Đặt câu hỏi, góp ý

+ Đặt câu hỏi

Danh sách câu hỏi và câu trả lời

Độc giả: Nguyễn Quang Minh - Sóc Sơn Hà Nội
20/10/2022

Tôi là một giảng viên cơ hữu đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch giảng viên đại học, đã công tác, giảng dạy (tính cả thời gian tập sự) tại trường Đại học (không phải trường chuyên biệt), được 8 năm, sau đó chuyển về công tác tại Khoa chuyên môn của trường chuyên biệt thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được 12 tháng và tiếp tục được lãnh đạo nhà trường phân công, điều động sang phòng công tác học sinh viên làm công tác quản sinh được 18 tháng, tổng cộng thời gian đã chuyển về trường chuyên biệt đến nay được 30 tháng và thời gian công tác liên tục trong ngành giáo dục là 10,5 năm (hiện nay tôi vẫn đang giữ ngạch giảng viên phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường), tuy nhiên do công việc chuyên môn được giao làm công tác quản lý học sinh, sinh viên nên tôi không có giờ giảng. Vậy, tôi xin hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 1. Trường hợp như tôi có được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi (50 phần trăm) và phụ cấp trách nhiệm công việc (0,3) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt theo quy định tại Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hay không? Thời gian tính hưởng tính từ thời điểm nào? 2. Tôi có được tiếp tục hưởng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo hay không? Nếu được thì mức phụ cấp thâm niên nhà giáo của tôi hiện nay được bao nhiêu? 3. Đối với các cán bộ quản lý giáo dục tại các trường chuyên biệt nhưng không giữ ngạch giảng viên, không có giờ lên lớp có được hưởng các chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hay không? Kính mong sớm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời! Nguyễn Quang Minh, Sóc Sơn, Hà Nội Địa chỉ email: quangminhsocson@gmail.com

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ trả lời, như sau:

1. Về chính sách đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt: Căn cứ quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định số 61/2006/NĐ-CP) và Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLTBGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP:

a) Đối tượng được hưởng phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi gồm:

 - Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (kể cả những người trong thời gian thử việc hợp đồng) hưởng lương theo ngạch, bậc quy định của Nhà nước thuộc biên chế trả lương ở các trường chuyên biệt.

- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không thuộc biên chế nhà nước hoặc đang trong thời gian thử việc hay hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu hợp pháp không thuộc ngân sách nhà nước hiện đang công tác ở các trường chuyên biệt.

- Cán bộ quản lý giáo dục quy định nêu trên, bao gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trường, Giám đốc, Phó giám đốc các trung tâm, cơ sở giáo dục và đào tạo.

b) Thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành;

 - Thời gian bị đình chỉ giảng dạy, công tác.

2. Về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo: Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo (đã thay thế Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo), đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo gồm:

a) Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

b) Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập.

c) Các đối tượng không thuộc quy định tại điểm a và điểm b nêu trên mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Như vậy, để được hưởng chính sách đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt và phụ cấp thâm niên nhà giáo bạn phải thuộc đối tượng của các quy định nêu trên.

20/10/2022 14:03

Độc giả: Tô Quỳnh Anh
11/10/2022

Xin chào, Tôi có mua một đĩa DVD từ Nhật về để nghe cá nhân và được yêu cầu xin giấy phép văn hóa (Thông tư 24/2018/TT-BVHTTDL ngày 23/08/2018) để khai báo Hải quan. Tôi cần những mẫu giấy tờ nào để xin được giấy phép văn hóa vậy? Và tôi có thể xin giấy phép trên trang dichvucong hay không? Cảm ơn nhiều.

Trả lời:

Cục Nghệ thuật biểu diễn có ý kiến trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/2022 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, bạn Tô Quỳnh Anh thực hiện thủ tục đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao địa phương cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép, trong đó ghi rõ loại văn hóa phẩm, nội dung, số lượng, xuất xứ, mục đích sử dụng và phạm vi sử dụng (Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL ngày 29/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);

- Giấy chứng nhận bản quyền tác giả; hợp đồng;

- Bản sao vận đơn hoặc giấy báo nhận hàng (nếu có).

