Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội An (Quảng Nam): Cảm hứng du lịch từ bảo tàng

27/03/2024 | 16:33

Hội An (Quảng Nam) có hệ thống bảo tàng khá phong phú và tạo được cảm hứng cho đông đảo du khách khi đến tham quan, tìm hiểu những giá trị của di sản văn hóa thế giới nơi này.

Hội An (Quảng Nam): Cảm hứng du lịch từ bảo tàng - Ảnh 1.

Cuộc thi “Bảo tàng trong tim và tay chúng em” do Trung tâm QLBT DSVH Hội An phối hợp với Phòng GD-ĐT và Thành Đoàn Hội An tổ chức vào dip Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024 vừa qua đã mang lại hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa sâu sắc trong thanh thiếu nhi. Với 3 phần thi gồm: trắc nghiệm online, trải nghiệm và thi viết, thực hiện video clip; cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 21/21 trường tiểu học và trung học cơ sở với 7639 thí sinh và 11.765 lượt dự thi. Trong 2 tháng, tổng lượt xem các video clip được đăng tải trên fanpage HoiAn Museum đạt hơn 100.000 lượt.

Đây là một trong những hoạt động tiếp nối sự tìm tòi, sáng tạo và phát huy giá trị các sưu tập hiện vật của Trung tâm QLBT DSVH nói chung, Bảo tàng Hội An nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu “Nâng cao vai trò của đa dạng và hòa nhập trong các thiết chế văn hóa” mà Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) khuyến khích.

Thực tế, ở Hội An hoạt động của bảo tàng nói chung và hoạt động bảo tàng gắn với du lịch đã được định hình từ lâu (khoảng hơn 30 năm trước) và đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng biệt. Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, công tác thu nhận, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục, học tập và thưởng thức theo khuyến cáo của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) đã được chú trọng và tạo chuyển biến tích cực. Đến đầu những năm 90 thì các bảo tàng chuyên đề ở Hội An được thành lập và được đưa vào tuyến tham quan chính thức trong khu phố cổ.

Nhân dân và du khách đến Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An được xem trưng bày mô hình một số ghe, thuyền truyền thống ở Hội An xưa, hoặc có dịp trải nghiệm chuỗi các hoạt động như: dập tranh giấy dó, làm bánh in và nước trà lá lao, chuốt gốm và vẽ tranh trên gốm, bắt mạch, ngâm chân bằng thảo dược… tại hệ thống bảo tàng do Trung tâm quản lý như: Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Nghề y truyền thống… Thông qua những hoạt động này, du khách có thêm cơ hội tìm hiểu, khám phá thú vị về các di sản văn hóa truyền thống của Hội An, qua đó góp phần thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Nhà nghiên cứu văn hóa Hội An Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho rằng, các hiện vật, di vật, báu vật, cổ vật là một trong những yếu tố cấu thành di sản vật thể gắn với kiến trúc. “Nếu thiếu những di vật, báu vật, cổ vật này thì giá trị kiến trúc giảm đi, cho nên những hiện vật này có tác động để người ta nghiên cứu, tìm hiểu. Nó như một vật chứng sống để tìm hiểu thêm về Hội An. Rất may là gắn với các bảo tàng chuyên đề, du khách đến tham quan Hội An rất thuận lợi có thêm trải nghiệm, tìm hiểu các di vật, cổ vật trong các bảo tàng”, ông Trung nói.

Hội An (Quảng Nam): Cảm hứng du lịch từ bảo tàng - Ảnh 2.

Hội An (Quảng Nam): Cảm hứng du lịch từ bảo tàng - Ảnh 3.

Các hiện vật nghề truyền thống được trưng bày tại các bảo tàng chuyên đề ở Hội An

Với 7 bảo tàng và khu trưng bày mang tính chuyên đề đang hoạt động gồm: khu trưng bày Lịch sử - Văn hoá, khu trưng bày truyền thống Cách mạng, bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, bảo tàng Văn hoá dân gian, bảo tàng Nghề y truyền thống và bảo tàng gốm Chu Đậu, Hội An đã tạo được một bản đồ du lịch thu nhỏ, thuận tiện cho du khách khi đến tham quan phố cổ, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh di sản văn hoá thế giới đến với bè bạn gần xa. Năm qua, Trung tâm QLBT DSVH Hội An đã quan tâm đầu tư nâng cấp, trưng bày các điểm bảo tàng, di tích nhằm nâng cao chất lượng, thu hút du khách đến tham quan, hướng đến xây dựng điểm du lịch xanh; trong đó Bảo tàng Văn hóa Dân gian đã đạt tiêu chí này, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận 3/3 Lá sâm Ngọc Linh. Anh Jonathan Kruisselbrink (đến từ Hà Lan) sau khi tham quan bảo tàng Văn hóa dân gian đã phát biểu cảm nghĩ, đây là bảo tàng rất thú vị và rất đẹp. “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm bảo tàng này và tôi nghĩ chắc sẽ quay lại nhiều lần nữa. Chỉ mới vào vài phút ngắn ngủi thôi nhưng tôi nhìn thấy nhiều hình ảnh, cổ vật rất đẹp và được biết nhiều thông tin từ trước đến giờ chưa từng biết. Tôi rất vui vì có cơ hội đến đây, tôi sẽ quay lại và giới thiệu cho bạn bè cùng nhiều người biết đến Hội An”, anh Jonathan bộc bạch.

Hội An - vùng đất “hội thuỷ, hội nhân, hội văn” với nhiều tầng nấc văn hoá phong phú là nơi có thể hình thành và phát triển nhiều hơn nữa các bảo tàng chuyên đề - một loại sản phẩm du lịch đặc trưng ở di sản phố cổ. Cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng bao giờ cũng tạo sức thuyết phục lớn và khách quan đối với người xem, người tham quan, tìm hiểu. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện đại, loại hình bảo tàng chuyên đề như: dân tộc học, nhân học, cách mạng, nghề nghiệp… là hướng phát triển tiếp tục được chú trọng của Hội An trong tương lai. Nhà nghiên cứu văn hóa Hội An Nguyễn Chí Trung cho biết thêm, cùng với sự phát triển của bảo tàng thế giới, hiện nay người ta đang hướng tới bảo tàng gắn với công chúng, bảo tàng gắn với công nghệ để làm sao tạo cho du khách cảm nhận và cảm hứng với hiện vật. “Theo cách truyền thống, bảo tàng chỉ trưng bày những hiện vật theo chủ quan của người làm bảo tàng nhưng bây giờ phải tương tác giữa du khách với bảo tàng. Thông qua hiện vật, người ta có thể góp ý kiến, trao đổi thêm với các nhà bảo tàng”, ông Trung chia sẻ.

Là đô thị thương cảng xưa - di sản văn hóa thế giới, Hội An giàu tiềm năng và lợi thế để thiết lập và mở rộng hệ thống bảo tàng, tạo thêm loại hình du lịch đặc sắc, hỗ trợ cho du khách tìm hiểu, khám phá chiều sâu văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người nơi đây.

Theo Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×