Hội An tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ bài chòi
10/02/2023 | 17:25Việc tôn vinh, khen thưởng các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sĩ, tác giả đã và đang hoạt động nghệ thuật bài chòi tại TP Hội An chính là lời tri ân của thành phố, cộng đồng với những người đã không quản khó khăn, bằng nhiệt tâm, sáng tạo góp phần bảo tồn, phát huy để nghệ thuật bài chòi sống động trong đời sống hiện đại, nâng niu di sản này lâu dài cho các thế hệ kế thừa.
Tối 9/2, kỷ niệm 5 năm Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại (07.12.2017-2022), TP Hội An đã tổ chức chương trình tôn vinh, khen thưởng các nhà quản lý, nghệ nhân, nghệ sĩ, các tác giả đã thường xuyên nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, sáng tác và biểu diễn nghệ thuật bài chòi để bộ môn nghệ thuật này mãi được bảo tồn và phát huy tại Hội An.
Tại chương trình, thành phố đã tôn vinh các đơn vị quản lý, các nhà sáng tác-biên kịch bài chòi, các tập thể, cá nhân đã và đang có nhiều những tác phẩm phát huy nghệ thuật bài chòi tại TP Hội An. Tôn vinh các nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đáng và Thu Huệ, các anh hiệu, chị hiệu như Thu Hương, Thu Sang, Ngọc Huệ, Dương Quý, Lệ Nga, Thu Ly, Kim Anh, … cùng các nhạc công đã góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật bài chòi trên khắp làng quê, phố thị.
Dịp này, Thành phố cũng tổng kết trao thưởng, công diễn các tiết mục đạt giải cao tại Hội thi "Hô hát bài chòi" năm 2023.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình TP Hội An cho biết, Hội thi diễn ra trong hai ngày 7-8.2 với sự tham gia của 12 đon vị xã, phường, hơn 100 diễn viên quần chúng dự thi 72 tiết mục gồm hô hát bài chòi đơn và đôi, hát dân ca xứ Quảng đã được biểu diễn. Qua hội thi đã "phát hiện" khá nhiều những giọng ca trẻ, giàu sức biểu hiện, nhiều triển vọng để chú trọng bồi đắp, phát huy kỹ năng hô, hát bài chòi trong tương lai.
Tiếp nối truyền thống văn nghệ của người phố Hội, từ những năm 1990, Hội An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi bản sắc văn hóa địa phương, trong đó chú trọng các chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là phong trào văn nghệ quần chúng. Trong mỗi chương trình hội thi, hội diễn, Hội An luôn khuyến khích các tiết mục dân ca và nhờ đó, dân ca bài chòi xuất hiện ngày càng nhiều, bài chòi dần thành thói quen trình diễn và thưởng thức. Đến nay, mỗi đêm phố cổ, trò chơi dân gian hô hát bài chòi đã trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc tại phố cổ Hội An.
Thành phố Hội An đang tích cực xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO trên lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, trong tương lai gần, sẽ mở ra cơ hội rất tốt để thành phố xây dựng một đề án riêng về nghệ thuật bài chòi nhằm tranh thủ các nguồn lực từ UNESCO, từ Trung ương đến địa phương để nghiên cứu, đầu tư, phát triển bộ môn nghệ thuật bài chòi trong thời gian đến.
"Có thể nói, nghệ thuật bài chòi ở Hội An với đặc thù vừa là di sản,vừa là sản phẩm tinh thần của nhân dân, vừa là một sản phẩm du lịch văn hóa. Chắc chắn sẽ tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân phố Hội, trong hoạt động kinh tế mũi nhọn du lịch của thành phố, đồng thời có khả năng lan tỏa ra các địa phương khác trong tỉnh Quảng Nam và cả nước", bà Cẩm chia sẻ.