11/10/2022 11:23

Độc giả: Lê Văn Ánh - Đông sơn thanh hóa
06/10/2022

Tôi xin danh sách 628 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực phi vật thể năm 2022, vì tôi có mẹ được hội đồng cấp nhà nước phê duyệt

Trả lời:

Danh sách các Nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng tại các Quyết định số 1020/QĐ-CTN, 1021/QĐ-CTN, 1022/QĐ-CTN, 1023/QĐ-CTN  ngày 09/9/2022 đã đăng tải đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bạn đọc truy cập vào đường liên kết sau để có thông tin chi tiết:

https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110375.htm

https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110377.htm

https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110378.htm

https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/110376.htm

06/10/2022 15:35

Độc giả: Nguyễn thị Xuân bách - Trường tiểu học Tây đằng b
04/10/2022

Theo thông tư mới 02/2022/TT-BVHTTDL thì bằng của lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của cua Tôi học từ ngày 14/5/2022 đến 29/7/2022 và có ngày cấp là 11/8/2022 như thế khoá học của chúng tôi có hiệu lực không? Và có dùng được để xét nâng hạng 3 ngành thư viện về sau không ạ. Tôi đang rất băn khoăn nên rất mong có được câu trả lời. Vì trong thông tư ghi: Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện theo quy định tại Thông tư này. VÀ ngày 1/7/2022 BVHTTDL có văn bản 2347/BVHTTDL-TCCB V/c tạm dừng các khoá bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức .

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau: 

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện (Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL) quy định chuyển tiếp về việc viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TTBVHTTDL. 

Như vậy, chỉ những viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện (theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP) trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2022/TTBVHTTDL nêu trên.

04/10/2022 14:51

Độc giả: Nguyễn Bảo Phương - Thư viện Khoa học xã hội
30/09/2022

Tôi muốn hỏi về chế độ phụ cấp độc hại, bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức thư viện viên hạng II công tác tại Thư viện Khoa học xã hội trong trường hợp cụ thể như sau: Viên chức thuộc Phòng Công tác bạn đọc & nghiên cứu nghiệp vụ thư viện và được phân công công tác chuyên trách nghiên cứu nghiệp vụ thư viện. Viên chức làm việc trực tiếp trong kho lưu trữ và trưng bày tài liệu của thư viện, công tác nghiên cứu thường xuyên tiếp xúc với tài liệu. Trong trường hợp như trên, viên chức được hưởng mức phụ cấp nào?

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau: 

 Theo quy định tại Mục II Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21 tháng 02 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin, viên chức hiện đang trực tiếp làm các nghề, công việc mà có yếu tố độc hại, nguy hiểm cao hơn bình thường (kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của thư viện; tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện) chưa được tính vào hệ số lương, được phụ cấp độc hại, nguy hiểm mức 2, hệ số 0,20 so với lương tối thiểu (lương cơ sở).

30/09/2022 12:11

Độc giả: Nguyễn Lê Phương - Số 1 Liễu Giai Ba Đình Hà Nội
27/09/2022

Tôi là viên chức thư viện viên hạng II, công tác tại một thư viện chuyên ngành tại Hà Nội. Phòng làm việc của tôi là Phòng Công tác bạn đọc - Nghiên cứu nghiệp vụ thư viện. Tôi được phân công chuyên trách nghiên cứu nghiệp vụ thư viện, phòng làm việc đặt trong kho sách, công việc có tiếp xúc với sách để xử lý nội dung (giới thiệu nội dung...) và xử lý kỹ thuật (chụp ảnh, mô tả tài liệu...). Như vậy tôi có được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin không?

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau: 

Theo quy định tại Mục I và Mục II Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21 tháng 02 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin (Thông tư số 26/2006/TTBVHTT), đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật, gồm: cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trong ngành văn hóa - thông tin hưởng lương theo các bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, hiện đang trực tiếp làm các nghề, công việc mà có yếu tố độc hại, nguy hiểm cao hơn bình thường (kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của thư viện; tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện) chưa được tính vào hệ số lương. 

Như vậy, nếu bạn đang trực tiếp làm các công việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT thì được hưởng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật.

27/09/2022 09:40

Độc giả: Vũ Công Châu - Thư viên tỉnh Lai Châu
12/09/2022

Theo mục 2, Điều 11 của Số: /2022/TT-BVHTTDL quy định 2. Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện theo quy định tại Thông tư này. Hiện nay tôi có Bằng cao đẳng ngành khác, chứng chỉ bồi dưỡng Thư viện học cơ sở do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cấp năm 2007. Hiện tôi chưa được xếp vào chức danh Thư viện viên. Nay tôi muốn được xếp vào ngạch Thư viện viên hạng IV thì có cần học thêm chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện nữa không? Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ trả lời như sau:

Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện (Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL) quy định chuyển tiếp đối với viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành thư viện trước ngày 30/6/2022. 

 Để được xếp vào ngạch Thư viện viên hạng IV, bạn phải đáp ứng quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của Thư viện viên hạng IV tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL. Theo đó, nếu bạn đáp ứng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 (Trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp), bạn cần phải đáp ứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 là có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện

12/09/2022 11:03

Độc giả: Duy Phong Lê - 446 Phạm Văn Chiêu
13/07/2022

Tôi muốn hỏi về thủ tục và cách thức đăng ký giám định cổ vật như thế nào ?

