Độc giả: Lê Hữu Đức - Thành phố Hồ Chí MInh
28/12/2023
Theo em được biết để có thể được cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì 1 trong các điều kiện đó là có Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành ngoại ngữ. Em đang học văn bằng 2 chuyên ngành ngôn ngữ Anh của trường Đại học Trà Vinh thì sau khi tốt nghiệp có được công nhận không ạ? Em xin cảm ơn.
Trả lời:
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có ý kiến như sau:
Mục 1 Điều 1 Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo quy định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ 2 như sau "Văn bằng đại học thứ hai là văn bằng cấp cho những người đã có ít nhất một bằng tốt nghiệp đại học, sau khi hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo đại học của ngành đào tạo mới, có đủ điều kiện để công nhận và cấp bằng tốt nghiệp đại học". Trường hợp công dân Lê Hữu Đức, nếu tốt nghiệp văn bằng 2 chuyên ngành ngôn ngữ Anh của Đại học Trà Vinh được công nhận như bằng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành ngoại ngữ, đáp ứng 01 trong những điều kiện để có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế được quy định tại điều 59, Luật Du lịch Việt Nam năm 2017.
28/12/2023 09:10
Độc giả: Phan Thị Thu Hảo - phanthuhaovnugmailcom
28/12/2023
Kính thưa quý Cục, nhằm mục đích hiểu rõ các quyền được cấp khi khai thác, sử dụng tác phẩm, nhờ quý Cục giải đáp giúp em câu hỏi sau ạ: Bên em là ca sĩ sử dụng tác phẩm âm nhạc sử dung để hát và thu âm tạo ra bản ghi âm, ghi hình, sau đó đăng lên Youtube,... Như vậy, nhạc sĩ/chủ sở hữu của tác phẩm âm nhạc sẽ cấp cho ca sĩ quyền gì ạ? Quyền sao chép hay quyền biểu diễn ạ. Ngoài ra, theo quy đinh tại Điểm b, Khoản 20 Luật Sở hữu trí tuệ “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm”, thì hát và ghi âm, ghi hình đăng lên Youtube có được coi là biểu diễn không ạ? Em xin cảm ơn.Kính thưa quý Cục, nhằm mục đích hiểu rõ các quyền được cấp khi khai thác, sử dụng tác phẩm, nhờ quý Cục giải đáp giúp em câu hỏi sau ạ: Bên em là ca sĩ sử dụng tác phẩm âm nhạc sử dung để hát và thu âm tạo ra bản ghi âm, ghi hình, sau đó đăng lên Youtube,... Như vậy, nhạc sĩ/chủ sở hữu của tác phẩm âm nhạc sẽ cấp cho ca sĩ quyền gì ạ? Quyền sao chép hay quyền biểu diễn ạ. Ngoài ra, theo quy đinh tại Điểm b, Khoản 20 Luật Sở hữu trí tuệ “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm”, thì hát và ghi âm, ghi hình đăng lên Youtube có được coi là biểu diễn không ạ? Em xin cảm ơn.
Trả lời:
Cục Bản quyền tác giả trả lời như sau:
Các điểm b, c, đ khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 (sau đây gọi là "Luật Sở hữu trí tuệ") quy định các quyền tài sản thuộc quyền tác giả như sau:
- "Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm";
- "Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào";
- "Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn".
Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP (ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan) quy định chi tiết quyền biểu diễn tác phẩm âm nhạc trước công chúng, theo đó: "Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc biểu diễn làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác hoặc trình bày tác phẩm trên sân khấu cho công chúng nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc biểu diễn qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự".
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng các quyền tài sản thuộc quyền tác giả phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy, trường hợp ca sĩ sử dụng tác phẩm âm nhạc để hát, thu âm tạo thành bản ghi âm, ghi hình và đăng tải trên Youtube cần căn cứ các quy định pháp luật nêu trên để thực hiện việc xin phép và trả tiền bản quyền các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.
Đồng thời, cũng cần lưu ý quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ: "Chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này"; các trường hợp giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật Sở hữu trí tuệ.
28/12/2023 09:07
Độc giả: Bùi Thị Lệ Thủy - xã Tân Thành huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình
11/12/2023
Kính thưa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thông tư 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể thao ở cơ sở. Đối tượng thực hiện Theo Thông tư 18 là: Câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở là tổ chức tự nguyện, được thành lập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ quan). Như vậy việc thành lập câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao ở thôn/xóm/tổ dân phố có thể áp dụng theo Thông tư 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch được không? Trong trường hợp nếu không áp dụng được thì căn cứ vào quy định nào (nêu văn bản cụ thể), trình tự thủ tục và thẩm quyền quyết định thành lập theo từng phạm vị hoạt động của câu lạc bộ. Tôi rất mong sớm nhận được câu trả lời của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Tôi xin chân thành cảm ơn ạ.
