Hòa Bình: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
21/08/2020 | 14:37Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là điều kiện, nền tảng để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách của con người. Xác định rõ điều này, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa "an toàn” theo nhiều nghĩa.
Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh theo cách hiểu của những người làm công tác quản lý văn hóa không phải xây dựng một cái gì đó quá to tát, cao siêu, mà chỉ đơn giản từ những hoạt động cụ thể mà mỗi gia đình, địa phương, cơ quan, đơn vị đều có thể thực hiện. Quan trọng là hoạt động, hành động ấy phải góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống, hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Một mặt, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, giúp mỗi người nhận thức được trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, biết tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, biết quý trọng cái cao thượng và tính nhân văn…”.
Với cách nhìn nhận đó, những năm qua, ngành VH-TT&DL đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn. Bắt đầu từ việc chỉ đạo duy trì, thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các cấp, ngành đã tích cực tuyên truyền để mỗi người dân, công chức, viên chức, người lao động (CC, VC, NLĐ) hiểu và thực hiện có hiệu quả các hoạt động xây dựng "Gia đình văn hóa”, "Làng văn hóa”, "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Các huyện, thành phố chú trọng việc nhân rộng gia đình văn hóa, xóm, bản, khu dân cư văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, không có tệ nạn xã hội, phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Ở một số địa phương đã xây dựng, phát triển các mô hình "Tổ liên gia tự quản”, "Ngõ tự quản”, "Đoạn đường tự quản”, "Ổ nhà tự quản”, "Dòng họ tự quản”. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, CC, VC, NLĐ theo quy định của ngành, của tỉnh. Theo đó, chất lượng phong trào xây dựng gia đình, làng, bản, khu dân cư, cơ quan văn hóa… ngày càng được nâng cao. Năm 2019, toàn tỉnh có 83,8% gia đình văn hóa; 85,2% làng, bản, tổ dân phố, trên 94% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Để có một xã hội lành mạnh thì việc xây dựng mỗi tế bào của xã hội, tức mỗi gia đình bền vững, hạnh phúc luôn được quan tâm. Theo đó, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập, duy trì 1.657 câu lạc bộ "Phát triển gia đình bền vững”, tạo sân chơi bổ ích để các thành viên gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Bên cạnh đó, việc phát huy truyền thống gia đình, dòng họ trong giáo dục đạo đức, lối sống luôn được quan tâm, để gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, giáo dục nếp sống con người. Qua thực hiện phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa”, đã xuất hiện nhiều mô hình gia đình điển hình tiêu biểu được cơ sở suy tôn, như hộ các ông: Nguyễn Quang Cảnh, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy); Đinh Đức Bân, xã Hợp Phong (Cao Phong); Lý Sinh Toàn, xã Tú Sơn (Kim Bôi); Bùi Quang Ngoạn, xã Mông Hóa (TP. Hòa Bình)…
Để người dân được tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa một cách lành mạnh, các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa như: nhà văn hoá, sân thể thao, trang thiết bị phục vụ hoạt động sinh hoạt cộng đồng, thư viện. Hiện, một số địa phương đã xây dựng được nhà văn hóa ở 100% xóm, khu dân cư. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được đầu tư tốt sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động văn hóa lành mạnh, tạo bức tường vô hình ngăn chặn sự xâm nhập của văn hóa độc hại.