Trả lời:

Cục Di sản văn hóa xin trả lời như sau: 

Thủ tục yêu cầu giám định cổ vật được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 22/2011/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật, cụ thể:

"1. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ yêu cầu giám định cổ vật đến cơ sở giám định cổ vật. Hồ sơ yêu cầu giám định gồm có:

a) Văn bản yêu cầu giám định cổ vật (theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Ảnh hiện vật: 01 ảnh tổng thể và 01 ảnh đặc tả chi tiết (ảnh màu, từ cỡ 9cm x 12cm trở lên), có chú thích đầy đủ;

c) Tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hiện vật và các tài liệu liên quan đến hiện vật (nếu có)".

2. Cơ sở giám định cổ vật tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giám định, tiến hành dự toán chi phí giám định, thỏa thuận và thực hiện ký kết Hợp đồng giám định cổ vật với tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định, trừ trường hợp từ chối thực hiện việc giám định quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Cơ sở giám định cổ vật từ chối thực hiện giám định cổ vật trong các trường hợp sau:

a) Không đáp ứng yêu cầu thực hiện việc giám định;

b) Hiện vật giám định có nguồn gốc không hợp pháp;

c) Các tài liệu liên quan đến hiện vật giám định do tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định. Việc từ chối thực hiện giám định phải được thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định biết.

4. Việc giao, nhận hiện vật trước khi giám định và sau khi giám định phải được lập thành biên bản (theo Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

13/07/2022 11:14

Độc giả: Nguyễn phước Lợi - 283 Nguyển Nhữ Lãm P Phú thọ Hòa Q Tân phú TP HCM
28/04/2022

Kính gởi: Bộ văn hóa thể thao và Du Lịch. Công ty Cồ Phần khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc. Địa chỉ: Khu Du lịch Sinh thái Biển Bãi Bắc - Phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà - Đà Nẵng. Chúng tôi có nhâp khẩu lô hàng tranh ảnh về để trưng bày trong resort. Hàng cập Sân Bay Tân Sơn Nhất - Và chúng tôi sẽ làm thủ tục Hải Quan tại Chi Cục HQ Sân Bay TSN - TP.HCM. Vậy chúng tôi phải xin giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh tại Sở Văn hóa thề thao TP. HCM hay Sở Văn hóa thề thao TP Đà Nẵng. P/S: Chúng tôi đả xin tại Sở VHTT TPHCM nhưng TP HCM trả lời là xin ở TP Đà Nẵng, và cũng đã xin ở Sở VHTT TP Đà Nẵng thì được trả lời là xin ở TP.HCM Trân trọng

Trả lời:

Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm có ý kiến trả lời như sau:

Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 22/2018/TTBVHTTDL ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2012/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh. 

Theo thông tin do bạn đọc cung cấp thì Công ty Cổ phần Khu Du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (địa chỉ: Khu Du lịch sinh thái biển Bãi Bắc, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) phải gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh đến cơ quan nhà nước theo thẩm quyền: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng. 

Đề nghị Công ty Cổ phần Khu Du lịch sinh thái biển Bãi Bắc thực hiện đúng các quy định về nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh và các quy định khác có liên quan.

28/04/2022 08:40

Độc giả: Đinh Ánh Tuyết - Bảo tàng Nghệ An Khối 3 phường Cửa Nam TP Vinh Nghệ An
14/04/2022

Kính gửi : Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Tôi xin hỏi : Theo Quy định mới của Thông tư số 16/2021/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên nghành Di sản văn hóa có hiệu lục từ ngày 5/2/2022. Anh chị cho hỏi muốn nâng ngạch lương từ Di sản viên hạng II lên hạng II ( đã đủ các tiêu chí quy định) thì phải thi hay được xét nâng hạng? Năm nay 2022 Bộ có tổ chức thi hay xét nâng hạng đối với Di sản viên hạng III lên hạng II không ạ?.

Trả lời:

Vụ Tổ chức cán bộ có ý kiến như sau:

1. Theo quy định mới của Thông tư số 16/2021/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa (có hiệu lực từ ngày 05/02/2022), muốn nâng ngạch lương từ Di sản viên hạng III lên hạng II (đã đủ các tiêu chí quy định) thì phải thi hay được xét nâng hạng?

Trả lời: Tại Thông tư 10/2019/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung và hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện, di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và mỹ thuật, Điều 4 quy định xác định các trường hợp áp dụng hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành văn hóa, theo đó "Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng III (mã số V.10.05.17) được đăng ký dự thi thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II ((mã số V.10.05.16).

2. Trong năm 2022, Bộ có tổ chức thi hay xét nâng hạng đối với Di sản viên hạng III lên hạng II không?

Trả lời: Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, tại khoản 2, Điều 33 quy định phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực sự nghiệp: "2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II, sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung đề án và chỉ tiêu thăng hạng".

Năm 2022, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch không có kế hoạch tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp di sản viên hạng II đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.

14/04/2022 08:28