Trả lời:
Vụ Pháp chế trả lời như sau:
- Trường hợp câu lạc bộ hoạt động về thể dục thể thao: Thực hiện theo quy định của Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể thao ở cơ sở.
- Trường hợp câu lạc bộ hoạt động về văn nghệ trong Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn: Thực hiện theo Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 3 năm 2011của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động của Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn.
- Ngoài các quy định trên, câu lạc bộ còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ…).
11/12/2023 15:16
Độc giả: Nguyễn Thị Sách - Thôn Tham Vè xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên Tỉnh Hà Giang
20/11/2023
Cho e xin hỏi xét gia đình văn hoá tiêu biểu đề nghị khen thưởng thì căn cứ vào quyết định gia đình văn hoá 3 năm liên tục. nếu từ năm 2020 gia đình e đạt gia đình văn hoá trong 4 năm từ 2020-2023 vẫn liên tục đạt thì đến năm 2022 là 3 năm liên tục và được đề nghị xét khen thưởng GĐ tiêu biểu. Đến năm 2023 thì có được gọi là 3 năm liên tục từ 2021 - 2023 nữa không? và còn được xét GĐ tiêu biểu nữa không? nếu không được căn cứ vào hướng dẫn nào ạ?
Trả lời:
Cục Văn hóa cơ sở trả lời như sau:
Hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá" trong 04 năm liên tục (2020 - 2023). Năm 2022, hộ gia đình đã được tặng Giấy khen Gia đình văn hóa thì năm 2023, hộ gia đình không được xét tặng Giấy khen Gia đình văn hóa cho 3 năm liên tục từ 2021 – 2023. Việc xét tặng Giấy khen Gia đình văn hóa thực hiện theo quy định tại Luật Thi đua khen thưởng và Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa "; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa".
20/11/2023 15:15
Độc giả: Nguyễn Thị Hiền - nguyenhien350528gmailcom
15/11/2023
Kính chào Quý Bộ! Doanh nghiệp tôi là Công ty có vốn nước ngoài chiếm 98 phần trăm, đã đăng ký ngành nghề quảng cáo. Doanh nghiệp tôi muốn kinh doanh dịch vụ Quảng cáo nhưng khi nghiên cứu điều 40 Luật Quảng cáo chúng tôi vẫn còn thắc mắc sau: 1. Doanh nghiệp tôi chỉ cần ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân/tổ chức Việt nam để cung cấp dịch vụ Quảng cáo. 2. Doanh nghiệp tôi chỉ cần ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân/tổ chức Việt Nam để cung cấp dịch vụ Quảng cáo, Chúng tôi có cần phải xin phép Giấy phép đầu tư không??? Trân trọng!
Trả lời:
Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến:
Trước hết, Cục Văn hóa cơ sở cảm ơn bạn Nguyễn Thị Hiền đã đặt câu hỏi đối với việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo. Về nội dung câu hỏi của bạn, Cục Văn hóa cơ sở có ý kiến như sau: Doanh nghiệp quý bạn đọc đã là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 98% có chức năng kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Như vậy, có nghĩa là trong quá trình đăng ký kinh doanh, 2% phần vốn góp còn lại của phía Việt Nam đã thuộc đối tác có chức năng kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chưa thực hiện đúng quy định như trên trong quá trình đăng ký kinh doanh, đề nghị quý bạn đọc liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi cấp đăng ký kinh doanh để được hướng dẫn.
15/11/2023 17:09
Độc giả: Nguyễn Minh Tiến - Hoàng Ngân Cầu Giấy Hà Nội
14/11/2023
Kính chào Quý Cơ quan. Công ty CP Giải trí Đa Chạm dự kiến tổ chức tổ chức giải đấu thể thao điện tử - bộ môn game Đế chế (AoE) trên Website MyClip.vn. Cụ thể, người nổi tiếng (kol) sẽ mời các người hâm mộ (fans) để chơi game cùng và phát trực tiếp lên dịch vụ myclip. Thể thức chơi game: 1 đấu 1, theo đội (4 với 4) người chơi. vậy, việc tổ chức giải đấu thể thao điện tử trên dịch vụ Internet nêu trên có cần xin giấy phép nào không? và nếu có thì quý cơ quan tư vấn trình tự và cơ quan cấp phép. trân trọng cám ơn
Trả lời:
Cục Thể dục thể thao trả lời như sau:
1. Việc quản lý hoạt động tổ chức thi đấu môn Thể thao điện tử (eSport) là hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Trong lĩnh vực thể dục, thể thao trình tự, thủ tục tổ chức thi đấu các giải thể thao nói chung và môn Thể thao điện tử (eSport) nói riêng được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Đối với giải thể thao quần chúng được thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật Thể dục, thể thao và thông tư số 09/2012/TT-BVHTDL ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức thi đấu thể thao quần chúng.
