham gia ý kiến từ giai đoạn nào trong dự án?
- Đối với các dự án, khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, hồ sơ đã bao gồm: "g) Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa" (Khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự năm 2022).
- Việc thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được thực hiện tại bước thứ 5 trong trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích được quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
"1. Khảo sát, thu thập tài liệu về yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên và những vấn đề liên quan đến di tích.
2. Lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.
3. Lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan về dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.
4. Tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân.
5. Thẩm định, trình phê duyệt, phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.
6. Công bố dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đã được phê duyệt tại di tích trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật".
20/10/2022 14:23
Độc giả: Nguyễn Quang Minh - Sóc Sơn Hà Nội
20/10/2022
Tôi là một giảng viên cơ hữu đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch giảng viên đại học, đã công tác, giảng dạy (tính cả thời gian tập sự) tại trường Đại học (không phải trường chuyên biệt), được 8 năm, sau đó chuyển về công tác tại Khoa chuyên môn của trường chuyên biệt thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được 12 tháng và tiếp tục được lãnh đạo nhà trường phân công, điều động sang phòng công tác học sinh viên làm công tác quản sinh được 18 tháng, tổng cộng thời gian đã chuyển về trường chuyên biệt đến nay được 30 tháng và thời gian công tác liên tục trong ngành giáo dục là 10,5 năm (hiện nay tôi vẫn đang giữ ngạch giảng viên phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường), tuy nhiên do công việc chuyên môn được giao làm công tác quản lý học sinh, sinh viên nên tôi không có giờ giảng. Vậy, tôi xin hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 1. Trường hợp như tôi có được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi (50 phần trăm) và phụ cấp trách nhiệm công việc (0,3) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt theo quy định tại Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hay không? Thời gian tính hưởng tính từ thời điểm nào? 2. Tôi có được tiếp tục hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo hay không? Nếu được thì mức phụ cấp thâm niên nhà giáo của tôi hiện nay được bao nhiêu? 3. Đối với các cán bộ quản lý giáo dục tại các trường chuyên biệt nhưng không giữ ngạch giảng viên, không có giờ lên lớp có được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hay không? Kính mong sớm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời! Nguyễn Quang Minh, Sóc Sơn, Hà Nội Địa chỉ email: quangminhsocson@gmail.com
Trả lời:
Vụ Tổ chức cán bộ trả lời, như sau:
1. Về chính sách đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt: Căn cứ quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định số 61/2006/NĐ-CP) và Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLTBGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP:
a) Đối tượng được hưởng phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi gồm:
- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (kể cả những người trong thời gian thử việc hợp đồng) hưởng lương theo ngạch, bậc quy định của Nhà nước thuộc biên chế trả lương ở các trường chuyên biệt.
- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không thuộc biên chế nhà nước hoặc đang trong thời gian thử việc hay hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu hợp pháp không thuộc ngân sách nhà nước hiện đang công tác ở các trường chuyên biệt.
- Cán bộ quản lý giáo dục quy định nêu trên, bao gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trường, Giám đốc, Phó giám đốc các trung tâm, cơ sở giáo dục và đào tạo.
b) Thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi:
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành;
- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy, công tác.
2. Về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo: Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo (đã thay thế Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo), đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo gồm:
a) Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
b) Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.
c) Các đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b nêu trên mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Như vậy, để được hưởng chính sách đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt và phụ cấp thâm niên nhà giáo bạn phải thuộc đối tượng của các quy định nêu trên.
20/10/2022 14:03
Độc giả: Tô Quỳnh Anh
11/10/2022
Xin chào, Tôi có mua một đĩa DVD từ Nhật về để nghe cá nhân và được yêu cầu xin giấy phép văn hóa (Thông tư 24/2018/TT-BVHTTDL ngày 23/08/2018) để khai báo Hải quan. Tôi cần những mẫu giấy tờ nào để xin được giấy phép văn hóa vậy? Và tôi có thể xin giấy phép trên trang dichvucong hay không? Cảm ơn nhiều.
Trả lời:
Cục Nghệ thuật biểu diễn có ý kiến trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/2022 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, bạn Tô Quỳnh Anh thực hiện thủ tục đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao địa phương cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép, trong đó ghi rõ loại văn hóa phẩm, nội dung, số lượng, xuất xứ, mục đích sử dụng và phạm vi sử dụng (Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);
- Giấy chứng nhận bản quyền tác giả; hợp đồng;
- Bản sao vận đơn hoặc giấy báo nhận hàng (nếu có).
11/10/2022 11:23
Độc giả: Lê Văn Ánh - Đông sơn thanh hóa
06/10/2022
Tôi xin danh sách 628 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực phi vật thể năm 2022, vì tôi có mẹ được hội đồng cấp nhà nước phê duyệt
Trả lời:
Danh sách các Nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng tại các Quyết định số 1020/QĐ-CTN, 1021/QĐ-CTN, 1022/QĐ-CTN, 1023/QĐ-CTN ngày 09/9/2022 đã đăng tải đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bạn đọc truy cập vào đường liên kết sau để có thông tin chi tiết:
https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110375.htm
https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110377.htm
https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110378.htm
https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110376.htm
06/10/2022 15:35