- Đối với giải thể thao thành tích cao được thực hiện theo quy định tại Điều 37, Điều 38 và Điều 40 của Luật Thể dục, thể thao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có quy định riêng đối với giải đấu thể thao điện tử trên dịch vụ Internet.
3. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông được thực hiện theo các quy định:
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
- Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và các quy định khác có liên quan.
Trên đây là ý kiến trả lời của Cục Thể dục thể thao về câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Minh Tiến, đề nghị quý bạn đọc tham khảo và xin ý kiến hướng dẫn cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông.
14/11/2023 10:46
Độc giả: Phùng Thị Thu Ngân - Hà Nội
27/10/2023
Doanh nghiệp tôi ở Hà Nội và có thực hiện 1 số hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ, chương trình khuyến mại. Tôi có 1 số câu hỏi rất mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể giải đáp như sau: 1. Quảng cáo trên standee, decal dán trên cửa kính: Chúng tôi có in nội dung quảng cáo trên standee đặt ở trong Cửa hàng và trước cửa của Cửa hàng và dán decal tại kính của Cửa hàng để Khách hàng có thể biết đến các sản phẩm mới, chương trình khuyến mại mới đang diễn ra. Tôi hiểu rằng standee và decal dán kính là phương tiện quảng cáo khác theo quy định tại Khoản 8 Điều 17 Luật quảng cáo. Theo Điều 29 Luật quảng cáo, tôi hiểu rằng doanh nghiệp tôi chỉ phải làm thủ tục thông báo đối với băng-rôn và bảng quảng cáo. Tôi cũng đã tìm hiểu quy định tại địa phương - Hà Nội, tại Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND thì cũng không có quy định yêu cầu thủ tục thông báo đối với standee, decal dán trên cửa kính Cửa hàng. => Doanh nghiệp tôi có bắt buộc phải làm thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên standee đặt tại Cửa hàng và decal dán trên cửa kính Cửa hàng hay không? 2. Quảng cáo trên băng-rôn ngang/dọc treo tại Cửa hàng: Doanh nghiệp tôi cũng thực hiện in quảng cáo sản phẩm, dịch vụ và chương trình khuyến mại trên băng rôn ngang/dọc treo tại Cửa hàng. Sau khi tôi tìm hiểu quy định của Luật thì: - Luật Quảng cáo và Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND của Hà Nội KHÔNG có quy định cấm doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên băng-rôn ngang/dọc - Băng-rôn này được treo tại Cửa hàng, KHÔNG treo tại cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng và cũng KHÔNG làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Chúng tôi có tìm hiểu quy định tại các địa phương khác thì việc quảng cáo trên băng-rôn trước cửa nơi kinh doanh cũng được khuyến khích vì đem lại hiệu quả quảng cáo cao và giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin (Dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP Hồ Chí Minh, Link: Thông báo về việc góp ý dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 - Sở VHTT Hồ Chí Minh (hochiminhcity.gov.vn)) => Chúng tôi có được quảng cáo sản phẩm, dịch vụ và chương trình khuyến mại trên băng rôn ngang/dọc treo tại Cửa hàng hay không? Nếu được, trước khi treo băng-rôn, Chúng tôi sẽ thực hiện thủ tục Thông báo tới Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội theo quy định của Luật. 3. Số lượng biển hiệu tại Cửa hàng. Theo quy định tại Điều 16 Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND của TP. Hà Nội, số lượng biển hiệu giới hạn là 01 biển hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp tôi có 1 số Cửa hàng nằm ở vị trí góc giao lộ, có 2-3 mặt tiền liền kề nhau. Theo đó, giới hạn 01 biển hiệu này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như khách hàng không nhận diện được vị trí cửa hàng,…. Trong khi đó, Luật không quy định giới hạn số lượng biển hiệu, chúng tôi cũng có tìm hiểu quy định tại các địa phương khác thì cũng không bị giới hạn. Vì vậy, liệu doanh nghiệp tôi có thể lắp đặt nhiều hơn 01 biển hiệu theo mặt tiền cửa hàng hay không?
Trả lời:
Cục Văn hóa cơ sở trả lời như sau:
Trước hết, Cục Văn hóa cơ sở cảm ơn bạn Phùng Thị Thu Ngân đã đặt câu hỏi đối với việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo.
1. Nội dung 1: Khi thực hiện quảng cáo trên khung standee, decal dán trên cửa kính, người thực hiện quảng cáo không phải thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 27 Luật Quảng cáo, tuy nhiên, phải tuân thủ theo quy hoạch quảng cáo tại địa phương. Trong quá trình thực hiện, người quảng cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức theo quy định của pháp luật.
2. Nội dung 2 và 3: Pháp luật về quảng cáo không có quy định cấm việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ và quảng cáo chương trình khuyến mại trên băng rôn treo tại cửa hàng và giới hạn về số lượng biển quảng cáo treo tại cửa hàng. Tuy nhiên, theo phân cấp về quản lý thì địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra các quy định phù hợp. Do vậy, khi thực hiện quảng cáo tại địa phương, doanh nghiệp phải tuân thủ theo Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội. Trong trường hợp doanh nghiệp quý bạn đọc thực hiện quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội, trân trọng đề nghị Quý bạn đọc liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội để được hướng dẫn.
27/10/2023 09:58
Độc giả: Trần Văn Quang - Duy Tân Hà Nội
25/10/2023
Kính gửi Quý bộ và Cục Điện ảnh. Công ty FPT cung cấp dv FPT Play có cung cấp các nội dung phim trên không gian mạng (OTT TV). Theo qui định của Luật điện ảnh và các văn bản hướng dẫn liên quan thì cần phân loại phim trước khi phổ biến phim. Và để phân loại thì cần Hội đồng thẩm định, phân loại phim thực hiện. Vậy, Quý Bộ/Cục tư vấn, hướng dẫn các thủ tục và hồ sơ để doanh nghiệp chúng tôi thực hiện xin thành lập hội đồng thẩm định, phân loại phim theo qui định: hồ sơ, biểu mẫu, qui định nhân sự,... trân trọng cám ơn
Trả lời:
Cục Điện ảnh có ý kiến trả lời như sau:
Cục Điện ảnh đã hướng dẫn Công ty Cổ phần Viễn thông FPT thực hiện các quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn thi hành và Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đã thành lập Hội đồng phân loại nội dung của Công ty từ tháng 7 năm 2023.
25/10/2023 08:30
Độc giả: Bùi Lệ Thủy
16/10/2023
Kính thưa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Để thành lập câu lạc bộ dân vũ thể dục thể thao ở xóm (câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao ở xóm) thì căn cứ vào quy định nào (nêu văn bản cụ thể), trình tự thủ tục và thẩm quyền quyết định thành lập theo từng phạm vị hoạt động của câu lạc bộ. Tôi xin chân thành cảm ơn ạ.
Trả lời:
Cục Thể dục thể thao trả lời như sau:
Theo Điều 2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở tại Thông tư số 18/2011/TT-BVHTTDL ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì Câu lạc bộ dân vũ thể dục thể thao ở xóm là loại hình câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở ở khu dân cư, chịu sự quản lý nhà nước về thể dục thể thao của Uỷ ban nhân dân xã. Như vậy, để thành lập câu lạc bộ dân vũ thể dục thể thao ở xóm như bạn đọc đã hỏi thì trình tự thủ tục và thẩm quyền quyết định thành lập căn cứ Khoản 1-2, Điều 3, Thông tư số 18/2011/TTBVHTTDL ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở.
16/10/2023 08:35
Độc giả: Nguyễn Văn Thiện - 74 Phan Văn Hớn phường Tân Thới Nhất quận 12 thành phố Hồ Chí Minh
28/09/2023
Bộ văn hóa nên cấm lễ hội đâm trâu chọi trâu chém lợn giết mổ heo vì lễ hội đó có máu me bạo lực độc ác với động vật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Bộ văn hóa nên cấm lễ hội đâm trâu chọi trâu chém lợn được không ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn nói chung, trong đó bao gồm công tác bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội trên phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP. Vì vậy, đề nghị bạn đọc liên hệ với địa phương có những lễ hội mà bạn đọc quan tâm để được cung cấp thông tin và giải đáp theo quy định của pháp luật.
28/09/2023 16:26